(LĐ online) - Tại hội nghị triển khai kế hoạch liên tịch giữa Hội LHPN Đà Lạt và Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 1 năm 2018 diễn ra sáng nay 12/4, Đại tá Nguyễn Trọng Tình - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã đánh giá tình hình cháy nổ trên địa bàn Tp.Đà Lạt quý I/2018, trong đó, đưa ra cảnh báo những điểm nóng có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn thành phố.
(LĐ online) - Tại hội nghị triển khai kế hoạch liên tịch giữa Hội LHPN Đà Lạt và Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 1 năm 2018 diễn ra sáng nay 12/4, Đại tá Nguyễn Trọng Tình - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã đánh giá tình hình cháy nổ trên địa bàn Tp.Đà Lạt quý I/2018, trong đó, đưa ra cảnh báo những điểm nóng có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn thành phố.
* Các khu chung cư:
Qua kiểm tra, khảo sát 7 khu chung cư trong thành phố cho thấy hầu hết các chung cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt không bảo đảm điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng. Ngoài ra, tình trạng người dân tự ý xây dựng, cơi nới lấn chiếm hành lang, lối đi cầu thang thoát nạn, câu mắc hệ thống điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn rất phổ biến. Các chủ đầu tư chung cư còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các yêu cầu khắc phục về an toàn PCCC của cơ quan chức năng vì ngại tốn kém; không có kinh phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc…
* Các cơ sở kinh doanh karaoke:
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nếu khi có sự cố cháy nổ xảy ra thường gây thiệt hại rất lớn bởi hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke không được quy hoạch, nhiều cơ sở nằm trong nhà ống nhiều tầng, được thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy. Chưa kể có nơi còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, của lực lượng chữa cháy để cứu nạn và chữa cháy; thiếu các cầu thang phục vụ thoát nạn, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối. Nhiều công trình do chuyển đổi công năng, mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn. Vì vậy, khi xảy ra cháy tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc đấu nối hệ thống điện không đúng yêu cầu kỹ thuật, sử dụng điện vượt công suất tiêu thụ cho phép, hàn cắt kim loại không tuân thủ quy định an toàn cháy là những nguyên nhân có thể gây ra cháy.
* Các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng:
Nhiều chủ cơ sở, cửa hàng xăng dầu, khí hóa lỏng còn chủ quan, chưa coi trọng công tác PCCC. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tư nhân có quy mô nhỏ nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhà ở của các hộ gia đình. Ý thức chấp hành công tác PCCC của người đứng đầu các cơ sở này còn hạn chế, chủ quan, chưa coi trọng công tác PCCC; việc cập nhật, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC chưa đầy đủ và kịp thời nên người lao động làm việc trong các cơ sở này còn lơ là, xem nhẹ.
* Các khách sạn, nhà trọ sinh viên:
Đặc thù của các cơ sở này thường có đông người tập trung, đa dạng về lứa tuổi, trình độ nhận thức cũng như tâm sinh lý... nên cũng sẽ có thái độ, phản ứng không giống nhau khi chẳng may gặp phải sự cố cháy nổ. Đa số khách sạn, nhà trọ hiện là dạng nhà ống, nhà cao tầng, do đó khi có hỏa hoạn xảy ra việc tổ chức thoát nạn và chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hầu hết công trình cơ sở này đều bố trí, lắp đặt, sử dụng các hệ thống như: thang máy, thông gió, đường dây dẫn điện chằng chịt nên khi xuất hiện sự cố cháy nổ, ngọn lửa có nhiều khả năng lan truyền theo các hệ thống này và gây cháy toàn bộ. Bên cạnh đó, việc mất an toàn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt là nhóm nguy cơ gây cháy nổ cao tại khách sạn. Chưa kể, hiện các khách sạn, nhà trọ thường bố trí khu vực tầng hầm hoặc tầng trệt dùng làm nơi để xe, trạm phát điện và nhiều bộ phận kỹ thuật khác… Đây cũng là khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ và nếu cháy xảy ra tại khu vực này có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, cũng như khó khăn trong công tác triển khai chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
* Các cơ sở kinh doanh tạp hóa và các hình thức kinh doanh khác:
Hầu hết những tiệm tạp hóa và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ khác này thường kết hợp với nhà ở luôn luôn tiểm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao là mối đe dọa tới những người xung quanh cũng như chính bản thân họ mà họ không hề hay biết như: chủ tiệm, cửa hàng không hiểu biết kiến thức PCCC; hàng hóa dễ cháy chứa nhiều và chất chồng lên nhau; khoảng cách an toàn hệ thống điện, lối thoát nạn không đảm bảo; không có phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu; nơi thờ cúng làm bằng vật liệu dễ cháy và đặt gần hàng hóa; sử dụng biển quảng cáo, đấu nối, câu móc điện che hết các ban công, lô gia…
* Các garage ô tô:
Trên thực tế, garage ô tô tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ về cháy, nổ bởi garage tập trung nhiều vật liệu dễ cháy như sơn, trần xốp, săm lốp, các thiết bị điện tử, hàn gió đá, máy cắt... cùng với đó là lượng xăng dầu trên xe khi xảy ra cháy, nổ sẽ bắt cháy rất nhanh và khả năng cháy lớn. Ngoài ra, đường dây điện tại các garage không đảm bảo, tự ý câu nối, không có thiết kế, hay trong quá trình sử dụng hệ thống dây dẫn nguồn điện bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, quá tải không đảm bảo an toàn, gây chạm chập...
AN NHIÊN