Bản lĩnh nghề nghiệp của nhà báo luôn là vấn đề cần thiết được đặt ra ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời điểm nào, chẳng riêng gì ở nước ta trong thời cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cơ chế thị trường lại đặt cho các nhà báo những thử thách nghiệt ngã. Muốn tồn tại trước vòng xoáy khốc liệt đó, nhà báo cần có bản lĩnh.
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng Báo Lâm Đồng nhân ngày 21/6. Ảnh: V.Báu |
Thật vậy, khi chọn nghề báo có nghĩa là dấn thân vào một nghề có tính chất đặc thù, một nghề được tiếp nhận những quyền lực to lớn của xã hội: quyền được cung cấp thông tin, quyền phủ nhận thông tin, quyền chỉ nói sự thật. Nếu nhà báo không có bản lĩnh nghề nghiệp thì ngòi bút trong tay anh có thể bị “bẻ cong”!. Bản lĩnh nhà báo chính là khuôn thước bảo đảm cho báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam (3/1995) nêu ra khái niệm “bản lĩnh nhà báo” trong thời kỳ đổi mới: “Nhà báo có bản lĩnh trước hết phải là người vững vàng và nhạy cảm về chính trị, tuyệt đối trung thành và kiên định với đường lối cách mạng mà Đảng và Bác Hồ vạch ra; dũng cảm trong đấu tranh giữa cái cũ và cái mới; nhiệt liệt ủng hộ những điển hình tốt; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực cản trở công cuộc đổi mới đất nước; thành thạo nghiệp vụ; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng; không vụ lợi, không dùng uy tín để trục lợi”. Tuy nhiên, khái niệm “bản lĩnh nhà báo” cần được hiểu một cách linh hoạt và thực tế về ý nghĩa của nó. Trong thời chiến, nhà báo được đánh giá có “bản lĩnh” là phải dám xả thân trong gian khổ, hy sinh để lấy tin tức. Thời kinh tế bao cấp, mọi thứ dường như được phân phối bình quân trong toàn xã hội. Theo đó, báo chí cũng thường được thông tin xuôi chiều, nhà báo có bản lĩnh chính là người dám xông xáo để phát hiện cái mới đưa những thông tin đích thực về sự “manh nha” của xu thế tích cực, có thể còn “xa lạ” với cuộc sống hiện tại, nhưng đã giúp Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh những chính sách cho phù hợp. Trong cơ chế thị trường, nhất là giai đoạn hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tin học, tiếp cận thông tin nhanh, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, thậm chí mọi hiện tượng tốt, xấu, thật, giả lẫn lộn. Chính vì vậy, đòi hỏi nhà báo có bản lĩnh nghề nghiệp cao để vượt qua thách thức. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất trí tuệ và phẩm chất tư cách đạo đức nghề nghiệp. Trí tuệ sẽ “mở đường”, đảm bảo cho nhà báo đủ sức nghiên cứu, khám phá và thẩm định những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội, phản ánh và hướng dẫn dư luận một cách đúng đắn. Còn phẩm chất tư cách đạo đức, cái gốc của con người sẽ đảm bảo cho nhà báo nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm xã hội của mình; xác định được lập trường chính trị đúng đắn cùng thái độ và tình yêu với Tổ quốc và nhân dân, không bị lung lạc trước những cám dỗ đời thường; là sự biểu hiện cái tâm trong sáng của người làm báo cách mạng. Đó chính là động lực giúp nhà báo vượt qua những khó khăn của bản thân, của gia đình và xã hội để làm tốt công việc của mình.