Ðộng lực cho sự phát triển toàn diện

08:06, 05/06/2018

Tháng 4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên) trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Phước Cát 1. Ðây được xem là tiền đề quan trọng và là động lực để thị trấn Phước Cát phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội...

Tháng 4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên) trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Phước Cát 1. Ðây được xem là tiền đề quan trọng và là động lực để thị trấn Phước Cát phát triển toàn diện cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cũng như nâng cao đời sống của người dân trong thời gian tới.
 
Một góc thị trấn Phước Cát. Ảnh: Đ.A
Một góc thị trấn Phước Cát. Ảnh: Đ.A

Vùng đất giàu tiềm năng
 
Xã Phước Cát 1 được thành lập theo Quyết định 67 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 6/6/1986 trên cơ sở chia tách xã Phước Cát thành 2 xã Phước Cát 1 và Phước Cát 2. Xã Phước Cát 1 nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Cát Tiên, liền kề sông Đồng Nai và có vị trí giao thương thuận lợi. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nơi đây trở thành một phần của căn cứ cách mạng, cơ quan của Khu ủy khu VI (trên địa bàn xã Phước Cát 1 và xã Đức Phổ). Kể từ khi thành lập đến nay, phát huy truyền thống cách mạng, cùng với tinh thần lao động sản xuất hăng say của những cư dân bản địa và người dân nơi khác di cư đến đây lập nghiệp, xã Phước Cát 1 từ một vùng đất nghèo khó đã vươn lên thay đổi từng ngày. Theo những người dân đã có thời gian gắn bó lâu dài tại vùng đất này, Phước Cát 1 ngày nay đã thay đổi “một trời một vực”. Từ chỗ đường sá đi lại còn khó khăn, nay đường nhựa, đường bê tông đã kéo dài đến tận thôn. Từ chỗ cả xã chưa có nhà xây và rất hiếm xe đạp thì nay nhà lầu, xe ô tô đã không còn là điều xa xỉ đối với nhiều người dân. Điều này cho thấy sự phát triển đô thị và việc nâng cao đời sống của người dân đã được cải thiện rõ nét. Ngay cả việc trở thành thị trấn cũng là điều tưởng chừng xa vời nhưng nay đã trở thành hiện thực. Từ năm 2005, khi xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ xã Phước Cát 1 khóa IV, thì ở phần phương hướng đã xác định sẽ xây dựng Phước Cát 1 trở thành thị trấn sau này. Sau đó, nội dung quyết tâm xây dựng Phước Cát 1 trở thành thị trấn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và xã. Sau 30 năm, từ một xã khó khăn trở thành một thị trấn là cả một quá trình dài và tâm lý chung của tất cả người dân là rất tự hào về điều này.
 
Mặc dù là xã miền núi nhưng Phước Cát 1 có địa hình tương đối bằng phẳng nên thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, xã Phước Cát 1 đã sớm có hệ thống đường giao thông dọc theo sông Đồng Nai, là tiền thân của hệ thống đường tỉnh và đường huyện hiện nay. Các tuyến đường này đã kết nối xã với các huyện khác trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Với lợi thế về giao thương, xã Phước Cát 1 đã trở thành đầu mối giao dịch thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp cho 3 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2 và xã Đức Phổ và là đô thị cửa ngõ nối huyện Cát Tiên với tỉnh Bình Phước tại xã Đăng Hà và tỉnh Đồng Nai tại xã Đắk Lua. Theo đánh giá, Phước Cát 1 là một trong những đơn vị cấp xã đóng góp hàng đầu vào thu ngân sách Nhà nước của huyện nhờ vào sự phát triển dịch vụ - thương mại, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch giao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế giai đoạn 2014 - 2016 bình quân là 18,67%. Kinh tế của xã duy trì tốc độ phát triển nhanh, cân đối thu chi ngân sách đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt gần 44 triệu đồng/người vào năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, thấp hơn bình quân chung của huyện. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 65%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tăng dần tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp. Bà Triệu Thị Ánh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát 1, cho biết: Tháng 11/2016, xã Phước Cát 1 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành tựu cơ bản chứng minh sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực của xã về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong lộ trình chung, từ khi xã được công nhận là đô thị loại V vào năm 2011 đến công nhận xã nông thôn mới và đến nay trở thành thị trấn, cho thấy cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn xã. Với tầm của một đô thị như hiện tại thì chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo phát triển tất cả các tiêu chí, nhất là phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đô thị...”.
 
Tiền đề phát triển toàn diện 
 
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa tại xã Phước Cát 1 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết như: Quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị, sự gia tăng dân số cơ học, sự chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, bảo vệ môi trường... Bộ máy chính quyền nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị. Chính vì vậy, việc thành lập thị trấn Phước Cát là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, phù hợp với yêu cầu phát triển tất yếu của thực trạng đô thị. 
 
Để được công nhận trở thành thị trấn, Phước Cát 1 đã có một quá trình đầu tư và phát triển toàn diện. Trên cơ sở đó, ngày 12/10/2011, UBND tỉnh đã chính thức công nhận xã Phước Cát là đô thị loại V. Đến năm 2016, HĐND xã Phước Cát 1 và HĐND huyện Cát Tiên đã thông qua Đề án thành lập thị trấn Phước Cát và Đề án này cũng được HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua vào tháng 7/2017. Đến ngày 12/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 493 về việc thành lập thị trấn Phước Cát trên cơ sở toàn bộ diện tích 16,96 km 2 và 7.204 người của xã Phước Cát 1, gồm 10 tổ dân phố. Như vậy, sau khi thành lập thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên có 2 thị trấn và 9 xã. 
 
Cơ sở vật chất trường lớp ở Phước Cát không ngừng được đầu tư trong thời gian gần đây. Ảnh: Đ.A
Cơ sở vật chất trường lớp ở Phước Cát không ngừng được đầu tư trong thời gian gần đây. Ảnh: Đ.A

Theo ông Bùi Văn Hùng, thị trấn Phước Cát được thành lập sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, không chỉ riêng thị trấn Phước Cát mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã lân cận. Định hướng cơ cấu phát triển thị trấn Phước Cát trong những năm tới là thương mại, dịch vụ, du lịch; đồng thời, gắn với phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Trên một số lĩnh vực khác, thị trấn Phước Cát sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục, hoàn thiện cơ sở vật chất của các trường học, đầu tư nâng cấp mở rộng phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế thị trấn nhằm bảo đảm chức năng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chủ động phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng ở địa phương cũng như các vùng lân cận. Trong công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, thị trấn tiếp tục đầu tư mở rộng sân vận động, xây dựng công viên vui chơi giải trí. Đặc biệt, để thực hiện các định hướng trên thì việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh luôn được chú trọng với mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu khả năng quản lý, điều hành của chính quyền giữa đô thị và nông thôn. “Việc thành lập thị trấn Phước Cát là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phù hợp với quy luật phát triển; tạo điều kiện khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế sẵn có, thu hút đầu tư phát triển; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và của cấp ủy, chính quyền cơ sở” - ông Hùng khẳng định.
 
ÐÔNG ANH