Báo chí và sứ mệnh trong dòng chảy cuộc sống

09:06, 21/06/2018

Báo chí Cách mạng Việt Nam ngay từ khi ra đời đã được lịch sử ấn định và giao phó cho một sứ mệnh đặc biệt, dùng tiếng nói của mình đem lại lẽ phải, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội. 

Báo chí Cách mạng Việt Nam ngay từ khi ra đời đã được lịch sử ấn định và giao phó cho một sứ mệnh đặc biệt, dùng tiếng nói của mình đem lại lẽ phải, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội. 
 
Nhóm tác giả, tác giả đoạt giải nhì Giải báo chí Lâm Đồng. Ảnh: V.Báu
Nhóm tác giả, tác giả đoạt giải nhì Giải báo chí Lâm Đồng. Ảnh: V.Báu

Không nằm ngoài dòng chảy thời đại ấy, báo chí Lâm Đồng đã kế thừa truyền thống của báo chí Cách mạng Việt Nam, vượt qua nhiều gian khó đã có nhiều đóng góp đáng tự hào vào sự nghiệp phát triển của địa phương, giúp Lâm Đồng từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển thành một tỉnh phát triển của khu vực. Tuy nhiên, trước sự thay đổi không ngừng của cuộc sống, thời đại công nghệ bùng nổ thông tin, khoảng cách được nối gần lại trong một thế giới phẳng, cũng đã đặt ra cho báo chí Lâm Đồng những thử thách không hề đơn giản. Tự làm mới mình nhưng không thay đổi bản chất, hòa nhập mà không hòa tan, hơn lúc nào hết, trách nhiệm, bản lĩnh, sự kiên định và đạo đức của mỗi người cầm bút lại càng phải được thể hiện rõ hơn trong tình hình mới hiện nay.
 
Đánh giá và ghi nhận công lao của báo chí Lâm Đồng trong suốt chiều dài 43 năm kế thừa truyền thống báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Báo chí Lâm Đồng đã có sự lớn mạnh toàn diện và phát triển đúng định hướng, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương. Sự phát triển của Lâm Đồng, từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển đến một tỉnh khá ở khu vực Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân bằng với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung của cả nước và Tây Nguyên, có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ những người làm báo tại địa phương”.
 
Nói tới sự ghi nhận ấy, để thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của báo chí Lâm Đồng trong đời sống xã hội tại địa phương. Mục đích tôn chỉ cuối cùng của báo chí không gì khác, chính là góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng quê hương, đất nước và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Báo chí Lâm Đồng cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. 
 
Sự phát triển không ngừng của cuộc sống đã giúp cho báo chí Lâm Đồng có sự trưởng thành vượt bậc qua từng giai đoạn lịch sử. Nhưng dù trải qua nhiều thay đổi, báo chí Lâm Đồng vẫn ghi dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm bởi nói được hai tiếng “lòng dân”.
 
Vị thế của Lâm Đồng ở khu vực hay rộng hơn là phạm vi cả nước được nâng cao chính là sự thay đổi không ngừng và thích nghi theo chiều hướng tích cực của đội ngũ những người làm báo trong suốt thời gian dài và trải qua rất nhiều thế hệ. Sự thay đổi đó, không đơn thuần từ chính những người làm báo mà còn ở chính các cơ quan quản lý báo chí, quản lý hành chính.
 
Ông Lê Thanh Liêm - Phó GĐ Sở TT&TT Lâm Đồng cho biết: “Trong thời gian gần đây, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh luôn được đặc biệt quan tâm. Qua đó, thông tin đầy đủ, trả lời kịp thời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài tỉnh, trung ương và địa phương đối với những vấn đề dư luận quan tâm, cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch hóa thông tin, theo đó đáp ứng tốt công tác định hướng tuyên truyền cũng như nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân. Thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí cũng là cơ hội để quảng bá thông tin, hình ảnh con người, văn hóa môi trường của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với những thông tin không đúng sự thật về địa phương. Đồng thời, đây cũng là công tác đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, chống phá các thế lực thù địch, cơ hội đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ”.
 
Luôn luôn thay đổi, làm mới mình, học hỏi để không bị tụt hậu là phương châm của báo chí Lâm Đồng. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ những người làm báo lão thành, giàu kinh nghiệm đến lớp trẻ nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng. 
 
Trong đội ngũ những người làm báo Lâm Đồng không khó để chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều trong số đó là những nhà báo có tâm và có tầm, tròn vẹn đức, tài để thực hiện tốt công việc của mình.
 
Báo chí trong tình hình mới luôn cần những con người như vậy. Không chỉ có tầm để khẳng định giá trị bản thân, khẳng định thương hiệu cho một tờ báo, để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức thông tin của độc giả. Ngoài ra, còn phải đủ tâm, đủ bản lĩnh chính trị, giàu ý tưởng, tâm huyết, sự tận tụy để có thể thực hiện tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội, hướng tới những điều tốt đẹp nhất.
 
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Uông Thái Biểu - Trưởng Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Tây Nguyên cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, mỗi phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí đều phải nhận thức sâu sắc về định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, chủ trương xuất bản của tờ báo. Đặc biệt đối với những người làm báo Đảng càng phải ý thức, trách nhiệm mình là cơ quan tham mưu thông tin cho Đảng và Nhà nước; đồng thời, đáp ứng nhu cầu cao về nguồn thông tin của quần chúng nhân dân, trong đó có đông đảo cán bộ, đảng viên. Cũng từ đó, mỗi người làm báo đều mang tinh thần trách nhiệm cao trong việc xác lập bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp và động cơ hành nghề”.
 
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Mậu Siệc - Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo Lâm Đồng thẳng thắn khẳng định: “Báo chí cần cung cấp thông tin có tính định hướng cao, đó chính là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đừng bao giờ để dư luận bị mất phương hướng hoặc làm mất phương hướng của dư luận. Trong quá trình định hướng dư luận, báo chí cần đặc biệt chú trọng về chính trị, bởi vì trong bản chất của mình, định hướng chính trị là định hướng cơ bản nhất của báo chí cách mạng. Báo chí cần góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
 
Báo chí trong tình hình mới, hay cụ thể hơn là trong giai đoạn hiện nay đã và đang tự đặt cho mình những thách thức để thay đổi và vượt qua. Sự phát triển vượt bậc của Lâm Đồng trong những năm vừa qua đã có đóng góp và ghi nhận với dấu ấn đáng tự hào của đội ngũ những người làm báo. Dù ở trong giai đoạn phát triển nào, báo chí Lâm Đồng cũng luôn là chiếc cầu nối vững chắc để hướng tới sự đồng thuận “ý Đảng - lòng Dân”, xây dựng một xã hội đầy trong sạch và cuộc sống tươi sáng cho mảnh đất Nam Tây Nguyên.

Ðồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng:
 
Trong điều kiện bùng nổ thông tin, đặc biệt là các trang mạng xã hội với nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, báo chí cách mạng cần khẳng định vị trí quan trọng và chuẩn mực thông tin. Không đưa tin sai sự thật, quá sự thật, giật gân, câu khách. Người làm báo phải bám sát tôn chỉ, mục đích, tôi luyện phẩm chất “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; luôn phát huy tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung. Các cơ quan thông tấn báo chí và những người làm báo cần phải làm tốt nhiệm vụ chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Ðồng chí Trần Văn Hiệp - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
 
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, trong bối cảnh thế giới, đất nước và địa phương Lâm Đồng có những biến động, thay đổi đáng kể, thời cơ - thuận lợi và khó khăn - thách thức đan xen, nhưng nhìn chung các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo tôn chỉ, mục đích, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Đội ngũ những người làm báo đã không ngừng tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; hầu hết các tin, bài đã phản ánh kịp thời, khách quan, chính xác các sự kiện chính trị, kết quả trên các mặt trận của địa phương. Ngoài ra, báo chí đã làm tốt vai trò giám sát và phản biện, qua đó kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, góp phần tạo dựng sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn có một thực tế dễ nhận thấy đó là, nhận thức và sự nhạy bén chính trị của một số phóng viên, nhà báo còn hạn chế; một số cơ quan báo chí khi đưa tin, bài chưa chính xác, chưa sâu, chạy theo dư luận, thiếu tính khách quan đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của địa phương, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của một số doanh nghiệp, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân. 
 
Nhà báo Uông Thái Biểu - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Tây Nguyên:
 
Lò lửa chống tham nhũng đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Cùng góp sức vào sự nghiệp chung, báo chí vẫn luôn đứng ở tuyến đầu, tích cực tuyên truyền, cổ vũ những phong trào thi đua yêu nước, những điển hình tiên tiến, những người tốt, việc tốt; đồng thời phát hiện, phanh phui nhiều vụ tham nhũng, ăn gian, nói dối và thói hư tật xấu trong xã hội.
 
Rất nhiều vụ việc tiêu cực, từ dấu hiệu ban đầu do các cơ quan truyền thông công bố, cơ quan thực thi pháp luật đã vào cuộc điều tra làm rõ, đưa ra ánh sáng, quy kết tội trạng. Qua những nguồn thông tin khách quan, trung thực từ báo chí, các cấp lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng đã xử lý rốt ráo, đem lại lẽ phải và sự công bằng, đem lại những điều tốt đẹp, trong lành cho xã hội. 
 
Những đóng góp to lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, coi đó là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền, giám sát và phản biện hiệu quả nhất. Đáp lại sự tin cậy của Đảng và nhân dân, các cơ quan báo chí và những người làm báo cũng không ngừng nỗ lực để phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình. Để trở thành những cây bút có thẩm quyền, để có những tác phẩm báo chí mang lại giá trị và sự hấp dẫn đối với công chúng, cần đến một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người làm báo. Hành trang của nhà báo, trước hết phải là những người làm nghề có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm với dân tộc và nhân dân, có vốn tri thức và sự trải nghiệm cuộc sống phong phú, có kỹ năng tác nghiệp nhạy bén và tinh thông…

ÐẶNG TUẤN LINH