Thứ 3, 01/04/2025, 20:45

Cô thủ thư yêu nghề

08:04, 13/04/2018

Những năm qua, Thư viện Ðơn Dương nổi lên như một điểm sáng trong hành trình "Sách đi tìm người đọc" của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Ðồng. Trong đó có vai trò đóng góp lớn của chị Dương Thị Bích Hà - người thủ thư yêu nghề, yêu những trang sách và dành tâm huyết cho văn hóa đọc.

Những năm qua, Thư viện Ðơn Dương nổi lên như một điểm sáng trong hành trình “Sách đi tìm người đọc” của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Ðồng. Trong đó có vai trò đóng góp lớn của chị Dương Thị Bích Hà - người thủ thư yêu nghề, yêu những trang sách và dành tâm huyết cho văn hóa đọc.
 
Chị Dương Thị Bích Hà trong một chuyến đưa sách về với những ngôi trường vùng sâu, vùng xa trong huyện. Ảnh: Q.U
Chị Dương Thị Bích Hà trong một chuyến đưa sách về với những ngôi trường vùng sâu, vùng xa trong huyện. Ảnh: Q.U

Chị Dương Thị Bích Hà (1980) sinh ra ở phố huyện Dran, tốt nghiệp phổ thông, chị đi học cao đẳng văn hóa quần chúng, sau đó về làm việc tại Trung tâm Văn hóa huyện Đơn Dương khi tuổi đời mới đôi mươi. 
 
Năm 2008, chị Hà được phân công phụ trách Thư viện huyện, cũng đúng vào lúc bùng nổ thông tin và các phương tiện truyền thông, nghe nhìn trong thời đại số. Nhiều người coi việc đọc sách không còn là lựa chọn duy nhất, là cách duy nhất để tìm kiếm thông tin, làm giàu kiến thức cho mình. Trong khi Thư viện huyện là bộ phận của Trung tâm văn hóa với cơ sở vật chất đơn sơ; những ngày đầu làm việc chỉ là những cuốn sách “cũ nhiều, mới ít”, không khí thật buồn tẻ, mỗi tuần chỉ có vài độc giả ghé qua, có ngày không có một độc giả nào, thư viện vắng hiu. Lúc khó khăn nhất, gian nan nhất cũng là thời điểm thử thách sự năng động, sáng tạo của Bích Hà. Chị thực hiện kiểm kê, sắp xếp lại kho sách một cách khoa học, theo từng lĩnh vực, phù hợp với từng lứa tuổi kèm mục lục, phụ lục dễ tìm kiếm, tạo không gian đọc sách riêng, kho sách riêng. Bạn đọc đến thư viện vẫn ngày một ít đi, nhất là khi điện thoại smartphone đã trở thành thông dụng với tất cả mọi người thì lại càng khó để thu hút độc giả đến thư viện; trong khi với một thư viện cấp huyện thì chỉ đạt ở mức thư viện truyền thống, chưa thể số hóa tài liệu. Dù chị Hà đã cố gắng rất nhiều, nhưng số người đến thư viện huyện vẫn không nhiều, mỗi ngày chỉ 3 - 4 độc giả người lớn, trẻ con thì nhiều hơn.
 
Không thể ngồi yên một chỗ, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị đã tìm giải pháp tăng số độc giả đến với sách bằng cách xây dựng thư viện xã, tủ sách trường học để đưa sách đến gần bạn đọc, đến với những đối tượng bạn đọc đang cần. Nghĩ là làm, chị thường xuyên đi cơ sở, liên hệ công tác và đặt tủ sách, nói chuyện với học sinh về vai trò của sách để các em hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 10 năm gắn bó với công việc thầm lặng là 10 năm chị trăn trở, và từ đó chị đã xây dựng được 4 thư viện xã thường xuyên phục vụ và 4 tủ sách cơ sở ở xã, 1 tủ sách ở thôn Châu Sơn (xã Lạc Xuân) và thực hiện luân chuyển sách ở 10 trường học trong huyện. Với tổng số 11.548 bản sách cùng hơn 20 tờ báo và tạp chí thư viện huyện Đơn Dương có, chị Hà đã chủ động kết hợp chặt chẽ với Thư viện tỉnh Lâm Đồng để được hỗ trợ luân chuyển sách. Cứ 3 - 6 tháng/lần, chị thực hiện luân chuyển sách từ tỉnh xuống huyện, từ huyện về xã và trường học, để sách ở các thư viện và điểm đọc sách, tủ sách cơ sở, làm cho nguồn tài liệu luôn luôn mới, hấp dẫn bạn đọc. 
 
Chị đặc biệt quan tâm đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi, cũng vì thế chị quan tâm phối hợp cùng ngành giáo dục xây dựng mô hình thư viện xanh ở các trường tiểu học và THCS trong huyện. Ở đó, những bức tranh tường mang tính cổ động được vẽ hình ảnh sống động trẻ em đọc sách, vui chơi cùng sách trong không gian xanh đã tạo nên những dãy hành lang nổi bật, dễ nhận biết, như nhắc nhở các em hàng ngày đến với không gian đọc sách. Chị giải thích, trong thế giới số, ai cũng có thể trang bị smartphone và đọc đủ thứ qua mạng (dù không thể thay thế sách), chỉ có đa số các em chưa có những phương tiện điện thoại của riêng mình nên sách vẫn là lựa chọn tốt nhất. Chị cười hiền hậu: “Trẻ con thú vị lắm, đọc gì cũng nhớ, vì thế tôi muốn mang thật nhiều sách hay đến cho chúng đọc”. Với chị Hà, niềm vui trong công việc giờ đây chính là mỗi lần đến những ngôi trường nhìn trẻ em quây quần khám phá những cuốn sách mới, để hôm sau chúng lại kể vanh vách cho nhau nghe những điều vừa đọc được trong sách. Chính vì tình yêu nghề, trách nhiệm với thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi, hàng năm, chị Hà đều tổ chức các hoạt động đọc sách không chỉ ở Thư viện huyện mà còn đưa về các xã, các trường học như: Ngày sách Việt Nam, Ngày hội văn hóa đọc, Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật... Qua đó, càng làm cho sách ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết với các em. 
 
Nếu trước đây, người ta quan niệm làm công tác thủ thư chỉ là người giữ sách, trông sách, theo dõi bạn đọc mượn - trả sách; thì giờ đây, chị Hà giống một chuyên gia am hiểu về sách. Đọc sách đối với chị Hà không còn là việc bổ sung, nâng cao kiến thức cho mình mà còn là để phục vụ cho công việc. Chị Hà cho biết: Mình phải đọc để nắm nội dung, giới thiệu cho bạn đọc những cuốn sách hay, hướng độc giả chọn đọc những cuốn sách hữu ích, phù hợp với từng đối tượng bạn đọc. Như một chiếc cầu nối giữa sách với độc giả, chị Dương Thị Bích Hà đã đưa sách đến với bạn đọc bằng cả tình yêu với sách, truyền cảm xúc từ những trang sách, những nhân vật trong sách để thu hút bạn đọc với mong muốn văn hóa đọc không bao giờ mai một mà ngày càng phát triển. 
 
QUỲNH UYỂN