Mở rộng cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị y tế công lập

09:05, 25/05/2018

Chủ trương của tỉnh về phát triển hệ thống y tế công lập đến năm 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự bảo đảm chi phí hoạt động trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững.

Chủ trương của tỉnh về phát triển hệ thống y tế công lập đến năm 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự bảo đảm chi phí hoạt động trên cơ sở đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững.
 
Cơ chế tự chủ tài chính tạo cơ hội cho các bệnh viện công huy động nguồn lực đầu tư phát triển kỹ thuật cao. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiến hành ca nội soi can thiệp cho bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ. Ảnh: A.Nhiên
Cơ chế tự chủ tài chính tạo cơ hội cho các bệnh viện công huy động nguồn lực đầu tư phát triển kỹ thuật cao. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiến hành ca nội soi can thiệp cho bệnh nhân
bị sỏi ống mật chủ. Ảnh: A.Nhiên
Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, ngành Y tế địa phương có 21 đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Cụ thể, tuyến tỉnh có 6 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và nâng cấp Bệnh viện Nhi thành Bệnh viện Sản - Nhi Lâm Đồng); duy trì 2 Trung tâm (Trung tâm Pháp y và Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm); sáp nhập 5 đơn vị (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS) thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Giải thể Trung tâm tư vấn đầu tư xây dựng.
 
Tuyến y tế huyện vẫn duy trì 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Sáp nhập 12 Trung tâm Dân số - KHHGĐ (trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ) vào Trung tâm Y tế cấp huyện để tiến tới thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có 1 trung tâm y tế đa chức năng.
 
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, trong số 21 đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế, chỉ có 2 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động là: Trung tâm Pháp y và Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm.
 
 Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2018 - 2025 về thực hiện cơ chế tài chính: các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm trên cơ sở phù hợp với lộ trình giá dịch vụ khám chữa bệnh của các đơn vị sự nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2020 có 80% đơn vị đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, 10% - 20% đơn vị sự nghiệp ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động. Cụ thể: có 19 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động gồm: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố. 
 
Phấn đấu đến năm 2030 có 30% đơn vị sự nghiệp có thể tự đảm bảo chi thường xuyên; đẩy mạnh thực hiện vận dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp đối với những đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể: có 12 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, gồm 11 Trung tâm Y tế huyện, thành phố (không có Trung tâm Y tế Đơn Dương) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Có 7 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi hoạt động thường xuyên là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Đơn Dương.
 
Về cơ chế chính sách, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/2/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; đề án xã hội hóa công tác y tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện các chủ trương này góp phần giảm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp y tế, tăng thêm nguồn lực để đầu tư phát triển y tế toàn diện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân và cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Khuyến khích các đơn vị thực hiện các biện pháp tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư theo hướng: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực mà đơn vị khám chữa bệnh có thế mạnh về cung cấp dịch vụ; liên kết doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp khác trong các hoạt động dịch vụ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn. Các đơn vị y tế tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: khám bệnh theo yêu cầu, giường bệnh dịch vụ, khám ngoài giờ trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí, thông qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt và công khai cho người dân biết chi phí các dịch vụ để lựa chọn. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý tài chính đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
 
Để thực hiện đạt mục tiêu tự chủ tài chính tại các đơn vị y tế công lập, tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế căn cứ quy hoạch được duyệt xây dựng phương án giao quyền tự chủ về tài chính giai đoạn 2018 - 2020 gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự; vị trí việc làm, số người làm việc của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
 
AN NHIÊN