Thực thi quản lý bảo vệ và phát triển rừng từ Thông báo 191

09:05, 28/05/2018

Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ cụ thể Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020"...

Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ cụ thể Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”. Nhưng không ít cơ quan, đơn vị chỉ nghĩ đây là “Thông báo” nên chưa hiểu tính chất, nội dung quan trọng của Thủ tướng qua thông báo này. 
 
Nếu công tác kiểm tra, giám sát không chặt chẽ thì hiện tượng san ủi đất lâm nghiệp rất dễ vi phạm. Ảnh: M.Đ
Nếu công tác kiểm tra, giám sát không chặt chẽ thì hiện tượng san ủi đất lâm nghiệp rất dễ vi phạm. Ảnh: M.Đ
Mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 59%
 
Để ra đời Thông báo số 191/TB-VPCP (Thông báo 191), ngày 20/6/2016, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một hội nghị rất quan trọng trên. Thành phần tham dự có các cơ quan liên quan của Trung ương, Quốc hội, nhiều bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR); Chủ tịch và lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên, một số tổ chức quốc tế. 
 
Hội nghị đánh giá sâu, rộng và kỹ càng về tình hình công tác QLBV&PTR ở Tây Nguyên, trong đó nêu rõ những con số về tình hình mất rừng, suy thoái rừng nghiêm trọng. Điều đó được thể hiện bởi diện tích rừng giảm 180.000 ha so với năm 2010, độ che phủ của rừng giảm từ 51,9% xuống 45,8%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m 3…). Cùng đó là những nguyên nhân, hạn chế chủ yếu. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ độ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên phải nâng lên 59%. Để làm được điều đó phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Thủ tướng Chính phủ “yêu cầu các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo nỗ lực khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên, có cơ chế chính sách đột phá, tạo chuyển biến căn bản, rõ nét trong công tác QLBV&PTR bền vững”. 
 
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chú trọng một số nhiệm vụ đối với từng bộ, ngành Trung ương liên quan, riêng các tỉnh Tây Nguyên, có “ba giải pháp trọng yếu” đó là: Thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển đổi mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai; không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay. “Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi”…
 
Thực thi ở Lâm Đồng
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu giảm ít nhất 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm ít nhất 50% diện tích rừng thiệt hại do bị cháy, bị phá của năm sau so với năm trước. Kế hoạch trồng rừng năm 2017 là 2.783 ha; chăm sóc rừng các năm 7.357 ha; giao khoán QLBVR 418.500 ha, trồng cây phân tán 143.400 cây. Cuối năm 2017, tỉnh đã tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích của 149 dự án thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp để đầu tư với 23.896 ha, thu hồi một phần diện tích của 33 dự án với 2.579 ha…
 
Tính đến cuối tháng 5/2018, Lâm Đồng đã thu hồi 183 dự án/26.423 ha, trong đó 151 dự án thu hồi toàn bộ (23.900 ha) và 32 dự án thu hồi một phần (2.523 ha). 
 
Công tác QLBVR thực sự có chuyển biến. Đáng ghi nhận nhất là năm 2017, so cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm các quy định về BV&PTR đã giảm 436 vụ (bằng 30%), diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 35,51 ha (28%), lâm sản thiệt hại giảm  hơn 1.357 m 2 (26%). Tuy nhiên, việc trồng rừng sau giải tỏa chỉ đạt 56% kế hoạch (77,8 ha). Còn 5 tháng đầu năm 2018, các ngành và đơn vị chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản 343 vụ vi phạm Luật BV&PTR; diện tích thiệt hại do phá rừng là 24.484 m 2 và lâm sản thiệt hại 1.145,869 m 3. Đáng mừng là so với cùng kỳ năm 2017 đều giảm cả 3 tiêu chí: 129 vụ vi phạm (bằng 27%); 8.825 m 2 (26%) diện tích thiệt hại và 503,902 m 3 (31%) về lâm sản thiệt hại.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định về một số quy định tạm thời về san gạt đất, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều bất cập như nhiều trường hợp thực hiện không đúng quy định, không đúng nội dung được cấp phép, lợi dụng việc cấp phép để san gạt đất lâm nghiệp hoặc san gạt quá diện tích, khối lượng cho phép, các cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác hậu kiểm… gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, sạt - trượt đất trong mùa mưa, tạo dư luận không tốt trong nhân dân… Trong một bài báo phản ánh Quyết định này, chúng tôi đã dự báo những tình huống trên, tuy nhiên, đáng tiếc là vấn đề chưa được nhận thức đầy đủ ở một bộ phận cơ quan, đơn vị liên quan. Vào ngày 26/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Văn bản số 2472/UBND-LN ngưng thực hiện Quyết định 1498/QĐ - UBND tỉnh ngày 6/7/2017 để kịp thời đánh giá lại tình hình. 
 
Cũng là nhiệm vụ thực hiện Thông báo 191 liên quan đến số nợ đọng 99.546 triệu đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (tính từ ngày 31/12/2017 trở về trước). Đó là đất có diện tích khoáng sản nằm trên đất lâm nghiệp nay không thể khai thác. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng Trần Phương cho biết: Một số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản vẫn còn hi vọng sẽ thay đổi nội dung Thông báo 191 do đó vẫn cố giữ đất, thay vì khẩn trương làm thủ tục hồ sơ giảm diện tích quy mô. Rất cần các ngành chức năng tuyên truyền để nâng cao nhận thức rõ về Thông báo 191 đối với các doanh nghiệp.    
  
Có thể khẳng định, việc thực hiện Thông báo 191 ở Lâm Đồng thực sự có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, nhiệm vụ QLBV & PTR vẫn còn nhiều khó khăn, từ nhận thức sâu sắc đến hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Theo kết quả hiện trạng rừng năm 2017 vừa được Bộ NN&PTNT công bố, tỉnh Lâm Đồng diện tích có rừng 533.420 ha; trong đó rừng tự nhiên 452.839 ha, rừng trồng 80.581 ha. Trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Kon Tum vẫn đứng đầu về tỷ lệ độ che phủ rừng, đạt 62,30%; Lâm Đồng đạt 53,6% (tuy có tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu đặt ra của địa phương); tỉnh Đắk Lắc tụt xuống cuối bảng với 38,49%; hai tỉnh còn lại: Đắk Nông 39,2% và Gia Lai 40,20%. Về diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Gia Lai và Kon Tum đứng đầu với 553.845 ha và 545.807 ha; Lâm Đồng đứng thứ 4/5 tỉnh… 
 
 MINH ĐẠO