Giữ chữ tín với nông dân

08:05, 30/05/2018

Phát triển xã viên, liên kết với các hộ nông dân, Hợp tác xã Anh Ðào - Ðà Lạt đang xây dựng niềm tin về một mối liên kết bền chặt, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ.

Phát triển xã viên, liên kết với các hộ nông dân, Hợp tác xã Anh Ðào - Ðà Lạt đang xây dựng niềm tin về một mối liên kết bền chặt, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ.
 
Gia đình ông Nguyễn Đình Ân đang chuẩn bị hàng cho HTX Anh Đào. Ảnh: V.T
Gia đình ông Nguyễn Đình Ân đang chuẩn bị hàng cho HTX Anh Đào. Ảnh: V.T

Xây dựng niềm tin 
 
Hơn 9 giờ sáng, ông Nguyễn Đình Ân, 39 tuổi, nhà ở Tổ 36, Hòn Bồ, Phường 12 - Đà Lạt đang cùng vợ và cậu con trai nhỏ chuẩn bị đánh chiếc xe tải nhỏ của mình chở rau đi giao hàng cho Hợp tác xã (HTX) Anh Đào trên Phường 8 - Đà Lạt.
 
Với 4 sào đất quanh nhà trồng rau an toàn, ông Ân đã có trên 4 năm liên kết với HTX Anh Đào - Đà Lạt để tiêu thụ sản phẩm. Vườn ông trồng nhiều loại rau, từ sú tím, lơ xanh, củ dền, trồng các loại rau lá, thị trường cần gì ông trồng nấy. Sáng hôm ấy, ông đưa khoảng 150 kg cải dài “hỏa tiễn” đi giao hàng, đây là một giống mới khá năng suất và đang được thị trường ưa chuộng.
 
“Trước đây, tôi thường bán rau cho các lái buôn, cứ đến lứa họ dạo vườn mua hàng, lúc cao thì họ mua cao, thấp thì họ mua thấp nhưng nhiều lúc bấp bênh lắm, rau hạ giá có lúc chẳng ai mua, từ khi liên kết với HTX này thì ổn định hẳn”- ông Ân nói. 
 
Ổn định là vì theo ông, HTX mua hàng của mình quanh năm: “Ít họ cũng lấy mà nhiều bao nhiêu cũng nhập được, có bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Giá thì cũng bình thường, có lúc bán ngoài có cao giá hơn nhưng mình làm ăn với HTX quanh năm, dù đắt rẻ gì HTX cũng lấy nên mình chẳng sợ rau làm ra không bán được”.
 
Để làm ăn với HTX, ông Ân cũng phải tuân theo những ràng buộc nhất định. Đó là việc phải tuân thủ qui trình trồng và chăm sóc rau an toàn, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong những thời điểm nhất định để tránh dư lượng tồn dư trong rau củ. HTX cũng thường xuyên cử người xuống hướng dẫn ông về giống, cách chăm sóc, bón phân, cách thu hoạch và bảo quản ở vườn. 
 
Mỗi năm, với mảnh đất 4 sào trồng rau này gia đình ông trừ hết chi phí rồi cũng thu được khoảng 200 triệu đồng. Thu nhập này theo ông là khá ổn nên đây cũng chính là lý do tại sao ông cứ vẫn trồng rau sạch và không chuyển diện tích đất vườn nhà sang trồng hoa trong khi mọi người chung quanh ông ở vùng đất Thái Phiên này đang ào ạt trồng hoa vì hoa cho thu nhập cao hơn. 
 
Một hộ nông dân khác - bà Trần Thị Tuyết Vân, 50 tuổi, người ở Phường 2 cho biết cũng đã có rất nhiều năm liên kết với HTX Anh Đào để tiêu thụ rau. Bà bán hàng cho HTX từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay, sản phẩm của bà chủ yếu là rau, nhất là xà lách các loại: “Họ làm ăn uy tín thì mình cũng phải giữ uy tín với họ để giữ mối làm ăn với nhau chứ” - bà Vân tươi cười.
 
Từ nội địa đến xuất khẩu
 
Từ 7 nông dân Đà Lạt liên kết với nhau để thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với số vốn ban đầu chỉ 7 triệu đồng, Anh Đào đến nay đã là một thương hiệu lớn nổi tiếng trong cả nước. HTX hiện có 22 thành viên, 180 hộ nông dân liên kết sản xuất với sức tiêu thụ 40 nghìn tấn rau/năm, doanh thu trên 200 tỷ đồng.
 
“Thế mạnh của chúng tôi là rau, củ, quả Đà Lạt với trên 60 mặt hàng như khoai tây, cà chua, cà rốt, cải thảo, bí, bầu...; tất cả đều được trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn. Hàng chúng tôi từ lâu đã bán vào các siêu thị trong nước, nhất là hệ thống Co-op Mart và đã có mặt trong khắp cả nước từ Bắc vào Nam” - bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc HTX Anh Đào cho biết.
 
180 nông dân liên kết sản xuất với HTX này theo bà Tuyết rải đều ở Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng - những vùng rau trọng điểm của Đà Lạt. Cùng đó, HTX còn thuê 70 ha đất của tỉnh tại Lạc Dương để phát triển hệ thống trang trại của mình. 
 
 “Chúng tôi yêu cầu nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và tuân thủ kế hoạch và quy trình HTX đề ra để đảm bảo đáp ứng các đơn hàng, giá mua hàng của chúng tôi với nông dân thường ngang hoặc cao hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường” - bà Tuyết cho biết. 
 
Bên cạnh thị trường trong nước, HTX Anh Đào những năm gần đây còn hướng đến xuất khẩu rau, củ, quả Đà Lạt ra thị trường nước ngoài. Lượng hàng xuất khẩu hiện nay đã chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm tiêu thụ của HTX hằng năm. “Tính trung bình mỗi ngày, HTX thu mua chừng 20 - 30 tấn hàng để bán trong nước và xuất đi nước ngoài. Chúng tôi hiện nay đã có đơn hàng ổn định với số lượng hàng lớn nên nông dân cứ yên tâm sản xuất, đầu ra đã có HTX lo hết” - bà Tuyết khẳng định.
 
Với các nông dân liên kết sản xuất, HTX Anh Đào cho biết có những ràng buộc nhất định thông qua các hợp đồng thu mua sản phẩm cụ thể và mỗi bên chịu trách nhiệm cho phần việc của mình. 
 
Để hỗ trợ nông dân cũng như giám sát quá trình sản xuất, HTX đến nay đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên thường xuyên đến tận các hộ nông dân liên kết để giúp đỡ và kiểm tra. HTX cũng khuyến khích các nông dân liên kết với mình áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm như làm nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng trên giá thể. HTX cũng phát triển một hệ thống kiểm tra nhanh để kiểm soát dư lượng hóa chất tồn dư trong rau, củ, đồng thời định kỳ gửi mẫu đi kiểm tra tại các cơ quan kiểm nghiệm uy tín. 
 
Vui với sự phát triển tốt của HTX nhưng ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Anh Đào vẫn cho rằng trong thực tiễn hoạt động HTX hiện nay vẫn tồn tại không ít những khó khăn.
 
Trước nhất, đó là việc các HTX rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của nhà nước. “Chúng tôi lâu nay có tài sản thế chấp nên vay vốn được, còn nhiều HTX hoạt động rất khó vì không có vốn. Nhiều lần chúng tôi đã đề xuất nhà nước nên tạo điều kiện cho các HTX vay tín chấp để đảm bảo hoạt động” - ông Thừa cho biết.
 
 Một điều khó khác theo ông, chính là trình độ quản lý của nhiều cán bộ HTX còn yếu kém nên rất cần hỗ trợ để HTX có bước phát triển: “Là những nông dân liên kết với nhau, chúng tôi rất cần hỗ trợ đào tạo cán bộ trong công tác quản lý HTX chuyên sâu trong các mặt để HTX hoạt động được tốt hơn” - ông Thừa nói.
Cuối cùng, theo ông Thừa, những HTX như ông đang rất cần nhà nước cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ về mặt thông tin sản phẩm quanh vùng, trong khu vực để HTX có thể định hướng được sản xuất.
 
Với HTX Anh Đào, ông Thừa cho biết đang đầu tư để thành lập một nhà máy đóng gói bao bì sản phẩm sau thu hoạch trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Nhà máy này khi thành lập sẽ dán nhãn mác lên tất cả hàng hóa của mình, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp khách hàng truy xuất được nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị nông sản của Lâm Đồng - Đà Lạt.
 
VIẾT TRỌNG