Ký sự "Vạn lý Trường Sa" (kỳ 1)

02:06, 18/06/2018

Gần 8g sáng ngày 25/4/2018, con Tàu KN 490 kéo 3 hồi còi, bắt đầu rẽ sóng rời Cảng Cam Ranh đưa đoàn Công tác số 10 chính thức bước vào cuộc hải trình "Vạn lý Trường Sa". 10g30 phút, dãy núi cuối cùng khuất đỉnh trong màu nước mênh mông. Biển tròn như chiếc đĩa thần khổng lồ trong chuyện cổ tích. 

[links()] Gần 8g sáng ngày 25/4/2018, con Tàu KN 490 kéo 3 hồi còi, bắt đầu rẽ sóng rời Cảng Cam Ranh đưa đoàn Công tác số 10 chính thức bước vào cuộc hải trình “Vạn lý Trường Sa”. 10g30 phút, dãy núi cuối cùng khuất đỉnh trong màu nước mênh mông. Biển tròn như chiếc đĩa thần khổng lồ trong chuyện cổ tích. 
 
Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lớn C chào đón đoàn công tác
Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lớn C chào đón đoàn công tác

Thăm đảo Đá lớn C
 
“Vạn lý Trường Sa” là tên gọi chung cho Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí thuộc khối tài liệu Mộc bản nhà Nguyễn, Triều vua Minh Mạng (đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới). Trước đó, từ thời nhà Lê, các hải đảo ngoài khơi phía đông của Việt Nam đã được gọi chung là “Đại Trường Sa đảo”. Đây là nguồn tư liệu rất quý giá, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. 
Sau một ngày rưỡi rẽ sóng biển khơi, 11g00 ngày hôm sau, Tàu KN 490 đưa đoàn công tác đến thăm đảo Đá Lớn C. Đảo gồm hai dãy nhà nối với nhau bằng một chiếc cầu bê tông. Nhìn từ xa, đảo như một con tàu lừng lững giữa mênh mông. 
 
Vài năm nay, với tinh thần “tất cả vì biển đảo thân yêu”, nhân dân, các tổ chức đoàn thể trong cả nước đã hỗ trợ đảo trùng tu cơ sở vật chất, đặc biệt là xây dựng các bể ngầm chứa nước mưa. Mới đây, đảo được trang bị hệ thống lọc nước biển, giúp CBCS trên đảo chủ động được nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng nhu cầu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, hệ thống năng lượng mặt trời, thông tin liên lạc, nhà văn hóa được đầu tư đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống tinh thần CBCS. Tình cảm đó đã giúp CBCS đảo Đá Lớn C càng vững niềm tin vào hậu phương, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. 
 
Người khóc, trời rơi lệ!
 
Tối ngày thứ hai, Tàu KN 490 tiếp tục cuộc hành trình xuyên đêm đến thăm đảo Len Đao. Đến 5 giờ sáng khi cách đảo Len Đao chừng 20 hải lý, tàu thả neo, tổ chức lễ Tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh khi Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma 30 năm trước. Đúng 6 giờ 30, đoàn công tác tập trung tại khu vực sân bay trên tàu. Trước giờ hành lễ, trời bỗng lắc rắc mưa. Lạ thay! Khi những giọt mưa chưa đủ làm ướt áo và khi Chuẩn Đô đốc Ngô Sĩ Quyết, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, Trưởng đoàn công tác số 10 bắt đầu đọc lời tưởng niệm thì trời quang mây tạnh. Nhiều người trong đoàn thì thầm “hồn thiêng các anh đã về!”. Tôi đã từng nghe chuyện về những hạt mưa bất chợt khi các đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm; và tôi cũng đã từng nghĩ rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chỉ có điều, sự trùng hợp ngẫu nhiên này xảy ra rất nhiều lần, với nhiều đoàn và bây giờ là đoàn chúng tôi. 
 
“Máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất Mẹ Việt Nam. Sự hy sinh của các anh đời đời các thế hệ người Việt Nam ghi lòng tạc dạ. Hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây, tại vùng biển này tưởng niệm các anh. Xin kính cẩn, nghiêng mình, gởi cùng khói hương bay theo gió, theo mây, hòa trong tiếng sóng mang đến các anh những tình cảm yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi. Xin các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi thề giữ đảo, giữ biển, giữ trời của chúng ta, để sự hy sinh của các anh không bao giờ vô nghĩa.”
 
Lời tưởng niệm của Chuẩn Đô đốc Ngô Sĩ Quyết hòa vào tiếng sóng trong không gian mênh mông trời biển, tôi nghe có tiếng sụt sùi, rồi nhiều người đã khóc, tôi cũng khóc. Bất chợt như văng vẳng đâu đây lời Thiếu úy Trần Văn Phương vọng về từ lòng đại dương sâu thẳm: "Anh em, thà hy sinh, quyết không để mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc".
 
Tôi đưa mắt nhìn ra xa về phía đảo Gạc Ma, một cụm công trình to, bề thế do Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng bất hợp pháp. Màu sơn trắng toát nổi lên trên mặt biển xanh rì như màu trắng khăn tang, màu hài cốt của 64 chiến sĩ công binh thuộc binh chủng Hải quân Việt Nam bị sát hại rạng sáng ngày 14/3/1988. 
 
Sau lễ tưởng niệm, cả ngàn cánh Hạc giấy do một thành viên trong đoàn công tác chuẩn bị từ nhiều đêm trước khi ra đảo được tung vào khoảng không mang theo thông điệp gởi người đã khuất: Phẩm chất cao quý, chí khí anh hùng của các anh đời đời bất diệt; nguyện cầu bình yên cho những người lính đảo đang ngày đêm đối mặt với gian lao, thử thách và hiểm nguy. 
 
Khu nhà đảo Đá Lớn C vừa được cải tạo nâng cấp
Khu nhà đảo Đá Lớn C vừa được cải tạo nâng cấp

Đảo Len Đao và câu chuyện 30 năm trước
 
Sau lễ tưởng niệm, đúng 7 giờ 30 phút chúng tôi lần lượt xuống xuồng lên đảo Len Đao, nơi ghi dấu về biệt đội cảm tử của 42 chiến sĩ công binh 30 năm trước. Ít ai biết rằng, trong gói hành trang mà 42 người lính trẻ mang theo riêng mình khi thi hành mật lệnh ra bãi Len Đao có một bao tử thi và một thẻ bài. Họ sẵn sàng chết để đảo sống cùng Tổ quốc. 42 con người không hề run sợ, chùn bước trước hiểm nguy; 42 con người vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, dầm mình suốt 7 ngày 7 đêm dưới biển mặn, xây dựng “thần tốc” khu nhà đầu tiên trên đảo Len Đao, một công việc nặng nề mà khi thao dược trên bờ, dù cố gắng đến mấy cũng phải mất thời gian không dưới 15 ngày. Sức lực phi thường đó được hun đúc từ ý chí, quyết tâm khẳng định chủ quyền, bảo vệ thành quả của cha ông qua bao đời tạo dựng! 
 
Hai khu nhà của đảo Len Đao nằm trên bãi san hô, được thiết kế nối với nhau bằng chiếc cầu bắc qua con nước cạn. Trong màu nước trong vắt, chúng tôi nhìn thấy rõ luồng san hô màu trắng sẫm xếp thành hình bản đồ Việt Nam như một khẳng định chủ quyền được định sẵn bởi đất trời. Đảo Len Đao hiện đã được trùng tu, sửa chữa kiên cố, đủ sức chống chọi mọi bão giông khắc nghiệt. Thủ đô Hà Nội cũng vừa hoàn thành việc nâng cấp khối nhà chính làm nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cho cán bộ chiến sĩ. Một bể ngầm lớn chứa nước mưa cũng được xây dựng không những đủ cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên đảo, mà còn hỗ trợ cho ngư dân trên biển khi cần. Nơi đây, cũng được Tập đoàn Điện lực đầu tư lắp đặt pin mặt trời và năng lượng gió, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ chiến sĩ. Đảo đã có trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam, giúp CBCS nắm bắt thông tin thời sự, dự báo thời tiết; thưởng thức các chương trình về văn hóa, văn nghệ. Khuôn viên đảo Len Đao không rộng, các chiến sĩ tận dụng từng chút không gian để trồng rau, trồng hoa, nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc. 
 
Đại úy Đinh Văn Thao, 47 tuổi, người quê Nam Định, là một trong số ít chiến sĩ có thời gian 10 năm sống cùng với đảo, từ đảo Đá Đông, qua Nam Yết đến Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông và giờ là đảo Len Đao. Khi hỏi về những tàu lạ xâm phạm vùng biển đảo, anh chỉ cười không nói. Nhưng chúng tôi hiểu rằng biển không bao giờ thôi sóng. 
 
Chia tay Len Đao giữa buổi trưa thừa nắng, tôi bước vội xuống xuồng rồi quay người nhìn về phía đảo. Chiếc xuồng chồm lên, lượn cong tránh sóng, một vệt trắng dài vẽ lên mặt biển xanh rì hình chữ S.
 
(còn tiếp)
 
VĂN TÒA