(LĐ online) - Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan - đất nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân; được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc tháng 6/2012.
(LĐ online) - Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan - đất nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân; được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc tháng 6/2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Với quan niệm hạnh phúc và hạnh phúc bền vững bắt nguồn từ những thành tựu kinh tế và sự thịnh vượng vật chất; từ việc kiếm tiền, tích lũy của cải và thành đạt…, đã thôi thúc hầu hết mỗi người nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành công về vật chất. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy, bởi giữa của cải và hạnh phúc không có mối liên hệ rõ ràng. Trong điều kiện phát triển hiện nay, người nghèo không có hạnh phúc trọn vẹn đã đành, nhưng có biết bao người giàu mà vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, cần nhận thức rằng, ở tầm vĩ mô, sự giàu có, thịnh vượng trực tiếp mang lại hạnh phúc chỉ có được ở những quốc gia luôn giữ được ổn định về chính trị và có những chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục ở mức độ cao hơn – là những yếu tố quan trọng của hạnh phúc. Do đó, theo đuổi bằng cách mải miết làm giàu cũng chưa hẳn là con đường đúng đắn để có được hạnh phúc một cách đúng nghĩa.
Trong cuộc họp phát động Ngày Hạnh phúc Thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã phát biểu: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc”. Và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã gửi Thông điệp đến các quốc gia nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014: "Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện".
Ngày Quốc tế hạnh phúc sau khi công bố đã được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc; bởi nó phù hợp với tôn chỉ mà nước ta đã lựa chọn “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hiệp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2589/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Đề án nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc; từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3).
Năm 2018 là năm thứ 5 Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Ngày 02/01/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 14/BVHTTDL-GĐ về việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc 2018 và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm”, tiếp tục chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ”, với các khẩu hiệu tuyên truyền chính: Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3; Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên!
Theo đó, nội dung tuyên truyền ngày Quốc tế hạnh phúc bao gồm: Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc; chủ đề và các thông điệp của ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2018; các chính sách, pháp luật (Pháp luật về hôn nhân và gia đình, Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình) và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng... Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề trên các loại báo chí; treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích; tuyên truyền trên bảng tin công cộng tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng và nơi đông dân cư… về chủ đề và các khẩu hiệu nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc. Việc tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ và thực thiện nghiêm chỉnh pháp luật hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, bền vững; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền của phụ nữ, trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Việc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án được tập trung vào các nội dung: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án; Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án; Đánh giá hiệu quả tác động của Đề án, cơ chế phối hợp, lồng ghép thực hiện Đề án; Đánh giá tồn tại, hạn chế...làm cơ sở để thực hiện hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc là để biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc; chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội…; trong đó đặc biệt quan tâm tới đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương. Hãy yêu thương và sẻ chia với những người thân trong gia đình, những người xung quanh ta, để mọi người đều có được nhiều giây phút hạnh phúc thực sự.
Để đạt được những điều mong muốn tốt đẹp đó, bên cạnh việc Đảng, Nhà nước tạo dựng chính sách tốt đẹp, cơ sở pháp lý, cơ chế phù hợp, thì bản thân mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần phải nỗ lực phấn đấu để mang lại hạnh phúc cho chính mình. Vì vậy, cùng với cả nước, mỗi người hãy phấn đấu thể hiện bằng hành động thiết thực, có ý nghĩa nhất cho gia đình, quê hương và cho đất nước; bởi cách tốt nhất để có được hạnh phúc thật sự là tự tạo ra hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình. Theo đó, mỗi người cần gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững. Thực hiện tốt những điều đó nghĩa là mỗi người đã góp phần hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.
KHÁNH LINH