Đưa khởi nghiệp thành "làn sóng" mạnh mẽ

09:05, 28/05/2018

Ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, việc một bạn trẻ từ bỏ một công việc ổn định để dấn thân vào con đường khởi nghiệp (KN) đã không còn là chuyện hiếm. Bên cạnh đó, các Vườn ươm KN, cuộc thi ý tưởng KN xuất hiện ngày càng nhiều càng cổ vũ tinh thần sáng tạo, KN trong giới trẻ. Vậy thanh niên Lâm Đồng đang có những thuận lợi, cơ hội gì khi KN?

[links(right)] Phong trào khởi nghiệp đang được hình thành và dần lan tỏa trong nhiều tầng lớp, đặc biệt là thanh niên. Trong đó, Lâm Đồng được chọn là một trong những địa phương cần có giải pháp để đi đầu trong phong trào khởi nghiệp. Địa phương Nam Tây Nguyên đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các thanh niên, sinh viên - lực lượng hừng hực sức trẻ, giàu trí tuệ để khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế số ý tưởng khởi nghiệp được triển khai thành công không nhiều và chỉ tập trung phần lớn ở thành phố Đà Lạt. Từ đó đặt ra câu hỏi: lực lượng thanh niên có gì và thiếu gì trong quá trình khởi nghiệp, phải làm sao để phong trào khởi nghiệp được lan tỏa từ thành phố đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa một cách có hiệu quả?
 
Kỳ 1: Lựa chọn mới của người trẻ
 
Ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, việc một bạn trẻ từ bỏ một công việc ổn định để dấn thân vào con đường khởi nghiệp (KN) đã không còn là chuyện hiếm. Bên cạnh đó, các Vườn ươm KN, cuộc thi ý tưởng KN xuất hiện ngày càng nhiều càng cổ vũ tinh thần sáng tạo, KN trong giới trẻ. Vậy thanh niên Lâm Đồng đang có những thuận lợi, cơ hội gì khi KN?
 
Các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp chính là nơi để các bạn sinh viên có điều kiện phát huy sức sáng tạo của mình.
Các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp chính là nơi để các bạn sinh viên có điều kiện phát huy
sức sáng tạo của mình.
Xuất phát từ đam mê
 
Ông Trương Văn Đức - Tổ phó Tổ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng
 
“Thanh niên có nhiều lợi thế để KN vì họ trẻ, nhạy bén, dám mạo hiểm và có khát vọng. Dù là sinh viên hay lao động phổ thông thì đều có khát vọng, hiểu biết càng cao thì khát vọng càng lớn. Tuy nhiên, từ ý tưởng đi vào hiện thực bao giờ cũng cần nhiều hơn thế. Chính vì vậy mà nói rằng thanh niên còn thiếu rất nhiều cũng đúng”. 
 
 
Thầy Nguyễn Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt 
 
“So với thanh niên, SV có nhiều thuận lợi trong quá trình KN, bởi các bạn có học thức, có trình độ, có nhiều kỹ năng và có sự đồng hành của các thầy cô và nhà trường. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện thì kinh nghiệm và kỹ năng thực tiễn của các bạn SV khó có thể sánh bằng thanh niên. Nghị lực, quyết tâm của các bạn SV cũng không lớn nên dễ bị nản trước những khó khăn”.
 
 
Thầy Phan - Tuấn Anh - Bí thư Đoàn Trường ĐH Đà Lạt
 
“SV nói riêng và thanh niên nói chung là những người “vô sản” nhưng bay bổng, mơ mộng nhất. Họ có thể nghĩ đến những ý tưởng mà người khác không dám nghĩ tới. Sự sáng tạo của các bạn không bị giới hạn ở mức an toàn, cộng với kiến thức về khoa học kỹ thuật và sự năng động của thế hệ trẻ có thể mang lại những sự đột phá. Điều quan trọng là cần tạo môi trường và cơ hội để các bạn có thể thể hiện khả năng và bản thân mình”.

Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” lại được thanh niên, sinh viên (SV) nhắc nhiều như trong 1-2 năm trở lại đây, nhất là từ khi năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021. Không còn đóng khung trong suy nghĩ sau khi tốt nghiệp đại học xong cần nhanh chóng tìm một công việc ổn định, nhiều bạn trẻ đang lựa chọn con đường khẳng định giá trị của bản thân thông qua những đam mê của mình. Ở Lâm Đồng, không khó để tìm được những câu chuyện như thế.

 
Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1996) - cựu sinh viên Khoa Vật lý Trường Đại học Đà Lạt vừa từ chối một cơ hội làm việc ở TP Hồ Chí Minh với mức lương khởi điểm không hề nhỏ đối với một sinh viên mới ra trường. Với dự án Smart Controlle vừa đoạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2017 do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Đà Lạt tổ chức, Toàn vẫn đang từng ngày hoàn thiện sản phẩm và đợi cơ hội đưa ra thị trường. Theo đuổi giấc mơ KN từ những ngày còn là sinh viên năm thứ 2, cho đến giờ, mặc dù gặp nhiều khó khăn và biết được con đường mình đi còn lắm gian nan, chàng tân cử nhân vẫn quyết lựa chọn việc KN để toàn tâm toàn ý theo đuổi niềm đam mê kỹ thuật của mình, thay vì làm việc cho các công ty.
 
Hay câu chuyện KN của Lê Nguyễn Phúc Đăng (sinh năm 1989) với điểm du lịch Vườn bí khổng lồ - Giant Pumpkin Garden (50 Hồ Xuân Hương, Phường 12 TP Đà Lạt) lại xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp và du lịch. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh, từ bỏ hết các cơ hội việc làm ở thành phố sôi động bậc nhất nước, Đăng trở về Đà Lạt và bắt tay vào việc thay đổi diện mạo của vườn rau gia đình, biến thành điểm du lịch canh nông với nhiều loại cây trồng mới lạ và quy hoạch đẹp mắt. Đi học cách thức của người ta rồi về làm chủ cho chính mình, làm chủ về thời gian, về tài chính và cả bản thân - đó là điều mà Đăng nhận được sau một thời gian KN.
 
Theo anh Hồ Ngọc Phong Hải, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, hiện tại, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu hình thành suy nghĩ phải “làm gì đó” để chủ động hơn trong cuộc sống của mình. Thanh niên Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp: Thứ nhất là môi trường nông nghiệp, du lịch. Bản thân thanh niên sinh ra và lớn lên ở đây đã hiểu rõ tiềm năng của mảnh đất này nên có thể áp dụng vào KN du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, từ những ưu thế là đất đai sẵn có của gia đình và thế mạnh của mỗi địa phương tạo nên các điều kiện thuận lợi để thanh niên nông thôn KN với nông nghiệp.
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Lâm Đồng phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số doanh nghiệp ít nhất gấp hai lần hiện nay”. Vì vậy, Lâm Đồng đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 10.000 doanh nghiệp hoạt động và để thực hiện mục tiêu này, hàng năm địa phương phải có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, trong số khoảng 800 doanh nghiệp mới thành lập hàng năm như hiện nay, có từ 30 - 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức KN từ các vườn ươm KN của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, Hiệp hội doanh nghiệp.
 
Các đại biểu thăm vườn của anh Vũ Huy Hoàng, huyện Đức Trọng (ngoài cùng bên trái), thanh niên ưu tú từng được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015, từng bỏ công việc ở ngân hàng để khởi nghiệp với hoa lan
Các đại biểu thăm vườn của anh Vũ Huy Hoàng, huyện Đức Trọng (ngoài cùng bên trái), thanh niên ưu tú từng được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2015, từng bỏ công việc ở ngân hàng để khởi nghiệp với hoa lan
Khởi sắc từ các cuộc thi 
 
Sự chuyển biến rõ nét của phong trào KN tại Lâm Đồng được thể hiện không chỉ ở việc các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức ngày càng nhiều, mà còn thể hiện ở số lượng các dự án tham gia và mức độ độc đáo của các ý tưởng.
 
Là lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “Mô hình và ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên” năm 2017 do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phát động đã nhận được 36 ý tưởng KN, mô hình KN của ĐVTN, học sinh, sinh viên từ các cơ sở đoàn gửi về tham dự. Các bài dự thi đều được thể hiện sống động bằng đĩa DVD, video clip về các mô hình đã triển khai có hiệu quả, đặc biệt là thanh niên nông thôn KN bằng các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều ý tưởng khởi nghiệp có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. 
 
Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc khuyến khích phong trào KN trong SV, Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã có nhiều năm liền tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh” và “Ý tưởng khởi nghiệp”. Sau 5 kỳ tổ chức, Cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” đã giúp cho 29 dự án của SV được thực hiện và bước đầu đạt được những thành công nhất định, tạo cơ hội để nhiều SV mạnh dạn thể hiện ý tưởng và biến những sáng tạo của mình thành sự thật. Có nhiều bạn SV, cựu SV đã được “tiếp sức” và thành công trên con đường khởi nghiệp của bản thân. 
 
Theo thầy Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt, không phải đến bây giờ SV mới nghĩ đến chuyện KN và Trường Đại học Đà Lạt mới nghĩ đến chuyện hỗ trợ KN, mà từ 6 năm nay, trường đã tổ chức các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp. Cuối tháng 3/2018, Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Đà Lạt đã bước vào vòng chung kết sau 1 năm phát động, thu hút 27 nhóm tham gia bao gồm sinh viên Đại học Đà Lạt và các bạn trẻ đang kinh doanh ở Lâm Đồng với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo và có tính khả thi cao, phù hợp với xu thế hiện tại như: dự án về du lịch Unique Dalat, dự án về chăn nuôi sạch Koho, dự án về công nghệ tự động hóa Smart Controlle, giải pháp máy lọc nước biển cho ngư dân...
 
Từ những cuộc thi này, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội để “nảy mầm”; thanh niên, SV có môi trường để thể hiện bản thân. “Sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ qua những mô hình, ý tưởng KN tại cuộc thi sẽ không chỉ dừng lại mà là khởi nguồn cho những mô hình áp dụng thực tiễn, lan tỏa sâu rộng trong giới trẻ, chung tay xây dựng quê hương” - chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã khẳng định như vậy tại lễ trao giải Cuộc thi “Mô hình và ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên” năm 2017.
 
VIỆT QUỲNH