Điều trị dự phòng bệnh dại trong mùa cao điểm

09:05, 28/05/2018

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ở Việt Nam, chó chiếm trên 96%, mèo chỉ chiếm 3% - 4% là nguồn lây bệnh dại...

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ở Việt Nam, chó chiếm trên 96%, mèo chỉ chiếm 3% - 4% là nguồn lây bệnh dại. Cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8 là mùa bệnh dại rất nguy hiểm, bởi 100% trường hợp mắc bệnh dại tử vong, vì vậy, việc điều trị phòng ngừa bệnh dại hết sức quan trọng.
 
BSCKI Đặng Văn Minh - Phụ trách Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng - TTYT Dự phòng tỉnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân trước khi tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh: A.N
BSCKI Đặng Văn Minh - Phụ trách Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng - TTYT Dự phòng tỉnh tư vấn cho người nhà bệnh nhân trước khi tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh: A.N
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm cả nước có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng. Bộ Y tế ghi nhận năm 2017 có 74 ca chết do bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, các ca bệnh phát sinh nhiều vào thời gian tháng 3 đến tháng 8 và có 500.714 người phải đi điều trị dự phòng, tăng 21% so với năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2018, có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó cao nhất là tỉnh Kon Tum với 4 ca. 
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống bệnh dại năm 2018, phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh dại từ ngày 15/4 đến hết tháng 5 với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó. 
 
Đồng thời, năm 2018, Bộ Y tế đề ra mục tiêu giảm 15% - 20% số người tử vong do bệnh dại so với số tử vong trung bình của giai đoạn 2011-2016; giảm 15% - 20% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người so với giai đoạn 2011-2016. Hiện có 16 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại (là tỉnh trong 1 năm có từ 5 người bị tử vong do bệnh dại trở lên).
 
Những tháng đầu năm 2018, Bộ Y tế ghi nhận trên thực tế nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu vắc xin phòng chống bệnh dại, cao điểm trong tháng 4, do nhu cầu tiêm chủng của người dân đối với vắc xin này gia tăng khoảng 20% so với các năm trước đó. Bộ Y tế đã họp khẩn về vắc xin dại vào giữa tháng 5 vừa qua, các công ty nhập khẩu, cung ứng cho biết, khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam các loại vắc xin dại Veorab, Abhayrab và Indirab là 2.193.000 liều, cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và tăng 169% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm; riêng trong tháng 5/2018 sẽ có 273.000 liều vắc xin phòng bệnh dại.
 
BSCKI Đặng Văn Minh - Phụ trách Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng - Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Lâm Đồng cho biết: Hiện tại vắc xin dại thiếu cục bộ ở một số địa phương trong tỉnh như: Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đơn Dương nên bệnh nhân phải lên Phòng tiêm chủng vắc xin Safpo 35 Lâm Đồng (của TTYT dự phòng tỉnh) để tiêm bổ sung những mũi còn thiếu. Tình hình thiếu vắc xin xảy ra từ đầu tháng 4/2018, do nguồn vắc xin cung ứng không đủ nên có khoảng hơn 50 người dân các huyện lên Phòng tiêm chủng Safpo 25 Lâm Đồng để tiêm vắc xin phòng dại. Hiện tại, Phòng tiêm chủng này có lượng vắc xin ổn định do nằm trong hệ thống Safpo của AMV Group cung ứng đầy đủ. Vắc xin phòng dại phổ biến được sử dụng tại Phòng tiêm chủng Safpo 35 Lâm Đồng là vắc xin Abhayrab của Ấn Độ, có giá 210.000 đồng/mũi tiêm.
 
Tại Phòng tiêm Safpo 35 Lâm Đồng, trong năm 2017 có 5.028 người đến tiêm vắc xin phòng dại. Số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong 4 tháng đầu năm 2018 có 1.612 trường hợp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Qua thống kê, đa số bị chó cắn ở bộ phận chân, tay với mức độ vết thương là độ II và III (nặng nhất). Thống kê từ năm 2017 đến 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh không có ca tử vong do bệnh dại, tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của vết thương vùng đầu, mặt, cổ có 150 trường hợp và có 1.615 trẻ em dưới 15 tuổi. Phác đồ điều trị vắc xin ngừa dại cho trẻ em và người lớn đều như nhau.
 
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về hướng dẫn điều trị bệnh dại phân làm 3 loại: Loại I tiếp xúc hoặc cho súc vật ăn, súc vật liếm trên da lành thì không điều trị nếu có bệnh sử đáng tin cậy. Loại II bị súc vật gặm vùng da trần, bị xước nhẹ hoặc xước không bị chảy máu, liếm trên vùng da bị trầy xước thì phải tiêm vắc xin ngay lập tức và ngưng điều trị nếu súc vật vẫn khỏe mạnh trong thời gian 10 ngày hoặc con vật bị giết có âm tính với virus dại khi xét nghiệm bằng phương pháp thích hợp. Loại III bị một hoặc nhiều vết cắn qua da hoặc vết xước bị nhiễm nước dãi phải sát trùng vết thương và tiêm vắc xin ngay lập tức và ngưng điều trị nếu súc vật vẫn khỏe mạnh qua theo dõi trong 10 ngày (thông thường đã tiêm 3 mũi rồi ngưng). Việc điều trị tiêm vắc xin phòng bệnh dại phải được thực hiện dưới sự giám sát y khoa và thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng được phép theo quy định. 
 
BS Minh cho biết thêm, những trường hợp bị chó cắn, cào thì cần đi tiêm phòng dại ngay. Tùy theo từng vị trí vết thương, như các vùng: đầu, mặt, bộ phận sinh dục, đầu ngón tay và ngón chân thì ngoài tiêm phòng vắc xin dại còn tiêm thêm huyết thanh kháng dại. Hiện nay, người dân trong tỉnh đã có ý thức hơn trong việc tiêm phòng bệnh dại, qua thống kê đa số các trường hợp đến tiêm phòng dại trước 10 ngày kể từ khi bị súc vật cắn và người dân ở vùng sâu, vùng xa như Đam Rông cũng biết thông tin gọi điện về phòng tiêm chủng để được tư vấn điều trị bệnh dại (hotline 01677 884 555).
 
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có trường hợp chó, mèo cắn không đi tiêm phòng vì chủ quan cho rằng con vật khỏe mạnh không thể lây bệnh dại. BS Minh khuyến cáo bệnh dại là bệnh nguy hiểm, khi đã bị mắc dại rồi thì 100% trường hợp không cứu được và trong khi bị chó cắn tuyệt đối không được dùng thuốc nam, trường hợp bị chó cắn đầu tiên phải xử lý vết thương, dội nước hoặc dùng xà phòng rửa vết thương thật kỹ khoảng 15 phút, sát khuẩn rồi đến cơ sở y tế gần nhất. Tất cả trường hợp bị chó, mèo cắn nên đến cơ sở y tế để tư vấn, điều trị kịp thời phòng bệnh dại.
 
Hiện nay, người dân trong tỉnh có thể tiêm vắc xin phòng dại tại các trung tâm y tế các huyện, thành phố; tại Đà Lạt có các nơi tiêm vắc xin dại như: Trung tâm Y tế Đà Lạt, Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt, Phòng tiêm Safpo 35 Lâm Đồng (TTYT Dự phòng tỉnh, cần tư vấn liên hệ BS Minh qua hotline 01677 884 555).
 
AN NHIÊN