Thứ 4, 16/04/2025, 19:59

"Nối dài" đôi chân cho người khuyết tật

09:03, 20/03/2018

Có những điều tưởng chừng như bình thường với người này lại là hạnh phúc lớn lao với người kia. Với những người kém may mắn bị khuyết tật vận động, niềm vui giản đơn chỉ là tự mình di chuyển từ giường nằm đến mâm cơm gia đình, tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân mà không phải phụ thuộc vào người thân... 

Có những điều tưởng chừng như bình thường với người này lại là hạnh phúc lớn lao với người kia. Với những người kém may mắn bị khuyết tật vận động, niềm vui giản đơn chỉ là tự mình di chuyển từ giường nằm đến mâm cơm gia đình, tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân mà không phải phụ thuộc vào người thân... 
 
Xe lăn được ví như đôi chân của người khuyết tật, hàng ngàn người khuyết tật Lâm Đồng đã được “nối dài” đôi chân từ những tấm lòng sẻ chia yêu thương. Ảnh: Q.U
Xe lăn được ví như đôi chân của người khuyết tật, hàng ngàn người khuyết tật Lâm Đồng đã được “nối dài”
đôi chân từ những tấm lòng sẻ chia yêu thương. Ảnh: Q.U

Nhiều năm lại đây, thông qua Hội Người khuyết tật Lâm Đồng, nhiều nhà hảo tâm đã tặng những món quà chứa đựng sự sẻ chia yêu thương là những chiếc xe lăn, xe lắc “nối dài” đôi chân, mang hạnh phúc giản dị đến cho người khuyết tật. Bởi, đối với con người “thiếu thứ gì khổ thứ đó”, đặc biệt đôi chân không lành lặn, không đi lại bình thường được thì con đường từ nhà ra ngõ cũng trở nên xa vời vợi. Nỗi khổ lớn nhất của họ là trở thành gánh nặng của người thân nên đa số người khuyết tật đều có cuộc sống khép kín, không có cơ hội việc làm, hoàn cảnh càng trở nên khó khăn. Vì thế, việc bỏ ra từ 2 - 4 triệu đồng để mua một chiếc xe lăn, xe lắc phục vụ các hoạt động như di chuyển, tự chăm sóc bản thân, kiếm việc làm phù hợp với tình trạng khuyết tật và sức khỏe là điều khó thực hiện. Thấu hiểu nỗi vất vả và thiệt thòi của người khuyết tật, vào những ngày đầu xuân này, một hành trình nhân đạo của Hội từ thiện Báo Giác Ngộ (Hội Phật giáo Việt Nam) đưa gần 160 nhà hảo tâm là bạn đọc đã đi qua các địa phương ở Lâm Đồng mang 140 chiếc xe lăn, xe lắc cùng với 1.280 phần quà trao tận tay cho người khuyết tật ở 8 huyện, thành trong tỉnh. Ngồi trên những chiếc xe lăn, nhiều người khuyết tật có cảm giác như được gắn đôi chân, điều mong ước bấy lâu đã thành hiện thực. Trước nghĩa cử cao đẹp, hành động sẻ chia yêu thương của các nhà hảo tâm, những giọt nước mắt xúc động đã rơi vì hạnh phúc của cả người cho và người nhận. 
 
Bà Nguyễn Thị Thành (65 tuổi, Thôn 9 - xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) bị khuyết tật cơ chân từ nhỏ, khi trẻ bà đi tập tễnh bước thấp bước cao làm lụng kiếm sống. Tuổi ngày một cao, sức yếu, đi lại ngày càng khó khăn, xe lăn giúp bà di chuyển đi thăm họ hàng bà con, làm lụng việc nhà, đi lấy hàng kẹo, bánh, thuốc lá về bán. Bà Thành bày tỏ: Xe lăn như một bộ phận của cơ thể và chở theo được rất nhiều thứ, cảm ơn nhà hảo tâm đã hiểu được nỗi vất vả của người khuyết tật chúng tôi và tặng món quà ý nghĩa. 
 
 Không riêng gì bà Thành, nhiều người khuyết tật liệt hai chân từ nhiều năm qua bò lê lết dưới đất, quanh quẩn ở nhà, hoặc chỉ nằm trên giường, mọi sinh hoạt cá nhân cũng dựa vào người thân, họ không tự chăm sóc bản thân mình vì không thể đi lại; giờ đây có xe lăn, họ có thể đi lại tự kiếm sống. Xe lăn hỗ trợ vận động và trở thành phương tiện để xóa đói giảm nghèo, giúp người khuyết tật vươn lên tự lo cho cuộc sống của mình như ông Phạm Công Thường, bà Vũ Thị Nhâm (Đạ Pal - Đạ Tẻh)... 
 
Như hiểu “tiếng lòng” của người khuyết tật, từ nhiều năm qua, Đại đức Thích Quang Hùng - Hội trưởng Hội từ thiện Báo Giác Ngộ luôn coi người khuyết tật là đối tượng chính cần sẻ chia trong mọi hoạt động nhân đạo từ thiện của mình và món quà ý nghĩa nhất dành cho họ là xe lăn, xe lắc. 
 
Trong hành trình từ thiện đến với người khuyết tật ở nhiều miền quê trong cả nước, 5 năm qua (từ 2013 đến nay), đại đức đã có đến 9 chuyến đi từ thiện về với Lâm Đồng, trao tặng tổng cộng 282 xe lăn, 94 xe lắc, 3.307 phần quà với tổng trị giá 1,8 tỷ đồng cho người khuyết tật.
 
Vị đại đức tâm sự: Chiếc xe lăn dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật đắc lực nhất trong sinh hoạt và trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, những năm qua, tôi cùng Phật tử là bạn đọc của Báo luôn quan tâm đến việc tặng món quà ý nghĩa này cho người khuyết tật giúp họ đi lại, tự chăm sóc bản thân mình, tự kiếm sống để hòa nhập cộng đồng. Qua đó, nhằm sẻ chia với người khuyết tật những khó khăn. Nhiều người hỏi tôi “Sao không tặng thứ gì ít tốn kém hơn mà năm nào thầy cũng tặng xe lăn, xe lắc?”, tôi đã giải thích: So với tỷ lệ 1 - 2% dân số bị khuyết tật vận động do bẩm sinh, do tai nạn (lao động, giao thông...), người khuyết tật nhẹ già yếu đi, tai biến cũng không đi lại được, xe tặng rồi qua thời gian cũng hỏng... thì những chiếc xe lăn, xe lắc chúng tôi đã trao tặng mới chỉ đến được với một phần rất nhỏ số người khuyết tật. Còn rất nhiều người khuyết tật cần đến nó mà không có tiền mua, trong thời gian tới, tôi sẽ vẫn tiếp tục hành trình “nối dài” đôi chân cho người khuyết tật. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.200 hội viên khuyết tật, trong đó đa số là khuyết tật vận động, nhiều hội viên không có khả năng tự thân vận động theo nghĩa đen, rất cần các phương tiện hỗ trợ. Những năm qua, Hội không ngừng kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ vật chất, tinh thần, đặc biệt là những chiếc xe lăn, xe lắc. Trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 đoàn từ thiện, trao hơn gần 1.000 xe lăn, xe lắc cho hội viên khuyết tật của tỉnh, đáng ghi nhận nhất là tấm lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương của Đại đức Thích Quang Hùng (Báo Giác Ngộ). Từ món quà ý nghĩa này, nhiều hội viên đã vươn lên trong cuộc sống, làm những công việc phù hợp với sức khỏe, tình trạng dị tật để giúp đỡ gia đình, sống có ích, không còn tự ti, mặc cảm. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn của người khuyết tật. Mỗi đợt từ thiện, chúng tôi đã tiến hành rà soát từ cơ sở, những đối tượng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên trước, tình trạng khuyết tật nặng để trao tặng trước, trao tặng cho người đúng đối tượng - anh Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Lâm Đồng cho biết. 
 
QUỲNH UYỂN