Giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học

08:06, 11/06/2018

Bảo vệ môi trường ngày càng được các quốc gia đặc biệt quan tâm vì có tác động rất lớn đến đời sống con người. Ðể giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng, trong đó vai trò giáo dục BVMT trong nhà trường hết sức quan trọng. 

Bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng được các quốc gia đặc biệt quan tâm vì có tác động rất lớn đến đời sống con người. Ðể giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng, trong đó vai trò giáo dục BVMT trong nhà trường hết sức quan trọng. 
 
Học sinh chung tay tham gia thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Ð.Phan
Học sinh chung tay tham gia thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Ð.Phan

Từ chủ trương của Ðảng, Nhà nước
 
Ở Việt Nam, cách đây đúng 20 năm, ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước”. Chỉ thị nêu rõ: “BVMT là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới”. Chỉ thị đã đưa ra 8 giải pháp lớn về BVMT, trong đó giải pháp đầu tiên là: “Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”. Và, “Đưa các nội dung BVMT vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Cùng với Luật Giáo dục, thực hiện Chỉ thị này, ngay sau đó 4 tháng, ngày 2/10, Bộ GD&ĐT cũng đã có Quyết định số 3288/QĐ-BGD&ĐT ban hành các văn bản về chính sách và chiến lược giáo dục môi trường trong nhà trường phổ thông Việt Nam cùng một số văn bản hướng dẫn. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục môi trường ở các trường phổ thông và trường sư phạm. Và năm 2001, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10 đã phê duyệt đề án “Đưa nội dung giáo dục BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Và ngày 2/12/2003, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và giải pháp đầu tiên được là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT”… Ở diện rộng và gần đây nhất là Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT...
 
Ðến cụ thể hóa trong ngành giáo dục
 
Vậy cụ thể hóa về giáo dục BVMT là gì? Theo Dự án VIE/95/041 năm 1996, “Giáo dục BVMT là một quá trình thường xuyên qua đó con người nhận thức được môi trường của họ và thu được kiến thức, giá trị, kỹ năng, kinh nghiệm cùng quyết tâm hành động giúp họ giải quyết các vấn đề môi trường hiện tại và tương lai, để đáp ứng các yêu cầu của thế hệ hiện nay mà không vi phạm khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai”. Nghĩa là thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy, nhà trường giúp người học hiểu biết về giá trị, có thái độ, hành vi, kỹ năng, trách nhiệm để tham gia hiệu quả trong phòng ngừa và giải quyết môi trường và quản lý chất lượng môi trường. Và vì vậy, giáo dục BVMT không là bộ phận riêng biệt mà là được tích hợp, lồng ghép vào ở tất cả các môn học tùy theo đặc thù liên hệ của từng môn học, từng chương trình và từng đối tượng cụ thể. Hơn thế, nó không chỉ dừng lại ở kiến thức môi trường mà người học được lĩnh hội cả những tri thức nhân văn về môi trường. 
 
Năm 2018, ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký Văn bản số 1803/BGDĐT-KHCNMT “Về việc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch BVMT năm 2019” gửi các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ cùng các sở GD&ĐT. Văn bản này yêu cầu các nội dung như: Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh phí sự nghiệp BVMT năm 2017 và năm 2018; Đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường năm 2017, ước thực hiện năm 2018. Theo đó, cụ thể là đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng tài liệu phục vụ giáo dục BVMT; Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh, học viên về phương pháp tích hợp các nội dung BVMT vào chương trình các cấp học và các trình độ đào tạo (số lượng giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, học viên được tập huấn ở địa phương, các cơ sở giáo dục, số lượng tài liệu được cung cấp, số lượng các trường triển khai nội dung giáo dục BVMT); Hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT, phát triển xanh và phát triển bền vững (hội thảo, cuộc thi, chiến dịch tuyên truyền...), các hoạt động xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đa dạng sinh học quốc tế, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Ngày Đất ngập nước... Đó còn là đánh giá tác động, đóng góp của việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục BVMT cho sự nghiệp BVMT và phát triển GD&ĐT của đơn vị và của ngành… 
 
Và ở Lâm Ðồng 
 
Ở tỉnh Lâm Đồng, trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT, Phó Giám đốc Trần Đức Lợi ngày 8/6 cho biết về một số nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục môi trường năm học 2018-2019. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục BVMT, gắn việc giáo dục BVMT với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhà trường, đồng thời gắn việc giáo dục môi trường với việc xây dựng được hệ thống các trường xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng các trường chuẩn quốc gia, gắn với các hoạt động thông tin, tuyên truyền đa dạng và phong phú, từng bước nâng cao nhận thức giáo dục về BVMT trong trường học nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung… Tiếp tục hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên về giáo dục môi trường nhằm nâng cao khả năng tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường trong các giờ học chính khóa, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông về các phương pháp tích hợp/lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào các môn liên quan trực tiếp đến môi trường... Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Đoàn - Đội tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và sinh động nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường... Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hình thành cho các em những thói quen tốt, những kỹ năng sống liên quan đến BVMT. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về giáo dục môi trường… 
 
ÐẠO PHAN