Ðưa khởi nghiệp thành "làn sóng" mạnh mẽ (kỳ 3)

08:05, 30/05/2018

Bên cạnh niềm đam mê, khởi nghiệp (KN) còn yêu cầu nhiều điều hơn từ những người trẻ. Có khi đó là những bài học đắt giá mà những nhà KN trẻ đã phải trả giá và trải qua để có được những thành công hôm nay, là những nguyên nhân dẫn đến thất bại, những hy sinh hay đánh đổi để theo đuổi con đường KN.

Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng
 
[links(right)] Bên cạnh niềm đam mê, khởi nghiệp (KN) còn yêu cầu nhiều điều hơn từ những người trẻ. Có khi đó là những bài học đắt giá mà những nhà KN trẻ đã phải trả giá và trải qua để có được những thành công hôm nay, là những nguyên nhân dẫn đến thất bại, những hy sinh hay đánh đổi để theo đuổi con đường KN.
 
Cửa hàng socola The Choco đầu tiên đang chuẩn bị khai trương trong lúc dự án KN của anh Đoàn Bảo Tín đang đợi hoàn thành hồ sơ để gửi lên Đề án 740 (Đề án về Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh). Ảnh: V.Q
Cửa hàng socola The Choco đầu tiên đang chuẩn bị khai trương trong lúc dự án KN của anh Đoàn Bảo Tín đang đợi hoàn thành hồ sơ để gửi lên Đề án 740 (Đề án về Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh). Ảnh: V.Q

Chỉ đam mê thôi chưa đủ
 
Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 1.500 startup (được hiểu chung là việc tạo ra giá trị bằng cách thực hiện ý tưởng, công việc kinh doanh riêng, tự mình làm và quản lý, tự kiếm thu nhập cho mình), lớn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ về mật độ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp “chết yểu” lại lên đến 80% - nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Đam mê là mấu chốt của KN. Nhưng chỉ đam mê thôi là chưa đủ, bởi con đường từ ý tưởng đi đến thực tế là cả một quá trình nhiều thử thách mà không phải ai cũng vượt qua được.
 
“Nuôi heo bằng trà xanh Tea-ton” là tên dự án KN của Lê Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1995) - cựu SV Trường ĐH Yersin Đà Lạt, là một trong 5 ý tưởng KN được lựa chọn để đại diện khu vực miền Trung, tham dự vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo KN sinh viên “Start-up Student Ideas” năm 2017; giải Nhất Cuộc thi “Mô hình và ý tưởng KN trong thanh niên” do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức năm 2017.  
 
Đã từng từ chối cơ hội việc làm tại TP Hồ Chí Minh để trở về Bảo Lộc với mong muốn hiện thực hóa dự án của mình, nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn một năm, dự án của Thương vẫn chưa được triển khai. Thương giải thích điều này rằng: “Nó vẫn nằm đấy, chị ạ. Khó khăn đầu tiên em gặp phải là từ lý thuyết bước ra thực tiễn quá nhiều điều khác biệt. Nếu không đủ kinh nghiệm, em chắc chắn sẽ thất bại vài lần. Thế nên em để nó một bên, giờ em đang đi làm ở một công ty về y tế, quyết tâm gom vốn cũng như học thêm nhiều điều, đợi lúc nào thật sự sẵn sàng rồi mới triển khai dự án”.
 
Thiếu vốn, thiếu kỹ năng và thiếu kinh nghiệm - Khó khăn của Hoài Thương cũng chính là khó khăn chung của hầu hết các bạn trẻ KN, nhất là các bạn SV. Đây là những rào cản lớn nhất, cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của những nhà KN trẻ. Đúng như Thương chia sẻ: “Em thấy KN là tốt. Nhưng khi là SV, nó chỉ là sân chơi. Còn khi đưa ý tưởng vào hiện thực, em ko được phép mạo hiểm. KN cần mạo hiểm nhưng cũng cần phải suy nghĩ và tính toán kỹ”.
 
KN chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi để đến được thành công, với những điểm yếu của mình, các nhà KN trẻ đã phải nỗ lực hết sức mình, và đôi khi là cả những đánh đổi.
 
Đến bây giờ, khi đã có những thành công nhất định, anh Phan Thanh Sang vẫn nhớ những ngày đầu tập tễnh bước vào KN, anh đã phải thức đến 2-3 giờ sáng mỗi ngày để nghiên cứu tài liệu, hay đóng hàng cho kịp gửi khách. “Không có nhiều vốn và cả kinh nghiệm, mình buộc phải căng sức lên, làm việc gấp đôi người ta để tránh sai lầm và thất bại”. Theo anh, khó khăn cũng chính là động lực, giúp các nhà KN luôn luôn vận động, luôn luôn cố gắng.
 
Hay như Đoàn Bảo Tín (sinh năm 1993) - CEO của The Choco - thương hiệu socola handmade vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và KN” năm 2017 do Trung tâm hỗ trợ KN Trường Ðại học Ðà Lạt tổ chức vừa qua, anh luôn luôn tự nhắc mình về những ngày đầu phải bán xe để có tiền duy trì dự án, đến nỗi có những ngày chỉ còn đủ tiền để “gặm” bánh mì; hộp giấy, bao bì xin in nợ. Không có địa điểm để làm, cả nhóm phải nhờ bếp của gia đình một thành viên trong nhóm, sau đó dành nguyên nửa tháng sửa lại một nhà kho cũ để làm xưởng với số tiền vay mượn khắp nơi.
 
Những hạn chế về môi trường khởi nghiệp
 
Trong cuộc trò chuyện với Đoàn Bảo Tín sau khi anh vừa từ TP Hồ Chí Minh trở về Đà Lạt, Tín buột miệng bảo rằng: “Các bạn trẻ KN ở Lâm Đồng còn quá nhiều thiệt thòi so với các thành phố lớn khác, mà cụ thể nhất là Sài Gòn”. Thiệt thòi ở đây mà Tín nói đến, đó chính là sự thiếu hụt về các trung tâm đào tạo KN hay các lớp huấn luyện kỹ năng KN. 
 
“Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính quyền cũng vừa mới bắt đầu trong thời gian gần đây, và đang trong quá trình bước từng bước một nên không đáp ứng kịp tốc độ của nhà KN” - Tín chia sẻ thêm như vậy, khi The Choco đang chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên trong khi dự án KN của mình vẫn đang đợi hoàn thành hồ sơ, đợi Tổ Hỗ trợ KN tỉnh hỗ trợ kinh phí.
 
Theo anh Phan Thanh Sang - Giám đốc Công ty YSA Orchid Đà Lạt - khó khăn cũng chính là động lực, giúp các nhà KN luôn luôn vận động, cố gắng. Ảnh: V.Q
Theo anh Phan Thanh Sang - Giám đốc Công ty YSA Orchid Đà Lạt - khó khăn cũng chính là động lực,
giúp các nhà KN luôn luôn vận động, cố gắng. Ảnh: V.Q

Nguyễn Đức Toàn - chàng trai KN với dự án Smart Controllec (dự án điều khiển tưới tự động bằng điện thoại thông minh) cũng chia sẻ rằng, chỉ khi đến với Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và KN” năm 2017, anh mới biết được mình còn thiếu hụt rất nhiều kiến thức về kinh doanh như dự đoán tương lai, vốn, kế hoạch kinh doanh, khảo sát thị trường,... bên cạnh kiến thức về kỹ thuật để KN. 
 
Điều này cũng được bà Trương Thị Hồng Thuyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ KN Trường ĐH Đà Lạt đồng tình. Đã từng có thời gian du học ở Anh và là người có tâm huyết với phong trào KN, bà Hồng Thuyên chia sẻ rằng: Khó khăn của thanh niên Lâm Đồng là xa các trung tâm, các lớp đào tạo và kênh thông tin về KN còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trừ một vài bạn thanh niên năng động sẽ chủ động tiếp cận thông tin, còn lại là bị động nên càng khó để có nhận thức đầy đủ về KN.
 
Theo bà Thuyên, nguyên nhân khiến nhiều dự án KN của thanh niên bị thất bại, bên cạnh việc tư duy KN chưa đáp ứng đủ yêu cầu của KN thì còn do thiếu một hệ sinh thái KN chuyên nghiệp: “Chỉ cần 1 - 2 năm mà không đi đến kết quả thì người KN rất dễ bỏ cuộc. Chính vì vậy mà mới cần đến hệ sinh thái KN (được xem là sự tổng hợp các mối liên kết giữa các chủ thể KN, tổ chức KN, các cơ quan liên quan và tiến trình KN tác động trực tiếp đến môi trường KN tại địa phương - PV) cùng đồng hành với các bạn, như vậy sẽ tránh mất tiền, mất thời gian, mất công sức. Hiện tại, các bạn phải tự làm nên không chỉ mất tiền, mất thời gian, mất công sức mà còn mất luôn ý chí KN”.
 
 “KN không phải là việc một sớm một chiều, mà là cả một quá trình phải phát triển đồng bộ nhiều thứ. Việt Nam đang bước chập chững những bước đầu. Đa số các bạn còn đang KN tự phát, chưa tận dụng được hết sự hỗ trợ của các đơn vị nên không tránh được rủi ro là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở Lâm Đồng cũng chưa quan tâm nhiều lắm đến các vấn đề KN, thế nên người KN gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình gọi vốn” -  bà Thuyên cho biết thêm. 
 
(CÒN NỮA)
 
VIỆT QUỲNH