70 năm - một chặng đường thi đua yêu nước

08:05, 30/05/2018

Ðã 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi, phong trào thi đua yêu nước trong cả nước nói chung và Lâm Ðồng nói riêng đã có những bước phát triển đầy mạnh mẽ.

Ðã 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi, phong trào thi đua yêu nước trong cả nước nói chung và Lâm Ðồng nói riêng đã có những bước phát triển đầy mạnh mẽ.
 
Nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là điểm sáng trong cả nước hiện nay. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải qua) thăm HTX Tân Tiến - Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
Nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là điểm sáng trong cả nước hiện nay.
Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải qua)
thăm HTX Tân Tiến - Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu

Kháng chiến - kiến quốc
 
Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị thực dân Pháp xâm lược trở lại. Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. 
 
Mùa xuân năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhằm đẩy mạnh tăng gia sản xuất, kiến thiết nước nhà, chăm chỉ tham gia bình dân học vụ, quyết tâm chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. 
 
Với Lời kêu gọi này, phong trào thi đua yêu nước đã lan rộng khắp đất nước. Đại hội Chiến sỹ thi đua lần thứ nhất năm 1952 đã đánh giá: “Bộ đội “nỗ lực lập công”, công nhân “gây cơ sở phá kỷ lục”, nông dân “tích cực sản xuất”, các cơ quan đoàn thể kiêm thao công tác, sửa đổi làm việc. Nhà nông lúc đó đã lấy “nương rẫy làm chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, thực hiện khẩu hiệu “hậu phương thi đua với tiền phương”. 
 
Từ phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những tấm gương anh hùng trong chiến đấu và lao động trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu như Trần Đại Nghĩa, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Cù Chính Lan...
 
Kháng chiến thắng lợi, nước ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và là hậu phương lớn chi viện cho cách mạng miền Nam, giúp cách mạng Lào, Campuchia với tinh thần “Hạt gạo chia tư, mối tình xẻ nửa”.
 
Trên quê hương miền Bắc lúc đó có các phong trào thi đua tiêu biểu như Gió Đại Phong, Trống Bắc Lý, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Mỗi người làm việc bằng hai, Vì miền Nam ruột thịt... Đồng bào miền Nam thành đồng tổ quốc lúc đó cũng kiên cường chống Mỹ và tay sai, đã xuất hiện nhiều cá nhân và tập thể là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc, tạo nên chiến thắng với đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Sau ngày thống nhất, cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 
 
Cùng với việc Bộ Chính trị có các chỉ thị đổi mới phong trào thi đua yêu nước, nhà nước cũng đã ban hành Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong nước đã được quan tâm và đẩy mạnh, gắn kết với nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Qua phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương đạt thành tích xuất sắc, được các cấp thẩm quyền khen thưởng, tôn vinh; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý, có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương trong những năm qua.
 
Ði đầu trong nhiều lĩnh vực 
 
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Lâm Đồng lúc đó là Đồng Nai Thượng và sau đó là Lâm Đồng - Tuyên Đức, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. 
 
Sau ngày thống nhất đất nước, Lâm Đồng đã đón nhận một lượng lớn người dân từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung vào lập nghiệp, nhiều huyện mới được thành lập như Đạ Tẻh, Cát Tiên và Lâm Hà. Rất nhiều vùng từng gọi là “kinh tế mới” này hiện nay đang phát triển rất nhanh, là vùng kinh tế trù phú của tỉnh.
 
Tháng 3/1985, Hội đồng nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng - một phần thưởng cao quý cho nhân dân các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Lâm Đồng. 
 
Tháng 6/2003, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng cũng vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh cũng đã được phong tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý. 
 
Đến nay, Lâm Đồng vẫn là một tỉnh năng động về kinh tế của Tây Nguyên, là địa phương có nhiều lĩnh vực đi đầu trong cả nước. 
 
Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Đơn Dương là huyện đầu tiên của khu vực Tây Nguyên và miền Trung đạt chuẩn và được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới trong năm 2015. Lâm Đồng cũng là một trong 10 tỉnh, thành trong nước được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015; được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015. Tính đến cuối năm 2017, Lâm Đồng đã có 76/117 xã đạt chuẩn, được công nhận xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ trên 65%.
 
Đặc biệt, Lâm Đồng đến nay là địa phương dẫn đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến cuối năm 2017, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt 51.799 ha, chiếm gần 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, tăng gần 2 lần so với năm 2012. 
 
Nhờ áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích bình quân chung của Lâm Đồng trong năm 2017 đã đạt 158 triệu đồng/ha, tăng 1,77 lần so với 89 triệu đồng của năm 2012.
 
GIA KHÁNH