Thấu hiểu những khó khăn mà các em học sinh ở vùng sâu đang gặp phải, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng, huyện Ðam Rông) đã và đang cùng chung tay xây dựng Quỹ "Cặp lá đến trường" để động viên tinh thần và hỗ trợ các em học sinh giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Thấu hiểu những khó khăn mà các em học sinh ở vùng sâu đang gặp phải, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng, huyện Ðam Rông) đã và đang cùng chung tay xây dựng Quỹ “Cặp lá đến trường” để động viên tinh thần và hỗ trợ các em học sinh giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
|
Cặp lá đến trường giúp cậu học trò người Mông - Giàng A Phà có thêm động lực vượt khó đến trường. Ảnh: H.T |
Thêm cho em “bữa cơm có thịt”
Đây là năm đầu tiên Long Dưng Hơ Bét (học sinh lớp 10A1 - dân tộc M’ Nông) rời vòng tay bảo bọc của gia đình, một mình trọ học. Nhưng Hơ Bét bảo mình may mắn hơn vì được học lên cấp III, trong khi 3 anh trai phải nghỉ học từ sớm để phụ giúp gia đình. Thế nên dù ở trọ xa nhà nhưng em vẫn cố gắng ngày ngày đến trường, nỗ lực học tập. Với công việc làm thuê bấp bênh của bố mẹ, bữa đói bữa no của em chẳng thể nói trước. Bản thân Hơ Bét cũng chẳng dám mơ ước gì nhiều, em chỉ mong có thể học hết cấp III, đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 6 đứa em còn lại ở nhà.
Giàng A Phà (học sinh lớp 12A3) đã ở suốt 12 năm nay trong căn nhà xập xệ chừng 40 m2. Cũng như những đứa trẻ khác ở Tây Sơn (khu vực người dân tộc Mông sinh sống thuộc xã Liêng S’Rônh), Giàng A Phà hằng ngày ở trọ đến trường. Ngôi nhà gỗ cũ ngổn ngang nào chén bát, xoong nồi, quần áo của những đứa trẻ đang tự học cách trưởng thành. Lớn tuổi nhất, A Phà như một người anh cả, chăm lo cuộc sống của gần 20 em nhỏ còn lại trong nhà. Ngoài khoản tiền trọ 250.000 đồng/tháng, A Phà và 3 người em họ phải tự xoay xở ăn uống, sinh hoạt trong khoản tiền 200.000 - 300.000 đồng/người do bố mẹ chúng tằn tiện gửi ra, khi đủ, khi không. Có tiền thì mua, không có tiền thì vào vườn cà phê, vào rừng hái nhặt từng nắm rau về ăn qua bữa. Ăn chẳng đủ no, các em chẳng dám mơ đến những bữa ngon.
Không ở trọ như 2 bạn, Nguyễn Minh Long (học sinh lớp 11A1) hằng ngày ngoài giờ học phải ở nhà phụ giúp mẹ các công việc trong gia đình. Từ ngày bố mất, Long đóng vai trò người đàn ông trong gia đình cùng mẹ tảo tần chăm lo cho chị gái bị chất độc da cam và đứa em nhỏ. Dẫu có nhiều khó khăn nhưng nhiều năm liền Long luôn là một học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Với Long, ước mơ trở thành một doanh nhân chưa bao giờ nguôi.
Hơ Bét cùng với Giàng A Phà, Minh Long và 5 học sinh khác giờ đây đang nhận được số tiền hỗ trợ 200.000 đồng/tháng từ Quỹ “Cặp lá đến trường”. Với nhiều người, số tiền ấy là con số nhỏ nhưng đối với các em, đó là món quà tinh thần vô giá. Hơ Bét, Minh Long từ nay có thêm tiền để mua quyển sách, cây bút, cái thước. Giàng A Phà có thêm tiền để cùng các em rau cháo qua ngày. Với các em, dù không nhiều nhưng ít nhất một vài lần trong tháng, bữa cơm đã xuất hiện miếng thịt, con cá.
Chung tay nâng bước em đến trường
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn mà các em học sinh đang gặp phải, cô Lê Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường đã hình thành ý tưởng thành lập Quỹ “Cặp lá đến trường” - nơi chung tay hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Cặp lá đến trường nhận được sự ủng hộ của tất cả học sinh, cán bộ, giáo viên và cả những người dân sinh sống trên địa bàn.
Thầy Đinh Công Uân - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 3 năm triển khai, hiện nay, mỗi tuần Cặp lá đến trường nhận được khoảng 500.000 - 700.000 đồng tiền đóng góp từ 15 lớp và 42 cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức quyên góp từ phụ huynh học sinh và người dân địa phương thông qua các hội thi văn nghệ, hội trại... để có thêm những phần quà cho các em dịp đầu năm, lễ, tết...
Từ ngày được triển khai, Quỹ “Cặp lá đến trường” luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía người dân và mạnh thường quân. Một trong số đó phải kể đến cụ ông Lê Ích Ngãi (89 tuổi, xã Đạ K’Nàng). Từ số tiền hưu ít ỏi của vợ chồng mình, mỗi tháng ông Ngãi đều nhờ người quen gửi đến Cặp lá đến trường 100.000 - 200.000 đồng. “Vợ chồng tôi cũng phải vất vả nuôi 3 đứa con ăn học nên mong rằng có thể góp một phần để giảm bớt khó khăn mà hằng ngày các em học sinh nghèo đang phải đối mặt”, ông Ngãi chia sẻ.
Gần 20 năm công tác ở trường, chị Nguyễn Thị Sương - cán bộ văn thư chứng kiến biết bao khó khăn của các thế hệ học sinh. Ngoài khoản đóng góp mỗi ngày 1.000 đồng như các giáo viên khác, chị Sương cùng chồng đã nuôi 1 con heo đất tại nhà. Tích tiểu thành đại, từ những đồng tiền lẻ sau mỗi ngày đi chợ, mỗi năm con heo đất của chị Sương cũng góp cho Cặp lá đến trường hơn 1 triệu đồng.
Thầy Uân cho biết thêm, ở nhiều xã còn nghèo của huyện Đam Rông, do hoàn cảnh khó khăn cộng với sự thiếu quan tâm của gia đình nên hằng ngày các em học sinh ở trọ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. “Ngoài nội lực của nhà trường, chúng tôi hy vọng có thể nhận sự chung tay của các tổ chức, đơn vị, mang lại cho các em niềm tin mỗi ngày cắp sách đến trường”, thầy Uân chia sẻ.
HỒNG THẮM