Thứ 6, 04/04/2025, 05:35

Lợi ích từ việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

08:04, 12/04/2018

Địa bàn huyện Đam Rông là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với diện tích rừng, đất rừng khá lớn, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ dân đã mang lại hiệu quả. 

Địa bàn huyện Đam Rông là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với diện tích rừng, đất rừng khá lớn, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ dân đã mang lại hiệu quả. 
 
Đam Rông có tổng diện tích tự nhiên 86.908 ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp chiếm tỉ lệ 75,5%. Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng thì năm 2016 độ che phủ chiếm 63,9%, tài nguyên rừng đa dạng gồm rừng lá rộng thường xanh, lá kim, lồ ô tre nứa và rừng hỗn giao. Diện tích rừng và đất rừng trên đã giao cho hai Ban quản lý rừng, một phần của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, rừng và các dự án thuê đất, thuê rừng để đầu tư về lĩnh vực lâm nghiệp...
 
Năm 2017, toàn huyện Đam Rông có tổng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (hộ dân và doanh nghiệp) hơn 39.571 ha, trong đó giao cho 2.091 hộ dân trên địa bàn huyện với diện tích 38.331 ha. Tính bình quân mỗi hộ dân nhận 18,3 ha, mang lại thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/hộ/năm. 
 
Ông Mai Chí Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đam Rông cho biết: Đến nay, người dân địa phương đã thay đổi được nhận thức, xem việc nhận khoán, kiểm tra rừng là trách nhiệm của chính bản thân mình, tham gia tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ý thức được việc được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng không là chính sách xã hội nữa mà còn lực lượng bảo vệ rừng nếu không sẽ bị cắt hợp đồng giao khoán. 
 
Theo đánh giá của Kiểm lâm huyện Đam Rông, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, độ che phủ rừng của toàn huyện đã được nâng từ 63,9% (năm 2016) lên 64,64% (năm 2017), số vụ vi phạm lâm luật giảm 19,5% (năm 2016 xảy ra 126 vụ, năm 2017 xảy ra 103 vụ). Trong năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của những người làm công tác giữ rừng chính là tiếp tục phát huy tốt vai trò của lực lượng nhận giao khoán trong việc tuần tra phát hiện, ngăn chặn các vụ xâm hại tới tài nguyên rừng, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đặc biệt là mùa khô, tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…
 
Việc giao khoán cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng không những giúp rừng không bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống vì ở đây cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói hơn, đó là việc tạo cho người dân được hưởng lợi từ công tác giao khoán, bảo vệ rừng, không chỉ là số tiền chi trả mà còn các nguồn lợi khác từ rừng nếu biết tận dụng. Từ thực tế của xã Liêng Srônh là nơi có tương đối đông số hộ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được ông Trần Phước Mênh, Bí thư Đảng ủy xã mổ xẻ: Giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến hộ dân là một chủ trương đúng đắn nhưng thực tế ở địa phương thì ngoài số tiền chi trả, người dân vẫn chưa tận dụng được những mặt lợi khác như tận thu phụ phẩm, trồng các loại cây dưới tán rừng. Nếu chúng ta làm tốt công tác này hơn đối với người dân được nhận giao khoán, quản lý bảo vệ rừng thì mối quan hệ giữa người dân và rừng ngày càng thân thiết, qua đó lợi ích được nâng lên một cách rõ rệt từ hai phía.
 
ĐỨC TÚ