Công tác cải cách hành chính đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực và đạt những kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số trở ngại, nhất là ở cơ sở.
Công tác cải cách hành chính đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực và đạt những kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số trở ngại, nhất là ở cơ sở.
|
Hoạt động tại Bộ phận một cửa Trung tâm Hành chính tỉnh. Ảnh: D.Thương |
Cải cách hành chính (CCHC) không nằm ngoài mục tiêu cải cách thể chế, các thủ tục hành chính và tạo môi trường giao dịch một cửa, một cửa liên thông nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị, doanh nghiêp đến cơ quan nhà nước thực hiện những thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Đi đôi với việc CCHC đó là sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính công để phục vụ người dân ngày càng thuận lợi, hiệu quả.
Theo kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần về chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2017 mà UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ cho thấy, Lâm Đồng đạt 57,464/64,5 điểm, đạt 89,09%. Cũng cần nói thêm rằng, để có được số điểm trên trong hầu hết các cuộc họp của UBND tỉnh, bên cạnh việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội luôn gắn với công tác CCHC, nhất là thủ tục hành chính nhằm ngày càng tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc lập kế hoạch cũng như hoạt động kiểm soát TTHC... Do đó, chỉ nội trong quý I năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định công bố danh mục TTHC bao gồm các lĩnh vực tư pháp, kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương với 236 TTHC.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay tổng số TTHC đã được UBND tỉnh công bố chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh lên tới 1.537 thủ tục; trong đó cấp tỉnh 1.162 thủ tục, cấp huyện 277 thủ tục và cấp xã 98 thủ tục. Tất cả các thủ tục này đều được công khai đăng tải trên trang thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan, đơn vị và được niêm yết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả từ tỉnh xuống tới cơ sở tạo thuận lợi cho việc theo dõi, tra cứu của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Chính vì vậy, trong quý I, trên địa bàn Lâm Đồng không có phản hồi nào phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như việc thực hiện giải quyết TTHC. Đi đối với CCHC, Lâm Đồng còn tiến hành tinh giảm biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, trong đợt 1 đã tinh giảm 19 trường hợp bao gồm: Khối Đảng đoàn thể 6 người, hành chính 3 người, đơn vị sự nghiệp công lập 8 người và cán bộ công chức cấp xã 2 người. Đồng thời tỉnh đã ban hành 21 quyết định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với từng đơn vị.
Mặt khác, Lâm Đồng đang tiếp tục triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Đánh giá của UBND tỉnh cho hay, hiện tại hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, các ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động ổn định; phần mềm quản lý văn bản đã thực hiện 100% ở cấp tỉnh và huyện, 60% ở cấp xã. Trục kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, điều hành ở 4 cấp. Và chỉ trong vòng hơn một tháng đã có tới 27.493 văn bản gửi/nhận trên trục liên thông từ cơ sở đến cấp tỉnh cho thấy mức độ tiết kiệm thời gian, công sức khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyển, nhận và quản lý văn bản ra sao. Bên cạnh đó, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cũng phát huy hiệu quả tối đa. Đến nay đã hoàn thiện kết nối liên thông cho 20 sở, ngành và 12 huyện, thành phố (đạt 100%); 49 xã, phường, thị trấn đã được kết nối vào hệ thống, đạt 33,3%. Từ hệ thống này có tới 18.064 hồ sơ của các đơn vị, cá nhân được tiếp nhận và đã giải quyết 11.345 hồ sơ, còn lại 6.719 hồ sơ đang được giải quyết chỉ trong một tháng. Chưa dừng lại ở đó, trong quý I năm 2018, UBND tỉnh còn ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính trên địa bàn và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ngoài ra, xác lập lộ trình triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại một số UBND cấp huyện từ nay đến năm 2021. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 44/46 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã triển khai áp dụng và công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.
Tuy đạt những kết quả nêu trên, song vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình CCHC và hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, nhất là ở cơ sở. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin và một số ứng dụng chua triển khai 100% đến cấp xã. Đơn cử toàn tỉnh còn 14 xã chưa có mạng LAN, 98 xã chưa được trang bị hệ thống một cửa hiện đại và 57 xã chưa được triển khai hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là tiếp tục thực hiện và hoàn thiện việc đánh giá, công bố chỉ số CCHC cấp sở, huyện, cấp xã.
XUÂN TRUNG