CN, 13/04/2025, 19:21

Ðơn Dương: Phát triển văn hóa văn nghệ cơ sở từ tiềm năng sẵn có

09:05, 07/05/2018

Ðánh thức tiềm năng sẵn có từ các địa phương, phát huy nguồn lực tại chỗ, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới,... là những gì Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Ðơn Dương đang thực hiện nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân phát triển.

Ðánh thức tiềm năng sẵn có từ các địa phương, phát huy nguồn lực tại chỗ, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới,... là những gì Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Ðơn Dương đang thực hiện nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân phát triển.
 
Một tiết mục được các đơn vị tại các xã của Đơn Dương tự dàn dựng. Ảnh: V.Q
Một tiết mục được các đơn vị tại các xã của Đơn Dương tự dàn dựng. Ảnh: V.Q

Phối hợp với các đoàn thể
 
Những ngày này, bà con nông dân xã Tu Tra đang ráo riết tập luyện các tiết mục văn nghệ để chuẩn bị tham gia cuộc thi “Tiếng hát đồng quê” do Trung tâm Văn hóa Thể thao phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức. Hào hứng và hồ hởi, những người nông dân quanh năm một nắng hai sương với ruộng vườn, nương rẫy vẫn say mê tập luyện, ca múa bằng tất cả sự nhiệt tình và say mê. 
 
Ông Nguyễn Công Xã - đội văn nghệ xã Tu Tra, tâm sự: “Chúng tôi đều là người đã nhiều tuổi, nhưng cái “máu” văn nghệ trong người vẫn sôi sục lắm. Ai ai cũng tâm huyết với phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, mong muốn đẩy phong trào phát triển. Mặc dù phải tranh thủ thời gian rảnh mới tập luyện, nhưng những thành viên đều cố gắng hết mình”.
 
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đang là hướng đi được Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương đẩy mạnh trong những năm gần đây. Ông Đặng Huệ Chí - Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Nội lực của riêng ngành văn hóa huyện không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi chủ động phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể khác như ngành giáo dục, y tế, công an, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ,... tổ chức các hoạt động cấp huyện. Khi có sự phối hợp và chịu trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay tham gia cả về nhân lực và vật lực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao huyện gặp nhiều thuận lợi và được tổ chức thành công”.
 
Minh chứng của sự thành công đó là trong 5 năm trở lại đây, trong các hội thi do tỉnh tổ chức, Đơn Dương luôn là đơn vị đạt được thành tích tốt nhờ đã có chuẩn bị và tuyển chọn từ cơ sở.
 
Năm 2017, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương đã tổ chức được 13 hoạt động, 9 chương trình độc lập và 21 chương trình phối hợp (gồm chương trình công bố và trao giải thưởng viết kịch bản và sáng tác ca khúc; chương trình ra mắt CLB Hát với nhau; ra mắt CLB thơ nhạc; các hội thi, hội diễn,...). Nếu như trước đây, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ riêng lẻ, thì giờ đây, xuất phát từ nền tảng có sẵn đó, các đơn vị đã có sự phối kết hợp với nhau để tổ chức một cách có hệ thống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa văn nghệ của người dân.
 
Ðẩy mạnh xã hội hóa
 
Theo ông Đặng Huệ Chí, việc kết hợp giữa sự đầu tư của chính quyền với sự linh hoạt của các địa phương đã giúp đáp ứng được một cách cơ bản nhu cầu của người dân. 
 
Hiện tại, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa ở các xã, thị trấn, tập hợp những người có tâm huyết, đam mê về văn hóa, văn nghệ. CLB cấp huyện sinh hoạt đều đặn mỗi quý một lần, thu hút sự tham gia nhiệt tình của nhiều người dân. Để duy trì hoạt động này, các CLB tại các xã phải đảm bảo hoạt động đều đặn, thường xuyên 2 - 4 lần mỗi tháng dựa vào tinh thần tự nguyện, tự túc kinh phí của các thành viên trong CLB. Trong quá trình sinh hoạt như vậy, họ sẽ tuyển chọn ra những tiết mục có chất lượng để tham gia vào các hội thi, hội diễn tại địa phương.
 
Mặc dù mang tên là CLB Hát cho nhau nghe, nhưng Trung tâm Văn hóa Thể thao Đơn Dương định hướng cho các thành viên phát triển nhiều thể loại như hát, múa, ngâm thơ, thổi sáo, nhiếp ảnh, diễn kịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. “Điều đặc biệt là từ khi thành lập các CLB này, mỗi khi các địa phương có chương trình văn nghệ, CLB sẽ trực tiếp đứng ra tổ chức. Trung tâm chỉ đứng sau và hỗ trợ khi cần thiết” - ông Chí cho hay.
 
Ngoài những yếu tố như thiết chế văn hóa được chính quyền quan tâm, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đều đã được đầu tư, các thành viên cơ sở năng động trong việc vận động các nguồn đầu tư trang thiết bị như sân bóng, âm thanh, ánh sáng.., Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương còn dựa vào một lực lượng cộng tác viên (CTV) năng nổ, nhiệt tình để đảm bảo thành công cho các hoạt động.
 
Với khoảng 60 người có niềm đam mê và thường xuyên tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ của Trung tâm, lực lượng CTV đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động của Trung tâm huyện.
 
Với sự nhiệt tình và niềm đam mê, nhiều người sẵn sàng bỏ công sức và đầu tư vật chất để tham gia, tổ chức các sự kiện. Trương Công Chương (sinh năm 1995, xã Ka Đô) là một ví dụ. Xuất phát từ niềm đam mê nhảy, chàng trai trẻ này sau khi rời TP Hồ Chí Minh trở về quê nhà đã thành lập CLB nhảy, quy tụ gần 30 bạn nhỏ trên 10 tuổi, cùng sinh hoạt, tham gia thi và biểu diễn ở nhiều hoạt động. Ngoài ra, Chương còn thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu hát Acoustic, nhảy Hiphop, hát Rock,... thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ trong và ngoài huyện. Ngoài ra, Chương còn tích cực tổ chức múa lân hay văn nghệ tại địa phương để gây quỹ ủng hộ người nghèo, với mục đích “tạo môi trường cho các bạn trẻ ở nông thôn có môi trường sinh hoạt lành mạnh”.
 
“Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh khi các hoạt động được người dân tự tổ chức, tự vận động tham gia, đóng góp xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là cách hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phát huy được năng khiếu của các cá nhân và khuyến khích sự sáng tạo, năng động mà Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới” - ông Chí chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH