Người anh hùng giữa đời thường

08:05, 30/05/2018

Chúng tôi hẹn gặp ông - Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Xuân Ðệ (thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng), khi ông vừa trải qua nỗi đau riêng, bản thân cũng chưa bình phục hẳn sau trận đau kéo dài nhiều tháng liền, nhưng vẫn nụ cười đầy đôn hậu, cái nắm tay đầy chân tình, đậm "chất lính".

Chúng tôi hẹn gặp ông - Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Xuân Ðệ (thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng), khi ông vừa trải qua nỗi đau riêng, bản thân cũng chưa bình phục hẳn sau trận đau kéo dài nhiều tháng liền, nhưng vẫn nụ cười đầy đôn hậu, cái nắm tay đầy chân tình, đậm “chất lính”.
 
Vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Xuân Đệ. Ảnh: N.M
Vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Xuân Đệ. Ảnh: N.M

Ông bảo, năm nay ông đã 82 tuổi rồi, trí nhớ cũng không còn minh mẫn nữa, nhất là sau cái chết đột ngột của người con trai hơn 1 năm trước, rồi sau đó, ông ngã bệnh kéo dài nhiều tháng liền vì sốc, nên thật sự ông cũng không muốn nói nhiều về mình. Nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về những năm tháng tuổi trẻ, những trận đánh hào hùng mà ông từng tham gia thì dường như giọng ông lại trở nên hào hùng hơn lúc nào hết.
 
Quê ông ở Kim Bảng, Hà Nam, ông nhập ngũ tháng 1 năm 1961, xuất ngũ tháng 4 năm 1963, rồi lại tái ngũ tháng 6 năm 1965. Gần 15 năm trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia khoảng 50 trận đánh lớn nhỏ và đã đánh là thắng, chưa một lần thất bại. Có những trận đánh khó, nhưng được trên tin tưởng giao phó, ông đã không phụ lòng cấp trên. Theo ông,  “bí quyết” lập nên những chiến công  đó là phải “biết địch biết ta, luôn giành thế chủ động”. Vì vậy, mỗi khi được trên giao tổ chức trận đánh, thì việc đầu tiên là phải làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường; phải tổ chức trinh sát, nắm chắc tình hình bố phòng của địch, từ đó mới lên phương án tác chiến sát với thực tế. 
 
Đơn cử như từ năm 1966 đến năm 1972, ông Ngô Xuân Đệ đã chỉ huy đơn vị đánh 31 trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở cương vị chỉ huy, những trận đánh nào gặp khó khăn, ông cũng xông lên hàng đầu, trực tiếp giải quyết khó khăn, tạo thuận lợi cho đơn vị tiến lên tiêu diệt địch. Cũng trong thời gian ấy, ông đã chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch, riêng ông diệt 270 tên. Hay như trong trận đánh Sân bay Liên Khương (lúc đó ông là chính trị viên đại đội), khi được lệnh nổ súng, ông Ngô Xuân Đệ đã dẫn đầu đơn vị nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch làm chúng không kịp trở tay. Sau 7 phút chiến đấu, đơn vị diệt 150 tên địch, làm chủ trận địa, thu hàng chục súng các loại.
 
Với những chiến công có được trong suốt những năm tháng chiến đấu, ông đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba và vinh dự được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1972.
 
Trở về với cuộc sống đời thường, dù ở đâu, tận quê nhà Hà Nam hay sau này, khi chuyển vào sinh sống tại Đức Trọng, ông vẫn luôn là một cựu chiến binh gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương và luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng.
 
Trong câu chuyện giữa chúng tôi, thỉnh thoảng lại có sự tham gia của vợ ông, bà Dương Thị Tiệm. Bà năm nay cũng đã bước vào tuổi 76, lưng đã còng nhiều và mắt cũng không còn tỏ nữa. Bà kể, những năm tháng ông đi chiến đấu biền biệt, mình bà một nách 5 người con nhỏ, vẫn không một lời trách than, mong ngày tới ngày giải phóng, ông bình an trở về. Giờ đây, khi già rồi, các con đều đã có cuộc sống riêng, hai ông bà ngày ngày nương tựa vào nhau để sống, bà càng thấy thương ông hơn. Nhất là sau cơn bạo bệnh mà ông mới trải qua, bà càng muốn mình có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc ông. “Ngày ông ấy đổ bệnh, tôi lo lắm, sợ ông không vượt qua nổi. Giờ thì mừng rồi, sức khỏe của ông cũng đang hồi phục dần. Từ đầu năm nay, cũng do sức khỏe yếu nên ông không còn tham gia sinh hoạt ở tổ dân phố nữa, chứ trước đây, cứ trong tổ dân phố có chuyện gì hay cần phải đi vận động gì thì ông nhà tôi lúc nào cũng hăng hái đi đầu” - bà Tiệm nói.
 
NHẬT MINH