Thứ 2, 21/04/2025, 14:0

Ke Blằng "giữ lửa" cồng chiêng

08:03, 19/03/2018

Truyền dạy cồng chiêng giờ đây là trăn trở của những già làng khi đã đi gần hết cuộc đời. Còn đối với người trẻ bây giờ, muốn gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng của cha ông thì cần đặt vào đó tình yêu và tâm huyết...

Truyền dạy cồng chiêng giờ đây là trăn trở của những già làng khi đã đi gần hết cuộc đời. Còn đối với người trẻ bây giờ, muốn gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng của cha ông thì cần đặt vào đó tình yêu và tâm huyết...
 
Mỗi người họ đều có những đam mê, công việc riêng nhưng vẫn cố gắng cùng nhau gìn giữ tiếng cồng chiêng. Ảnh: H.T
Mỗi người họ đều có những đam mê, công việc riêng nhưng vẫn cố gắng cùng nhau gìn giữ tiếng cồng chiêng. Ảnh: H.T

"Mình đi nhiều nơi rồi mới thấy, tiếng chiêng mỗi nơi một khác. Nhất là ở Tây Nguyên, mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại có một nét riêng trong từng bài biểu diễn, từng cách thể hiện. Nhưng tựu trung lại, cồng chiêng vẫn là giá trị văn hóa tinh thần linh thiêng mà không phải nơi nào, dân tộc nào có được” - K’Kiểm, anh cán bộ văn hóa ở xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) tự hào khi bắt đầu câu chuyện về tiếng chiêng của dân tộc Châu Mạ của mình.
 
Đã 10 năm kể từ ngày chàng trai K’Kiểm cùng với thanh niên trong xã tham gia lớp đào tạo cồng chiêng do Phòng Văn hóa Thông tin của huyện tổ chức. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa, về làm cán bộ văn hóa - xã hội chính là điều kiện giúp anh hiểu hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ các những gì thuộc về văn hóa của cha ông. K’Kiểm làm đội trưởng đội cồng chiêng của xã với tên gọi Ke Blằng - tên gọi cũ của thôn Phước Dũng bây giờ. Chàng trai 22 tuổi khi ấy mới ý thức được rằng giá trị văn hóa mới là cốt hồn của một dân tộc. 
 
K’Kiểm nói rằng với người Châu Mạ xưa, chiêng là âm thanh không thể thiếu vào những dịp lễ mừng quan trọng của đời người như lễ thổi tai, lễ cưới, lễ mừng lúa mới, tết cổ truyền, lễ cúng Yàng, lễ ăn trâu… Theo thời gian, những lễ hội ấy dần mất đi, chiêng thì không còn đủ bộ như trước do người dân đã bán đi trong những vụ mùa thất bát. 
 
Hỏi anh về tình yêu với tiếng chiêng, K’Kiểm nói rằng điều đó với anh như một lẽ tự nhiên. “Hay nói đúng hơn, tình yêu đó là xuất phát từ niềm tự hào dân tộc”, anh giải thích. Để có thể duy trì tập luyện cho đội cồng chiêng, K’ Kiểm đi tới từng nhà trong làng tìm và thuyết phục những thanh niên trẻ đi học. Thế nhưng không phải ai cũng như anh, không phải ai cũng đủ đam mê và kiên trì để theo đuổi tiếng chiêng. Trầy trật mãi rồi anh mới gây dựng được một đội gồm 6 nam, 6 nữ. K’Kiểm phải tìm đến các già làng - những người còn đang nắm giữ cái “hồn” dân tộc. Dù vậy, “các già làng thì người nhớ, người không, người nhớ thế này, người lại nhớ thế khác nên nhiều lúc phải tìm và nhờ 2, 3 người cùng ngồi lại, thảo luận thì mới có thể nắm bắt chính xác được”, K’Kiểm cho hay. 
 
Đủ người để thành lập đội nhưng lại không đủ chiêng để làm thành thứ âm thanh rền vang trời đất. Thế là K’Kiểm lại thêm lần nữa lặn lội các nơi, lần tìm các đầu mối để gom bằng được bộ chiêng đầy đủ. Vài tháng ròng rã, anh cũng nhờ người mua về được một bộ, trong đó có chiếc trị giá hàng chục triệu đồng ở các làng bên Đắk Lắk. 
 
Ðội cồng chiêng Ke Blằng hiện được đánh giá là một trong những đội hình trẻ tiêu biểu ở Ðạ Huoai, từng đạt nhiều thành tích trong các hội thi và đi lưu diễn ở nhiều nơi.
 
Rời khỏi vị trí đội trưởng đội cồng chiêng 4 năm nhưng K’Kiểm nói rằng anh vẫn luôn an tâm bởi đã gầy dựng được một thế hệ trẻ nhiệt huyết. Ka Hẩu là một trong số đó. Ka Hẩu năm nay 27 tuổi và cũng đã 4 năm làm đội trưởng kiêm thành viên múa xoang của đội. Ngay từ nhỏ, cô bé Ka Hẩu đã ngồi sau xe đạp của bố đi xem biểu diễn cồng chiêng trong xã, trong huyện. Bộc lộ năng khiếu múa hát từ nhỏ nên không khó để Ka Hẩu thành thục điệu múa do các bà, các mẹ truyền lại. Với vai trò đội trưởng, cô cũng thường xuyên lên mạng tìm hiểu các clip biểu diễn cồng chiêng để học hỏi, làm phong phú thêm màn trình diễn của đội múa. 
 
K’Thuần (24 tuổi, thôn Phước Dũng) cũng thế. Tuổi thơ K’Thuần gắn với tiếng chiêng, tiếng kèn bầu của ông ngoại. Rồi tự lúc nào, K’Thuần cũng thêm yêu và đam mê tiếng chiêng - tiếng quê hương của mình. “Đó là cảm xúc tự hào vì mình được truyền đến người xem những lời nhắn nhủ của cha ông. Tự hào hơn đó là bản sắc văn hóa dân tộc mình”, K’Thuần nói.
 
Với đội cồng chiêng trẻ ở Phước Lộc, đánh chiêng không khó. Nhưng như K’Thuần nói, tiếng chiêng ngân lên bởi sự kết hợp hài hòa của 6 chiếc chiêng, tựa như quá trình giao tiếp giữa con người với nhau. Vì thế phải thường xuyên tập luyện để “thuộc bài” nhuần nhuyễn và kết hợp với nhau một cách ăn ý nhất. Người đánh chiêng cũng phải biết lắng nghe để biết âm thanh mà mình tạo ra như thế nào, đã đủ hay và đủ vang chưa rồi tự điều chỉnh. Và với họ, mỗi lần biểu diễn, dù là trong các cuộc thi hay chỉ đơn giản là những dịp giao lưu, đó cũng là những lần bản sắc văn hóa của dân tộc được thể hiện, và cũng là cơ hội để tìm hiểu thêm văn hóa của những dân tộc khác. 
 
Những chàng trai, cô gái đôi mươi với nước da nâu khỏe khoắn và đôi mắt sáng ngời. Họ cầm chiêng, mặc trang phục truyền thống và truyền cho người gặp cảm nhận tự hào về giá trị văn hóa mà không nhiều nơi có được. Khôi phục và gìn giữ bản sắc là ấp ủ của nhiều người con buôn làng ngày ngày đang nặng lòng với văn hóa của cha ông...
 
HỒNG THẮM