Bàng vuông, phong ba, phi lao... những cái tên đầy mặn mòi của biển. Giữa muôn trùng sóng biếc, những dáng cây làm Trường Sa dịu lại, xanh như màu xanh quê nhà. Cây xanh đã trở thành một phần không thể thiếu nơi đảo xa, như vòng tay êm ái cùng đảo anh hùng vượt qua bão tố.
Bàng vuông, phong ba, phi lao... những cái tên đầy mặn mòi của biển. Giữa muôn trùng sóng biếc, những dáng cây làm Trường Sa dịu lại, xanh như màu xanh quê nhà. Cây xanh đã trở thành một phần không thể thiếu nơi đảo xa, như vòng tay êm ái cùng đảo anh hùng vượt qua bão tố.
|
Lính đảo trồng cây đầu năm. Ảnh: D.Q |
Bàng vuông đã trở thành “thương hiệu” của Trường Sa. Những tán cây giúp cái nắng biển dịu lại, tạo một vùng xanh mát ngay giữa trưa hè rực lửa. Cây rất lạ, thân gân guốc, dáng mạnh mẽ nhưng những bông hoa bàng vuông lại dịu dàng, mỏng manh với màu tím hồng đặc trưng. Muốn ngắm bàng vuông nở, chiến sỹ phải chờ tới khi mặt trời đi ngủ. Dưới tiếng sóng và những con gió, từng cánh bàng vuông vội vã, rung rinh nở. Hương hoa bàng vuông ngọt ngào, thơm ngát bay xa khắp đảo. Bàng vuông được mang từ đảo này tới đảo khác, những cây bàng vuông non được trồng trong giỏ trúc là món quà quý chiến sỹ các đảo gửi cho nhau.
Không chỉ bàng vuông, Trường Sa còn có phong ba, bão táp, hai loài cây mang cái tên của sóng, của gió. Cũng như bàng vuông, phong ba, bão táp sống khỏe, đơm hoa trên cái cằn cỗi của đảo, ra trái và tái sinh thế hệ kế tiếp, không sợ những đợt bão tố với nước mặn. Nhiều người tưởng phong ba, bão táp là một loài cây. Thực ra chúng là hai loại khác nhau. Phong ba dáng to cao hơn với hoa vàng thành chùm. Còn bão táp, loài hoa có cái tên oai hùng ấy lại có những bông hoa trắng nhỏ xíu, e ấp nơi nách lá đầy duyên dáng. Điểm chung của cả phong ba, bão táp là chúng đều là những loài cây kiên cường, chống chịu được bão tố, nước biển và vươn mình cứng cỏi giữa trời nước mênh mông.
Không chỉ có những loài cây đặc trưng, Trường Sa hôm nay còn có rất nhiều loại cây tới từ nhiều vùng Tổ quốc. Đảo dừa Nam Yết rạng rỡ với những hàng dừa xanh buông mình trong gió, với những trái dừa ngọt lịm. Cây mù u vùng Tây Nam Bộ đã trở thành cây cổ thụ trên đảo Sinh Tồn, là nơi để cán bộ, chiến sỹ nghỉ ngơi sau những giờ rèn luyện. Cây tra, cây mà chiến sỹ thường gọi là “nho Trường Sa” cho những em bé một thứ quả chua ngọt ngon lành. Cây phi lao, loài cây kiên cường bám rễ ngay nơi đất cằn đất sỏi…
Những cái tên ấy, những loài cây ấy đang ngày đêm che bóng mát cho người lính, oằn mình chống chọi bão gió giữ đảo bình yên. Và cũng không phụ lòng, những người lính cũng ngày ngày chăm sóc, nhân giống cho cây xanh mọc mãi, mọc mãi. Từ mầm xanh cây lớn thành những tán cổ thụ vững vàng trước sóng, trước gió. Như người lính hiên ngang giữ đảo tiền tiêu.
DIỆP QUỲNH