D'Ran hoài cổ

09:06, 07/06/2018

Thị trấn D'Ran (Ðơn Dương) với những chuyến xe thổ mộ đã không còn, lối xưa xe ngựa đã biến mất, nhưng may thay người dân ở đây vẫn còn những vườn hồng "thu thảo". 

Thị trấn D’Ran (Ðơn Dương) với những chuyến xe thổ mộ đã không còn, lối xưa xe ngựa đã biến mất, nhưng may thay người dân ở đây vẫn còn những vườn hồng “thu thảo”. 
 
Hàm thiếc ngựa được những người làm nghề chạy xe ngựa một thời ở D’Ran lưu giữ. Ảnh: Đ.T
Hàm thiếc ngựa được những người làm nghề chạy xe ngựa một thời ở D’Ran lưu giữ. Ảnh: Đ.T

Buổi sáng, tôi cố gắng đến D’Ran thật sớm, sớm đến mức những giọt sương vẫn chưa bị ánh mặt trời thiêu đốt. Những con người thân thương ở D’Ran chào đón vị khách bằng lời chào: Hỏi ngựa à?. Thổ mộ à?.
 
Vâng. Thế thì phải gặp “Minh bò”. Sao hỏi ngựa lại phải gặp “Minh bò” hả mấy bác. Đơn giản vì trước thì ông chuyên về ngựa, giờ hết ngựa thì chuyển sang bò. 
 
Gặp ông, một người đàn ông ngoại ngũ tuần, vạm vỡ, khỏe khoắn. Ông là Võ Đức Minh, người được xem là am hiểu về ngựa và xe ngựa của thị trấn thương mến này. Lần giở trong ký ức của mình, ông Minh kể: Trước đây, khi đường sá còn khó khăn, phương tiện giao thông chưa hiện đại như bây giờ thì người dân ở vùng này phải dùng đến ngựa. Có trên 30 người làm nghề chạy xe ngựa, những chuyến xe ngựa xuất phát lúc mờ sáng, tiếng lộc cộc của vó ngựa nện trên đường báo hiệu một ngày mới ở D’Ran. Thường thì người dân ở vùng D’Ran bắt xe ngựa để đưa nông sản lên Thạnh Mỹ để mua bán, trao đổi, xong xuôi họ lại mua nhu yếu phẩm cần dùng hằng ngày cho gia đình.
 
Giờ thì thị trấn D’Ran không còn ngựa nữa. Những chiếc xe thổ mộ, xe ngựa chở khách ngày xưa cũng không còn. Thời trai trẻ, ông Minh từng là một người đánh xe ngựa nổi tiếng ở xứ này, rồi những cuộc đua ngựa tự tổ chức giữa những chàng “cao bồi miền D’Ran” làm người đàn ông này không khỏi khắc khoải, nhớ nhung. Giờ đây ông không còn giữ lại được báu vật nào của những tháng ngày rong ruổi trên mình ngựa nhưng tâm trí lúc nào cũng miên man các câu chuyện về loài vật này khi có người hỏi tới. Một phút trầm ngâm rồi chặc lưỡi: Thời thế mà, thời của những “con ngựa” chạy bằng xăng và diesel. 
 
Bỗng dưng nhớ lại chuyện cũ. Ông nhấc điện thoại gọi cho một người đồng nghiệp một thời của mình, ông Võ Hữu Hùng. Bên kia đường dây, giọng một người đàn ông: Gì chứ bàn về ngựa thì đến ngay.
 
Nhưng câu chuyện của những người đàn ông một thời rong ruổi theo vó ngựa trên những triền cỏ non D’Ran vẫn rôm rả như ngày nào. Chỉ có điều, bắt đầu mỗi câu chuyện luôn bằng từ: Hồi đó. Hai từ này được hai người đàn ông dùng như để tiếc nuối một thời quá khứ, tiếc nuối một thời trai trẻ. 
 
Hồi đó, cả ngựa và xe chừng một cây vàng. Hồi đó, mờ sáng là từng đoàn ngựa kéo nhau đi. Hồi đó người dân nghe tiếng lộc cộc trên đường là biết trời sáng. Hai người đàn ông vẫn mơ tưởng về một thời “lối xưa xe ngựa”. Kỷ vật còn lại của ông Hùng chính là những chiếc hàm thiếc của ngựa. Khoảng năm 1990 mỗi chiếc hàm thiếc ngựa được đặt hàng ở TP Hồ Chí Minh có giá lên đến 300 đến 400 nghìn đồng. Chỉ những chủ ngựa có điều kiện mới “tậu” cho ngựa quý của mình hàm thiếc làm bằng thép không gỉ (inox), số còn lại bằng thép thường do người địa phương làm là chính. 
 
Nuối tiếc duy nhất của hai người đàn ông một thời với ngựa chính là mai này D’Ran phát triển du lịch thì tìm đâu ra ngựa nữa, rồi những chiếc xe thổ mộ chở khách đi trong sương sớm D’Ran. Nghe hai ông nói chuyện, vừa rồi có người ở Đắk Lắk sang tìm hai ông để nhờ giúp mua ngựa và huấn luyện ngựa cho họ, nghe bảo là làm du lịch sinh thái gì đó. Đến đây, hai người mới thấm thía câu chuyện, rồi biết sao sau này, gần đây thôi D’Ran cũng sẽ có những chuyến xe ngựa men theo vườn hồng như đi vào “lối xưa thu thảo”...
 
Nói đến hồng, một loài cây đặc trưng và có “thương hiệu” của D’Ran. Theo báo cáo của UBND thị trấn D’Ran thì trong năm 2017, hồng ở D’Ran còn khoảng 997 ha, giảm 15 ha so với năm 2016, lý do cây hồng bị giảm diện tích chính là người dân đang chuyển đổi sang các loại cây ngắn ngày. 
 
Tôi đến D’Ran không trùng vào mùa hồng trĩu quả, nhưng phần nào cảm nhận được sự hiện diện của loài cây này trong đời sống của người dân. Phải khẳng định rằng đa số nhà dân nào ở D’Ran cũng có hồng, không vườn lớn, vườn nhỏ thì cũng một vài cây ở trong khoảng sân của mình. Người dân ở đây xem hồng không chỉ là một loài cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế mà tựa hồ như biểu tượng, tương tự như nhắc đến Đà Lạt thì xứ sở của thông reo vi vu, nhắc đến D’Ran thì nhắc đến những mùa hồng thơm thảo vậy. 
 
Ông Nguyễn Đây, sinh năm 1954, quê gốc ở Bình Thuận, sống ở mảnh đất D’Ran này cũng ngót nghét mấy mươi năm, nay con cháu đã đề huề. Vườn hồng của ông có diện tích 5 sào, khoảng 150 gốc. Bệnh tật đã làm ông không còn được nhanh nhẹn như xưa, giờ đây thời gian rảnh rỗi, ông đều ngồi bên những gốc hồng như người bạn tâm tình, để nghe tiếng xào xạc của lá, dư hương của những mùa hồng ngon ngọt. Điều làm ông trăn trở chính là cho dù giá cả thế nào thì cũng phải giữ lại những vườn hồng để mà còn chút gì để nhớ.
 
Rồi một ngày... D’Ran sẽ được nhiều người biết đến hơn với thị trấn của “lối xưa xe ngựa” men theo những vườn hồng trĩu quả.
 
ÐỨC TÚ