Tiến tới quy hoạch tổng thể hệ thống trường học thông minh ở Ðà Lạt

08:05, 31/05/2018

Với quan niệm "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho nhân dân, cho thế hệ trẻ - người chủ tương lai của đất nước.

Với quan niệm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho nhân dân, cho thế hệ trẻ - người chủ tương lai của đất nước.
 
Trong tác phẩm “Ðường kách mệnh” (năm 1925) và “Chánh cương vắn tắt của Ðảng” (tháng 2/1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và “Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”. Ở “Chương trình Việt Minh” (1941), Bác chủ trương: “Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”. Khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Bác khẳng định nhiệm vụ cấp bách là phải chống nạn dốt; vì “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta”. Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Người căn dặn: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Bác khích lệ học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. 
 
“Giáo dục là quốc sách” - Kế thừa tư tưởng của Hồ Chủ tịch, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Nghị quyết, thời gian qua, Lâm Đồng đạt nhiều chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này. Tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo.
 
Cùng với đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, việc tổ chức thực hiện cho các cấp ủy, địa phương và ngành giáo dục và đào tạo toàn tỉnh, Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ đối với riêng thành phố Đà Lạt là phải: Triển khai mô hình trường học mới, lớp học thông minh, tiến tới quy hoạch tổng thể hệ thống trường học thông minh phù hợp với Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”. Theo Nghị quyết, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Lạt phải ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục hướng tới nền giáo dục thông minh. Thí điểm và từng bước thực hiện mô hình lớp học thông minh. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Đồng thời, coi trọng giáo dục toàn diện, gắn trang bị kiến thức với giáo dục, rèn luyện đạo đức, giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng bộ môn giáo dục công dân trong trường phổ thông và môn giáo dục chính trị trong các trường chuyên nghiệp. Chú trọng thực hiện công bằng xã hội, chống khuynh hướng “thương mại hóa”; kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng “chạy trường, chạy lớp”; xây dựng mối quan hệ đúng mực, lành mạnh giữa giáo viên và học sinh, sinh viên.  
 
Đòn bẩy cho thực hiện Nghị quyết cũng như yêu cầu đặt ra đối với giáo dục và đào tạo Đà Lạt là phải tạo điều kiện và phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn phát triển ngang tầm khu vực và của cả nước; nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, du lịch, xã hội nhân văn. Mặt khác, phải kịp thời cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo với quan điểm “đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”; thu hút và khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục.   
 
LAN HỒ