Ký sự "Vạn lý Trường Sa" (kỳ 2)

02:06, 19/06/2018

14 giờ chiều ngày thứ 3 ra đảo, Tàu KN 490 cập bờ đảo Sinh Tồn Đông, một thôn của xã đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía bắc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 300km.

[links()]
Từ chuyện cái doi cát di động đến đảo “Nàng Tiên”, Núi Le A
 
Đảo Sinh Tồn Đông và chuyện cái doi cát di động
 
14 giờ chiều ngày thứ 3 ra đảo, Tàu KN 490 cập bờ đảo Sinh Tồn Đông, một thôn của xã đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía bắc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 300km. Là đảo nổi nên Sinh Tồn Đông rộng, được hình thành từ những bãi cát bồi. Từ vị trí Tàu KN 490 nhìn vào (khoảng 800 mét) Sinh Tồn Đông nổi rõ những màu xanh bên những mãng tường vàng của các dãy nhà lớn. Đặc biệt, phía bên phải nhìn từ cổng chính, một bãi bồi cát trắng rất rộng nối liền bờ vươn dài ra biển. Những người lính đảo cho biết đó là bãi cát được hình thành một cách tự nhiên. Trước đây, bãi bồi này còn nhỏ hẹp, mỗi năm biển lại “thương” đưa cát về bồi đắp, cứ như thế sau nhiều năm nó rộng lớn như bây giờ. Có điều, bãi cát bồi này không chịu đứng yên, nó dịch chuyển vị trí theo mùa và theo năm, tùy theo dòng chảy ngầm của biển. Trung úy Nguyễn Văn Hóa 38 tuổi, quê ở Ba Đồn Quảng Bình cho biết: “Nó dịch chuyển phía nào cũng được, miễn sao mỗi năm nó mỗi phình to ra, nối liền với đảo là được”.  Một chiến sĩ khác phụ họa: “TQ chiếm đảo của mình, dùng phương tiện hiện đại, nghiền nát sự sống của san hô để dựng đảo, cả thế giới phẫn nộ; mình trời thương, trời cho, tự nhiên thành…”. Vui vì “trời thương” nhưng cũng như các đảo nổi, đảo chìm khác, đảo Sinh Tồn Đông cũng chịu nhiều khắc nghiệt thừa nắng, dư mưa. Mặt khác, do đảo nằm trên nền cát có quá nhiều san hô vụn, nên việc trồng rau rất khó khăn; đất trồng rau phải chở từ đất liền. Nước ngọt, dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng nếu sử dụng cho việc chăm sóc cây trồng và chăn nuôi thì vẫn phải thực hành tiết kiệm tối đa. Tuy vậy, nhờ có sự quan tâm của đất liền và với tinh thần vượt khó sáng tạo, nên trong từng bữa ăn của CBCS trên đảo vẫn có đủ có canh rau, các loại thực phẩm khác như thịt cá. Khu vực chăn nuôi không bao giờ thiếu đàn gà, vịt, ngan, ngỗng và heo”.
 
Cột mốc chủ quyền Sinh Tồn Đông
Cột mốc chủ quyền Sinh Tồn Đông

Với ý chí “ Vượt nắng, thắng bão giông” những người lính đảo đã quyết tâm xây dựng cảnh quan, môi trường đảo đạt chuẩn “xanh – sạch – đẹp”.  Chỉ ít năm nữa thôi, toàn đảo Sinh Tồn Đông sẽ được bao phủ một màu xanh. Tôi bỗng nhớ câu: Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, với đảo dù không phải là rừng nhưng chí ít màu xanh tự tạo ấy cũng sẽ làm cho những người lính đảo ít đẫm mồ hôi lúc nắng thừa; đỡ hiểm nguy khi sóng vùi, bão dập. Hiện nay, đảo Sinh Tồn Đông đã có điện gió và pin mặt trời, trạm thu phát vệ tinh; có tivi, loa đài, nhiều đoàn công tác ra thăm đảo cũng đã tặng đầu thu kỹ thuật số, từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ biết được thông tin từ đất liền, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giúp cán bộ trên đảo vững ý chí, chắc tay súng bảo vệ biển đảo, một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ Quốc. 
 
Chuần Đô đốc Ngô Sĩ Quyết và các thành viên trong đoàn công tác thắp hương trên phần mộ liệt sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông
Chuẩn Đô đốc Ngô Sĩ Quyết và các thành viên trong đoàn công tác thắp hương trên phần mộ liệt sĩ
trên đảo Sinh Tồn Đông

Đảo “Nàng tiên”, nơi bình minh đến sớm
 
Đảo Tiên Nữ, tôi gọi đó là đảo “Nàng Tiên”. Truyền thuyết kể rằng: “Khi xưa biển Đông quanh năm nổi sóng gió. Trời thương những con tàu bé nhỏ ra khơi trong vô vọng nên sai một nàng tiên bay đến giữa biển. Có nàng tiên, giông gió cũng thôi thét gào, trời biển hiền hòa hơn. Nơi nàng tiên bay xuống, hình thành một bãi cạn, người ta gọi là bãi Tiên Nữ”.
 
Dẫu là truyền thuyết nhưng có một sự thật: Đảo tuyệt đẹp, duyên dáng giữa biển trời bao la. 6g00 sáng ngày thứ tư, tàu KN 490 thả neo cách đảo Tiên Nữ gần 1,5 km. Dù sau 3 ngày mệt nhoài bởi các hoạt động dày đặc của Đoàn công tác, nhưng các thành viên trong đoàn ai nấy đều rất hồ hởi khi nhìn thấy đảo “Nàng Tiên” từ xa. Đây là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trong cả nước (sớm hơn đất liền gần một tiếng đồng hồ) nên mới 6 giờ sáng, mặt trời đã lên rất cao, chói chang nắng. Lúc này, biển phẳng như tấm gương, nắng rọi xuống biển, biển phản chiếu đưa hơi nóng hầm hập lên tàu. 
 
Đảo Tiên Nữ là đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, nằm ở cực Đông của đất nước, cách đất liền 374 hải lý (khoảng 740 km). Đảo nằm trên bãi san hô rất rộng, nước trong veo, chúng tôi được chiêm ngưỡng những rạn san hô tuyệt đẹp với đủ màu sắc, hình dáng. Cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, đảo Tiên Nữ có thời tiết như Đà Lạt, Lâm Đồng và Nam bộ với 2 mùa mưa nắng; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4… Nhìn từ xa, đảo như một con tàu đang neo đậu giữa biển khơi, đẹp đến lạ kỳ. Bởi vậy mà đảo Tiên Nữ đã tạo cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, nhà báo trong đoàn. Những năm trước đây, CBCS trên đảo gặp không ít khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, thiếu rau, thiếu nước ngọt, thiếu cả thông tin. Vài năm nay, đời sống anh em trên đảo đã được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng hầm chứa nước mưa rất lớn, đảm bảo dự trữ đủ nguồn nước cho sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Đảo đã có Trung tâm sinh hoạt văn hóa rộng rãi, khang trang, các điều kiện ăn ở, phục vụ đời sống hàng ngày được đầu tư trang bị chu toàn. Vườn rau xanh trên đảo rộng, trồng đủ loại như mồng tơi, cải, dền, rau rừng, lá lốp, ớt, sả, lá mơ, …Có thể nói, đây là vườn rau tươi tốt nhất so với các đảo chìm khác. Nhờ có năng lượng gió, năng lượng mặt trời lắp đặt quanh đảo nên đảo không còn thiếu điện. Dù không có cây xanh như đảo nổi nhưng đảo Tiên Nữ khá thoáng mát. Tuy nhiên, đây cũng là điểm bất lợi vào mùa mưa bão. Để khắc phục, CBCS trên đảo phải dùng bạc ni lông bao giữ các cánh cửa, phòng khi gió giật.
 
Doi cát di động trên đảo Sinh Tồn Đông
Doi cát di động trên đảo Sinh Tồn Đông

Đảo Núi Le A - Thềm san hô tận phía chân trời
 
Đảo Núi Le A là đảo chìm, cách đảo Tiên Nữ khoảng 60 km về phía Nam của huyện đảo Trường Sa. Điểm đặc biệt của Núi Le A là đảo được hình thành từ bãi ngầm san hô cực rộng. Từ hướng tàu thả neo nhìn vào đảo thấy rõ mặt đảo nhô lên rất dài, trông như chiếc lưỡi. Đoàn chúng tôi đến đảo lúc 13g30 chiều ngày thứ năm của đợt công tác, lúc này thủy triều xuống nên xuồng vào phải đi vòng qua con lạch rộng chừng 50 mét, ngăn cách giữa phần đảo chính với bãi cạn san hô xa tít tắp. Từ khu nhà chính của đảo phóng tầm nhìn về chía chân trời, một ụ cát trắng như bông hiện ra trên nền xanh thẳm. Các chiến sĩ trên đảo cho hay, đó là ụn cát san hô thuộc cụm Đảo Núi Le. Chỉ bằng mắt thường, chúng tôi cũng cảm nhận được sự mênh mông của thềm san hô. Nó to và rộng đến mức thừa khả năng để xây dựng một thành phố nguy nga giữa đại dương. Cán bộ, chiến sĩ ở đây cho biết, phía trong bãi san hô còn có hồ, diện tích rộng cả trăm km2. Những năm gần đây, đảo được cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng hỗ trợ đầu tư sửa chữa nâng cấp khu nhà ở và làm việc, nhất là đầu tư xây hầm chứa nước mưa nên đảo đã chủ động 100% lượng nước cho sinh hoạt và sản xuất. CBCS trên đảo đã tận dụng nhiều vị trí, nhiều loại dụng cụ để trồng rau xanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Cũng như các đảo chìm khác, những người lính đảo rất yêu hoa, hoa được trồng khắp nơi. Dưới cái nắng chang chang, từng bụi hoa giấy được trồng và chăm chút cẩn thận, khoe sắc hồng. Hiện nay, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le A nói riêng và cụm đảo Núi Le nói chung được cải thiện rất nhiều. Trên các điểm đảo được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới; kết nối tình thương yêu và niềm tin vững chắc giữa đất liền với biển đảo và giữa biển đảo với đất liền…
 
(còn nữa) 
 
VĂN TÒA