Thứ 2, 31/03/2025, 05:55

Cùng đồng bào K'Ho mang lúa về kho

08:04, 13/04/2018

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng đã nỗ lực phục dựng, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Từ đó, chẳng những phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống mới trong cộng đồng dân cư. 

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng đã nỗ lực phục dựng, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Từ đó, chẳng những phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống mới trong cộng đồng dân cư. 
 
Thông qua lễ hội, các nét đẹp văn hóa đồng bào được thể hiện. Ảnh: N.B
Thông qua lễ hội, các nét đẹp văn hóa đồng bào được thể hiện. Ảnh: N.B

Là cư dân bản địa sống bằng nông nghiệp, nên một mùa vụ (một năm) người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội khác nhau như: Sih sre (gieo sạ), Nhô wèr (cúng dưỡng lúa), Nhô brê Rơhe (mang lúa về kho) và Nhô lềr (lir) bong (mừng lúa mới). 
 
Hiện nay, nhiều lễ hội truyền thống của người K’Ho và một số dân tộc khác đã và đang bị mai một, trước thực trạng này, việc thực hiện hỗ trợ, phục dựng, bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc là rất cần thiết. Qua đó, nhằm sưu tầm, ghi nhận đầy đủ tư liệu về từng lễ hội của đồng bào K’Ho trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của các chủ thể đang nắm giữ di sản văn hóa, góp phần vào công tác bảo tồn cũng như sự nghiệp phát triển văn hóa tại địa phương.
Trước đây, cứ vào vụ chính, người K’Ho thường sử dụng giống lúa mẹ (kòi me) vào sản xuất với thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng. Sau khi lúa đã được thu hoạch (đã tuốt xong - neh lồc prơjòt), trước khi mang về kho, người K’Ho phải tổ chức nghi lễ cúng tế tại cánh đồng nhằm tạ ơn và xin thần linh cho gia chủ được phép mang lúa về kho. Nghi lễ Nhô Rơhe của người K’Ho được tổ chức vào cuối giờ chiều trong phạm vi gia đình với sự tham gia của các thành viên trong gia đình, dòng tộc. Bắt đầu tiến hành nghi lễ, gia chủ cắt tiết gà vẩy máu lên đống lúa... Vừa vẩy, gia chủ vừa khấn cầu, đại ý: “Hôm nay, gia đình chúng tôi đã thu hoạch lúa xong. Tạ ơn Yàng đã cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạt lúa được chắc khỏe, cầu cho gia đình có đủ lúa ăn quanh năm và cầu mong cho mùa vụ tới được thuận lợi và bội thu...”. Tiếp theo, gia chủ tiến hành hiến sinh con lợn, phần đầu dành cúng tế thần lúa, còn lại dùng để chế biến các món ăn đãi khách. Sau khi tiến hành xong nghi lễ, mọi người quây tụ bên đống lúa, ngồi quanh chóe rượu cần, cùng nhau thưởng thức men nồng của rượu và các món ăn truyền thống được chế biến từ thịt lợn, rau rừng.
 
Theo nghệ nhân K’Brel ở buôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh: “Trước đây, người K’Ho sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước, nên tất cả nghi lễ và tổ chức lễ hội đều liên quan đến vòng đời sinh trưởng của cây lúa, cúng tế thần lúa. Sau nghi lễ được thực hiện tại cánh đồng, sáng sớm hôm sau, họ gùi lúa về kho rồi sau đó tiếp tục làm nghi lễ cúng Yàng, vì lúa đã chất đầy kho. Họ không tiếc con gà, con heo để cúng tế thần lúa, vì hạt lúa đã nuôi sống họ”.
 
Nghi lễ kết thúc, lần lượt những bô lão, người có vai vế trong dòng tộc cùng nhau uống rượu cần; có dịp được giao lưu bằng những lời ca tiếng hát mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho như: Yal yau, pơnđik - pơnring, đơs long, đơs reng... với ý nghĩa giáo dục con người luôn hướng về cái thiện, ca ngợi vẻ đẹp, cuộc sống mộc mạc, chân chất của cư dân K’Ho. “Với người K’Ho, Nhô brê Rơhe có một ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi lúa đã được tuốt xong, hạt lúa được mang về kho rồi mới thực hiện nghi lễ cúng thần lúa, lúc đó người K’Ho mới được phép sử dụng lúa trong kho. Vì được tổ chức trong phạm vi gia đình, nên họ thường mời và cùng nhau từ nhà này đến nhà kia để chúc tụng” - ông K’Branh ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết. 
 
Ngoài việc trải lòng qua từng làn điệu dân ca, họ còn được thưởng thức nhịp điệu múa xoang, âm điệu cồng chiêng của chàng trai, cô gái với trang phục thổ cẩm truyền thống. Với thế hệ trẻ thì đây chẳng những là dịp, mà còn là cơ hội tốt để họ được gặp gỡ, giao lưu, học tập từ các bậc ông, bà, cha, chú, các nghệ nhân... Đặc biệt, họ được tiếp cận với cồng chiêng, điệu múa đã từng thổn thức, say đắm lòng biết bao người cho đến việc tìm hiểu về ẩm thực truyền thống của người K’Ho.
 
Cũng như một số chị em khác cùng trang lứa, chị Ka Hằng ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà chỉ biết qua những lời kể của ông bà, cha mẹ chứ chị cũng chưa một lần nào được chứng kiến lễ hội này. “Được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức phục dựng Lễ Nhô brê Rơhe tại huyện Lâm Hà, đây là dịp tốt để tôi được chứng kiến, tìm hiểu, góp phần giữ gìn lễ hội văn hóa truyền thống; đánh cồng chiêng và múa xoang cũng thế, giờ tôi đã học được từ các nghệ nhân và những người đi trước để truyền lại cho thế hệ sau. Qua đây, tôi mong muốn người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ phải có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống”. 
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Việc phục dựng lễ hội Mang lúa về kho của người K’Ho chỉ là bước tiền đề, thời gian tới, các cấp lãnh đạo của huyện cần có sự quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường, đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong thời kỳ mới của đất nước. Trong đó, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội. Tránh mang nặng các yếu tố thương mại, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội..., gây phản cảm và xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số”. 
 
NDONG BRỪM