Quyết tâm phát triển làng hoa bền vững

08:06, 07/06/2018

Cách nay vừa tròn 125 năm, ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đã đến thám hiểm khảo sát cao nguyên LangBian, nhận thấy ở đây có nhiều đặc điểm sinh thái được thiên nhiên ưu đãi, rất giàu tiềm năng có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng và cho đến nay Ðà Lạt trở thành thành phố Festival Hoa của cả nước…

Cách nay vừa tròn 125 năm, ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đã đến thám hiểm khảo sát cao nguyên LangBian, nhận thấy ở đây có nhiều đặc điểm sinh thái được thiên nhiên ưu đãi, rất giàu tiềm năng có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng và cho đến nay Ðà Lạt trở thành thành phố Festival Hoa của cả nước…
 
Một góc Làng hoa Hà Đông. Ảnh: V.Báu
Một góc Làng hoa Hà Đông. Ảnh: V.Báu

Trong quá trình lịch sử, trải qua nhiều bước thăng trầm… Đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, từ một trạm nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã dần hội đủ các điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển với dân số năm 1939 lên đến 11.500 người và du khách lên Đà Lạt ngày một đông. Trạm nông nghiệp Đankia không thể cung cấp đủ thực phẩm cho thành phố nên để giải quyết khó khăn đó, ấp Hà Đông được thành lập cuối tháng 5 năm 1938 trên địa bàn phía Bắc nội ô thuộc Phường 8, thành phố Đà Lạt ngày nay. Đó là kết quả của chủ trương di dân có tổ chức từ Hà Đông vào khai hoang, mở rộng sản xuất rau, hoa phục vụ yêu cầu xây dựng thành phố du lịch Đà Lạt đã được các nhà cầm quyền lúc bấy giờ rất quan tâm và do các cụ Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định tổ chức thực hiện.
 
Lớp dân cư đầu tiên và là lực lượng nòng cốt xây dựng quê hương mới sau này, gồm 35 người được tuyển dụng từ các làng chuyên canh rau, hoa nổi tiếng lâu đời quanh Hồ Tây như Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc (thuộc tỉnh Hà Đông cũ, nay là thủ đô Hà Nội).
 
80 năm qua, các bậc tiền bối của ấp Hà Đông ngày ấy và hậu duệ của các cụ đã cùng đồng bào dân tộc tại chỗ và từ nhiều vùng miền trong cả nước đoàn kết phấn đấu “phá thạch khai sơn” xây dựng nên cộng đồng dân cư trên quê hương mới là Làng hoa Hà Đông bây giờ. Trải qua bao khó khăn gian khổ, ông bà ta vẫn không ngừng phát huy truyền thống lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, kinh nghiệm sản xuất và tổ chức đời sống vật chất văn hóa của đất “ngàn năm văn hiến”; khai thác các tiềm năng thế mạnh của cao nguyên Lâm Viên được thiên nhiên ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của bản thân và gia đình mình. Đồng thời, tích cực góp phần cùng toàn dân làm cho thành phố “ngàn hoa” ngày càng thêm tươi đẹp.
 
Nhất là từ khi đất nước đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nghề trồng hoa ở đây được khôi phục và phát triển mạnh gắn với mở cửa ngành du lịch thành phố. Nhiều nhà vườn chuyển hướng chuyên canh, thay đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô trên 53 ha đất nông nghiệp trước sức ép của xu hướng đô thị hóa; thu hút gần 1.000 lao động có tay nghề của trên 500 hộ dân; cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư trang thiết bị áp dụng công nghệ cao… Hầu hết diện tích canh tác được thực hiện trong nhà kính Plastic, áp dụng quy trình nhân giống, ươm trồng và chăm sóc tiên tiến, bón phân, tưới nước hiện đại. Xây dựng được 11 cơ sở ươm các giống hoa mới, đa dạng chủng loại, năng suất chất lượng hoa thương phẩm cắt cành có giá trị cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Mở rộng thị trường tiêu thụ hoa đến các trung tâm từ Nam ra Bắc và xuất khẩu.
 
Những ngày hội lớn của tỉnh Lâm Đồng, Festival Hoa thành phố Đà Lạt,… Làng hoa Hà Đông luôn được coi là đơn vị tham gia có chất lượng, đạt nhiều giải thưởng cao. Ngày 30/12/2009, ấp Hà Đông vinh dự được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Bằng công nhận là “Làng nghề truyền thống”, UBND thành phố Đà Lạt tặng danh hiệu là “Làng hoa đầu tiên”; có 3 nghệ nhân, một số nhà vườn uy tín đã và đang trở thành “điểm đến” tham quan, trao đổi kinh nghiệm của du khách và bầu bạn gần xa.
 
Đặc biệt, đã cùng Hội đồng hương Hà Nội tại Đà Lạt - Lâm Đồng tổ chức vận động xây dựng thành công Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông được coi là “Công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, thể hiện sinh động mối quan hệ đặc biệt giữa hai địa phương và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu Thủ đô quyết tâm xây dựng quê hương mới tại Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh, thân thiện…
 
Tâm nguyện chính đáng, sâu sắc, thiết tha đó đã và đang được sự đồng tình ủng hộ, cộng tác, động viên, giúp đỡ thiết thực của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng cùng với cả Hà Nội - Thủ đô ruột thịt.
 
Trong thời gian qua, ngay sau Đại hội Đảng bộ các cấp, Thành ủy Đà Lạt đã ra Nghị quyết số 07-NQ/ThU ngày 5/5/2017 về “Phát triển các làng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt đã ra Quyết định số 3436/QĐ-UBND ngày 27/4/2017 “Phê duyệt Đề án phát triển Làng hoa Hà Đông, Phường 8, thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu chung: “Áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại Làng hoa Hà Đông. Phấn đấu xây dựng Làng hoa Hà Đông trở thành điểm tham quan du lịch có chất lượng đặc thù phục vụ du khách; thông qua xây dựng các tuyến, tour du lịch hấp dẫn, các khu trồng trọt, các điểm, cơ sở sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn. Đồng thời, nâng cao thu nhập nông dân làng hoa; phát triển nhiều loại hình, mô hình kinh tế vườn hấp dẫn, đa dạng cây trồng; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ canh tác của người nông dân hướng đến phát triển kinh tế mang tính bền vững. Theo đó, giữ gìn và tôn tạo các giá trị về văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển, phong tục tập quán của cư dân Hà Đông tại thành phố Đà Lạt qua 80 năm hình thành và phát triển Làng hoa Hà Đông; xây dựng làng hoa phát triển về kinh tế, đồng bộ về hạ tầng, đặc sắc về văn hóa, có cảnh quan, môi trường “xanh, sạch, đẹp”…”.
 
Để đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả thực chất các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng kể trên, quyết định của UBND thành phố cũng đã nêu rất cụ thể các mục tiêu, giải pháp và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân thành phố phải thực sự quán triệt, tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn.
 
Trong đó nhấn mạnh: UBND Phường 8 là đơn vị chủ trì thực hiện đề án, hàng năm chủ động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phát triển Làng hoa Hà Đông; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện đề án. Phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương và hệ thống chính trị 3 tổ Hà Đông 1, 2, trong việc triển khai thực hiện đề án. Xây dựng nội dung phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung đề án đến cán bộ, đảng viên, người dân trong làng hoa được biết, tích cực tham gia phát triển làng hoa gắn với phong trào thi đua xây dựng “Phường văn minh đô thị”… Tuyên truyền, vận động người dân nâng cấp nhà kính, xây dựng công nghệ sản xuất đồng bộ; chỉnh trang công trình kiến trúc, xây dựng đường giao thông; trồng cây xanh; thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường… Đồng thời, tổ chức quán triệt cho cán bộ và nhân dân ở địa phương về việc xây dựng phát triển làng hoa một cách bền vững, gắn sản xuất với kinh doanh du lịch và dịch vụ. Tạo nên động lực để mọi người trong làng hoa thấy được đây là việc làm vì lợi ích của chính mình, nhân dân là chủ thể. Dựa vào nội lực của cộng đồng là gốc, khơi dậy tính tích cực tự giác của cộng đồng, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp để tạo đà thực hiện đề án. Phát huy tính tích cực của nhân dân làng hoa trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng cho địa phương; tham gia đóng góp ngày công khi được huy động, tham gia bàn bạc, giám sát xây dựng các công trình và giữ gìn an ninh trật tự nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, nêu cao tinh thần “tình làng nghĩa xóm”…
 
Trồng cây lưu niệm ở Làng hoa Hà Đông. Ảnh: P.H.G
Trồng cây lưu niệm ở Làng hoa Hà Đông. Ảnh: P.H.G

Thành ủy, UBND thành phố Đà Lạt muốn thông qua quyết định phê duyệt đề án này để vừa thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng chung, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Làng hoa Hà Đông phải nỗ lực phấn đấu tự vượt lên chính mình mới thực xứng đáng với vị thế, truyền thống vẻ vang và những tiềm năng thế mạnh vốn có của một “Làng hoa đầu tiên”, “Làng nghề truyền thống” - nếu không muốn tự “đánh mất mình” trước yêu cầu của xu thế phát triển ngày càng nhanh, đa dạng, phong phú và đầy thách thức phức tạp của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Trong khi đó, các làng hoa bạn tuy thành lập sau nhưng lại đang có lợi thế hơn về nhiều mặt vì được biết “đi tắt đón đầu” trong thời kỳ mới. Còn Làng hoa Hà Đông thì lại chậm chuyển đổi cung cách làm ăn thực chất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, nguồn lực đầu tư rất hạn chế sang các hình thức kinh tế hợp tác kiểu mới phù hợp hơn… Nhất là nền sản xuất nông nghiệp của cả nước và tỉnh nhà đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn gắn với yêu cầu phát triển các hoạt động du lịch dịch vụ, đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng làng hoa thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn của du khách gần xa mỗi khi tới thăm thành phố Festival Hoa Đà Lạt giàu đẹp, văn minh, thân thiện.
 
Tuy đang còn không ít khó khăn, hạn chế, bất cập trên bước đường xây dựng, nhưng đây là một thời cơ lớn, vận hội mới để tổ chức động viên cán bộ và bà con Làng hoa Hà Đông cùng nhau tăng cường đoàn kết, phối hợp đồng bộ, mạnh dạn đổi mới nếp nghĩ cách làm, để quyết tâm biến “Ý Đảng hợp lòng Dân” thành hành động tự giác, đạt hiệu quả cụ thể, thiết thực, toàn diện, vững chắc!
 
Nâng cao ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, không trông chờ ỷ lại, mạnh dạn phát huy các ưu điểm, thành tựu, kinh nghiệm quý báu được kế thừa từ thời tiền nhân lập ấp, đồng thời tranh thủ chủ động tạo mọi điều kiện cần thiết để vận dụng có hiệu quả phương châm xã hội hóa, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân lên sức mạnh tổng hợp to lớn thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội và nhân văn đã đề ra trong “Đề án phát triển Làng hoa Hà Đông, Phường 8, thành phố Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
 
Muốn được như thế, cần phải đặc biệt quan tâm đến nhân tố “con người” và “tổ chức cơ sở”. Trong đó cần tập trung khẩn trương làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò gương mẫu, nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, vận động quần chúng của cả Làng hoa Hà Đông đoàn kết chặt chẽ vì sự nghiệp chung. Thực sự coi Đề án phát triển Làng hoa Hà Đông bền vững là “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân…”. Trước mắt là tham gia được nhiều ý kiến thiết thực và đóng góp nhân tài vật lực để hoàn thành tốt một số nội dung cần khảo sát để xây dựng quy hoạch cụ thể, lập kế hoạch chi tiết và thi công xong một số công trình trong năm 2018 mở đầu thực hiện đề án… Coi đó là những nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” thành tâm hướng về kỷ niệm 80 năm thành lập Ấp Hà Đông (3/5 Mậu Dần 1938 - 3/5 Mậu Tuất 2018) và chào mừng thành phố Đà Lạt 125 năm hình thành và phát triển (21/6/1893 - 21/6/2018).
 
PHAN HỮU GIẢN
(Nguyên Bí thư Thành ủy Ðà Lạt)