Thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ðặc biệt, việc đổi mới phương thức vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa của Công đoàn ngành đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ðặc biệt, việc đổi mới phương thức vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa của Công đoàn ngành đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhân Ðại hội Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng nhiệm kỳ 2018 - 2023, Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành về vấn đề này.
PV: Xin bà cho biết kết quả hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa của Công đoàn ngành trước khi đổi mới phương thức vận động?
|
Bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng |
Bà Nguyễn Thị Minh: Từ năm 1998 Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Sở GDĐT phát động phong trào “Trường giúp trường”, “Huyện giúp huyện” sâu rộng trong toàn ngành. Theo đó, phân công tổ chức kết nghĩa giữa các trường thành phố, thị trấn với các trường vùng sâu trong tỉnh theo từng giai đoạn, có chủ đề, nội dung cụ thể nhằm giúp giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn an tâm và cống hiến nhiều hơn cho địa phương; đồng thời, tăng cường xây dựng khối đoàn kết, tính cộng đồng trách nhiệm trong đội ngũ nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên toàn ngành.
Qua 10 năm tổ chức thực hiện, các đơn vị được phân công giúp đỡ đã hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và tiền mặt, tổ chức giúp nhau về chuyên môn - nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, công tác như: thiết bị nghe nhìn, máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh, công trình vệ sinh, giếng nước, quần áo, sách giáo khoa, vở, viết và đồ dùng học tập trị giá hơn 11 tỷ đồng và các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Hiệu quả thu được từ phong trào đã khẳng định tính nhân văn cao cả của phong trào, mang ý nghĩa giáo dục cao về tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và học sinh, sinh viên.
Năm 2008, thực hiện Lời kêu gọi của Bộ GDĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và tiếp tục hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đã tổ chức cuộc vận động “Ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng xa khó khăn”. Cuộc vận động đã được đông đảo CBNGNLĐ, học sinh, sinh viên trong ngành tiếp tục hưởng ứng tích cực. Sau 5 năm triển khai đã huy động được 2 máy nước nóng, 28 máy vi tính, 53 bộ bàn ghế học sinh, 73 dàn âm thanh, 3 công trình vệ sinh, 5 giếng nước, 1.020 bộ quần áo mới, 20 ngàn cuốn vở, hàng chục ngàn cây viết và đồ dùng học tập…và gần 1 tỷ đồng tiền mặt.
PV: Vì sao Công đoàn ngành lại đổi mới phương thức hỗ trợ và hiệu quả từ đó mang lại ra sao, thưa bà?
Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Ðồng
- 5 năm liên tục được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc;
- 5 năm liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc;
- Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác GDĐT từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016 - 2017.
|
Bà Nguyễn Thị Minh: Phải nói rằng kết quả thu được từ phong trào chung của toàn ngành là rất lớn. Thế nhưng, việc phân công 1 đơn vị thuận lợi giúp 1 đơn vị khó khăn còn thể hiện sự dàn trải, manh mún. Số tiền mặt từng đơn vị vận động được hàng năm chỉ dừng lại mỗi đơn vị khoảng vài chục triệu đồng, vì vậy, chưa thực sự giải quyết được những vấn đề lớn, cấp bách cho đơn vị thụ hưởng như việc xây nhà công vụ, công trình vệ sinh, công trình nước sạch hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà công vụ... Do vậy, hiệu quả của cuộc vận động vẫn chưa thực sự đáp ứng những nhu cầu bức thiết của các đơn vị khó khăn.
Qua kết quả khảo sát năm 2015 vẫn còn 27 đơn vị chưa có nhà công vụ, 112 giáo viên phải thuê nhà hoặc ở nhờ nhà người thân, 20 đơn vị chưa có giếng nước để sinh hoạt… là điều hết sức nan giải. Từ năm học 2014 - 2015, Công đoàn ngành quyết định điều chỉnh hình thức phân công hỗ trợ vùng sâu, vùng xa theo phương châm: nhiều đơn vị tập trung giúp một đơn vị. Cụ thể: năm học 2014 - 2015, toàn ngành đã vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa nguồn tiền và hiện vật trị giá gần 900 triệu đồng. Điều chỉnh CĐCS Trường THPT Lê Hồng Phong giúp Trường THPT Quang Trung (Cát Tiên) 50 triệu đồng làm sân nhà công vụ giáo viên; năm học 2016 - 2017, điều chỉnh 8 CĐCS giúp 5 đơn vị nâng cấp nhà công vụ, xây nhà vệ sinh, khoan giếng với tổng số tiền 120 triệu đồng. Từ hiệu quả của 2 năm điều chỉnh hình thức phân công với phương châm “Nhiều đơn vị giúp một đơn vị”, năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018, Công đoàn ngành đã phân công 2 phòng GDĐT và 37 đơn vị trực thuộc đóng góp hỗ trợ xây 6 nhà công vụ giáo viên tại Trường TH&THCS Đồng Nai Thượng huyện Cát Tiên, Điểm trường Đạ M’bô thuộc Trường Tiểu học Đạ Rsal huyện Đam Rông, Trường TH&THCS Hoàng Hoa Thám xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Phân trường Phú Lệ thuộc Trường Tiểu học Phú Sơn huyện Lâm Hà, THPT Lộc Thành, THPT Đạ Tông và 1 công trình nước sạch tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngoài việc phân công các đơn vị thuận lợi giúp các đơn vị khó khăn trong ngành, từ năm 2014 đến nay, Công đoàn ngành đã tích cực đề xuất với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và tìm nguồn hỗ trợ từ các Công đoàn Giáo dục tỉnh bạn để có thêm kinh phí chăm lo cho giáo dục vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2015 - 2017, huy động được 1,1 tỷ đồng từ Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, ngành GDĐT thành phố Hồ Chí Minh và ngành GDĐT thành phố Hà Nội để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Sau hơn 3 năm thực hiện việc đổi mới hình thức phân công thực hiện cuộc vận động đã giải quyết cho hơn 60 giáo viên có nhà công vụ để ở, hơn 1.500 học sinh và giáo viên có nguồn nước sạch để uống và sinh hoạt, làm được 50 m2 sân nhà công vụ, xây dựng 3 nhà vệ sinh, 2 giếng khoan... Do đó, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nhà giáo, người lao động và học sinh vùng sâu, vùng xa, từng bước ổn định để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục bắt kịp quá trình đổi mới sự nghiệp GDĐT, khắc phục và hạn chế sự cách biệt giữa giáo dục ở các vùng khó khăn so với các vùng thuận lợi trong tỉnh. Đồng thời, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về chương trình “Nâng cao đời sống văn hóa cho nhà giáo và người lao động”. Với giải pháp này thì đến năm 2020 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn.
PV: Xin chân thành cảm ơn những nội dung mà bà đã cùng trao đổi!
TUẤN HƯƠNG (thực hiện)