7 ngày "học làm chiến sĩ công an"

08:06, 29/06/2018

Hè năm 2010, lần đầu tiên Chương trình Học kỳ quân đội dành cho thiếu nhi được Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng tổ chức và đã tạo nên những mùa hè bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi. Bước vào năm thứ 9, lần đầu tiên các em thiếu nhi có thêm trải nghiệm mới khi được tham gia vào 2 lớp mang tên " Học làm chiến sĩ công an".

Hè năm 2010, lần đầu tiên Chương trình Học kỳ quân đội (HKQÐ) dành cho thiếu nhi được Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng tổ chức và đã tạo nên những mùa hè bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi. Bước vào năm thứ 9, lần đầu tiên các em thiếu nhi có thêm trải nghiệm mới khi được tham gia vào 2 lớp mang tên “ Học làm chiến sĩ công an”.
 
Các chiến sĩ nhí thích thú tham gia những trải nghiệm của lớp học. Ảnh: V.Q
Các chiến sĩ nhí thích thú tham gia những trải nghiệm của lớp học. Ảnh: V.Q

2 lớp “Học làm chiến sĩ công an” được Tỉnh Đoàn phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức, với sự tham gia của 296 em thiếu nhi từ 9 - 13 tuổi, nhằm tăng cường giáo dục về truyền thống hào hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam; nâng cao ý thức tự lập, tinh thần kỷ luật, rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm quân ngũ cho các em thiếu nhi.
 
Những ngày đầu tháng 6, khi vừa kết thúc năm học, cậu bé Trần Phú Thịnh (10 tuổi, trú tại Tổ 10 Ngô Gia Tự, Phường 12, TP Đà Lạt) đã háo hức chuẩn bị, chờ đón những ngày được làm chiến sĩ công an. Hồ hởi, mong chờ và cả nhiều lo lắng cho những trải nghiệm mới, Thịnh vẫn đếm từng ngày đến buổi lễ xuất quân.
 
Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng vào buổi sáng xuất quân lớp “Học làm chiến sĩ công an” cũng đông đúc và rộn ràng, cũng nhiều cảm xúc như một buổi lễ tiễn quân thật sự. Những cô, cậu bé trở thành những “chiến sĩ nhí” khi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, khệ nệ những balo, túi xách. Bố mẹ lo lắng, căn dặn lui tới những điều quen thuộc. Không lo sao được, khi những bàn tay vốn được bố mẹ chăm chút nay tự khóa kéo balo, tự sắp xếp tư trang trước khi lên đường dù vẫn còn vụng về và nhiều bỡ ngỡ.
 
Khi những chuyến xe chở “những chiến sĩ nhí” lăn bánh, những cánh tay lưu luyến vẫy chào. Có bạn bật khóc vì những lo sợ, cũng có bạn cười tươi ôm lấy cô em gái 4 tuổi cứ bám lấy chân anh trai và khóc òa.  Anh Trần Phú Hùng, bố của Trần Phú Thịnh, chia sẻ: “Lần đầu tiên để con tự lập tận 7 ngày, đương nhiên ai cũng lo lắng, sợ con mệt, sợ con ốm. Nhưng tôi quyết tâm cho con trải nghiệm, vì biết chắc chắn sau những trải nghiệm đó, con sẽ học hỏi được nhiều điều, mạnh mẽ và trưởng thành hơn”.
 
7 ngày sinh hoạt tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, Thịnh cũng như các chiến sĩ nhí khác đã được tham gia vào những hoạt động bổ ích và thú vị, được trang bị những kiến thức về truyền thống hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam và lực lượng Công an nhân dân; phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; điều lệnh đội hình đội ngũ, các thế võ tổng hợp của Công an, kỹ thuật băng bó cấp cứu, cùng các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội, xây dựng ước mơ, bảo vệ môi trường, các chuyên đề gắn kết tình cảm gia đình, dân vũ, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao, khám phá cá tính, niềm đam mê của bản thân, viết nhật ký, viết thư tay; tham quan Viện Sinh học Tây Nguyên, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt,... Các em còn được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy và tham gia diễn tập. 
 
Với những cô cậu bé đã quen với sự chăm lo của cha mẹ, sự bảo bọc từng chút của gia đình, các em không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ những ngày đầu khi mới bước vào khóa học, khi chưa thích nghi kịp với lối sống mới. “Nhiều em còn chưa có thói quen dậy sớm, xếp nội vụ chưa gọn gàng, tác phong chưa nhanh nhẹn; nhưng chỉ sau một vài ngày học tập, các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong cuộc sống; rèn luyện tác phong của người chiến sĩ Công an nhân dân; trui rèn tính kỷ luật, tinh thần tự giác, biết hòa đồng, giúp đỡ người khác,...” - anh Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ. Đây cũng chính là mục đích đầu tiên mà lớp học hướng tới.
 
Qua những buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ, hoạt động nhóm, nhận thư và viết thư…, các chiến sĩ nhỏ đã thật sự có những trải nghiệm mới lạ và kỷ niệm khó quên. Những khó khăn ban đầu được vượt qua, thay vào đó là sự hứng thú mỗi lần tham gia vào một nhiệm vụ mới. K’Ngọc Trí Dũng (10 tuổi, Thôn 4, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh): “Nhờ tham gia vào lớp học mà lần đầu tiên con viết thư tay cho ba mẹ của mình, nói những điều mà bình thường con không dám nói vì ngại”.
 
7 ngày “học làm chiến sĩ công an” ngắn ngủi, nhưng tại lễ bế mạc lớp học, các bậc phụ huynh đều nhận thấy được sự thay đổi của con em mình. Kết thúc lớp học, các chiến sĩ nhỏ cùng hứa sẽ tiếp tục cố gắng phát huy những điều đã được học trong môi trường Công an và luôn ghi nhớ rằng: “Hình thành thói quen tốt đã khó, giữ được thói quen tốt đó còn khó hơn nhiều”. Như chị Cao Thị Hồng Linh (Phường B’Lao, TP Bảo Lộc) khi thấy nụ cười rạng rỡ của cô con gái ngày trở về thay cho những giọt nước mắt ngày xuất quân, đã tâm sự rằng: “Làn da con đen sạm hơn, nhưng là làn da mạnh mẽ, khỏe khoắn mà ba mẹ muốn nhìn thấy. Thay vì dán mắt vào điện thoại, vào game như trước đây, những cái ôm bạn bè giây phút chia tay cho tôi biết con bé đã biết sống tình cảm và yêu thương hơn rất nhiều”.
 
VIỆT QUỲNH