Với phương châm "Lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non", ngay từ khi thành lập, Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ (Ðà Lạt) đã chú trọng đến việc xây dựng môi trường để trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ.
Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non”, ngay từ khi thành lập, Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ (Ðà Lạt) đã chú trọng đến việc xây dựng môi trường để trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ. Ðây là ngôi trường tư thục thứ 2 trong bậc học mầm non ở Ðà Lạt được công nhận đạt chuẩn quốc gia ngay trong lộ trình đầu tiên.
|
“Lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non” là phương châm ngay từ khi thành lập Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ. Ảnh: P.Nhân |
Được thành lập vào năm 2012 trên địa bàn vùng ven thành phố Đà Lạt, Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ trở thành “cung điện” của trẻ khu vực phường 9, 11 và 12. Vẻ ngoài lộng lẫy, bắt mắt cùng với không gian xanh khiến trẻ có cảm giác như được lạc vào khu vườn cổ tích trong những câu chuyện kể của bà, của mẹ.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Phước, vốn là giáo viên, rồi cán bộ quản lý một trường mầm non công lập cho hay: “Vấn đề quan tâm hàng đầu của nhà trường là tạo mọi điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài lớp học. Do vậy, trên tổng diện tích hơn 1.200 m
2, trường dành 500 m
2 quy hoạch vườn cây cho trẻ và khu vực vui chơi với các trò chơi vận động ngoài trời… Đồ dùng, đồ chơi được trang bị với các nguyên liệu mở để trẻ hoạt động, tăng cường rèn kỹ năng cho trẻ phát triển đồng bộ”.
Từ khi thành lập đến nay, Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung giáo dục trẻ như: bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vệ sinh dinh dưỡng, tài nguyên môi trường và biển đảo, chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”... Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Bé tập làm nội trợ hàng tháng, tổ chức cho trẻ tham quan các danh lam thắng cảnh của địa phương, lễ hội trăng rằm, tết mùa xuân...; hay các hội thi của bé như hội khỏe măng non, thi hát dân ca... nhằm tạo nhiều cơ hội cho trẻ tìm tòi, khám phá, phát huy tối đa tính tích cực thông qua các hoạt động trải nghiệm bằng giác quan...
Để phát huy tính chủ động của trẻ, trước mỗi lớp học được bố trí “Vườn cây của bé” để trẻ được tự tay chăm sóc, theo dõi sự phát triển, thay đổi của cây. Đồng thời, đây cũng là nơi để giáo dục trẻ biết nhận thức, yêu quý và bảo vệ cây xanh cũng như thiên nhiên mình đang sống. Chị Ngọc Thủy - một phụ huynh có con học lớp Lá chia sẻ: “Thật vui khi thấy cháu biết tưới hoa, chăm sóc từng chậu cây ở nhà. Cháu cũng nhắc tôi không được hái hoa, bẻ cây khi đi công viên, không xả rác bừa bãi... Tôi nghĩ giáo dục ý thức từ lứa tuổi mầm non rất quan trọng, nhất là để trẻ phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Đó cũng là yếu tố giúp trẻ tự tin trong cuộc sống sau này”.
Ngoài các khối phòng được xây dựng theo hướng mở để trẻ chủ động, sáng tạo, nhà trường dành riêng sảnh chơi 350 m
2 để trẻ vui chơi, hoạt động ngoài trời vào các dịp lễ hội. Đặc biệt, nhà trường dành riêng một khu vực rộng rãi làm phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, có tủ đựng đồ dùng đồ chơi âm nhạc, quần áo, trang phục, đạo cụ múa… Đó là sân khấu lấp lánh dành riêng cho trẻ được hóa thân làm “diễn viên nhí” để thỏa niềm say mê múa hát, thể dục nhịp điệu…
Bên cạnh đó, khi thực hiện giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ luôn chú trọng các yếu tố liên quan tới môi trường xã hội như tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại, có sự đối xử công bằng trong giáo dục, có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc... Đặc biệt, tiêu chí tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ được quan tâm hàng đầu. Nhà trường thực hiện tốt kế hoạch “Xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non”. Hàng năm, trường được UBND thành phố Đà Lạt cấp giấy chứng nhận về “Trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích”.
“Qua thực tế thực hiện chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non”, trẻ không chỉ được dạy dỗ, chăm sóc theo đúng quy định mà còn được khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo. Qua đó, giúp trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình. Đặc biệt, trẻ biết suy nghĩ và vận dụng những điều được học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phải. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin phát huy khả năng sáng tạo khi tham gia các hoạt động giáo dục và phát triển toàn diện”, cô Phước cho biết thêm.
TUẤN HƯƠNG