Sáng ngày thứ 5 chuyến hải trình "Vạn lý Trường Sa", Tàu KN 490 cập bờ đảo Thuyền Chài C, điểm đảo chìm trong cụm đảo Thuyền Chài. Cũng như các đảo chìm khác, đảo Thuyền Chài C được xây dựng 2 khu nhà theo hình 8 cạnh và được nối với nhau bằng một chiếc cầu bê tông vừa đủ 2 người.
[links()]
Kỷ vật thời gian và bãi bồi “Cát ngọc”
Đảo Thuyền Chài C và kỷ vật thời gian
Sáng ngày thứ 5 chuyến hải trình “Vạn lý Trường Sa”, Tàu KN 490 cập bờ đảo Thuyền Chài C, điểm đảo chìm trong cụm đảo Thuyền Chài. Cũng như các đảo chìm khác, đảo Thuyền Chài C được xây dựng 2 khu nhà theo hình 8 cạnh và được nối với nhau bằng một chiếc cầu bê tông vừa đủ 2 người. Ấn tượng đầu tiên của đảo là chiếc pông - tông rỉ sét chứng tích thời gian của thời chưa xây dựng đảo. Lúc bấy giờ, việc giữ đảo thực hiện cơ động bằng tàu neo đậu. Những người lính đảo thời ấy chịu bao nổi vất vả, khó khăn giữa thiên nhiên khắc nghiệt và sự dòm ngó của các thế lực lăm lăm chiếm đảo. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được/Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút/Đêm trong lều như trôi trong mây...
|
Bàn thờ trang nghiêm trên đảo Thuyền Chài C |
Những năm cuối thập niên 80 của Thế kỷ trước, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước khẳng định không thể giữ được đảo nếu chỉ có pông-tông và tàu. Phương án xây dựng đảo được quyết định và việc thi công được tiến hành khẩn trương. Sáng 5.3.1987, pông - tông số 01 chở lực lượng của Lữ đoàn 146 đã kéo lên bãi và treo cờ Tổ Quốc lên ca bin pông-tông, đồng thời tiến hành xây dựng đảo. Với tinh thần “thần tốc”, những người lính công binh Trung đoàn 83 đã đêm ngày bám biển, thi công không mệt mỏi, đến quý 2/1987 thì hoàn thành xây dựng khu nhà trên đảo. Chiếc pông-tông đã đi qua hơn 30 mùa giông bão; đã chứng kiến nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiếp nối nhau giữ biển, giữ trời. Pông-Tông dù đã hoen màu, nhưng lại là một chứng tích thời gian, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, bất khả xâm phạm.
Hai khu nhà làm việc trên đảo Thuyền Chài C có diện tích không rộng, điều kiện thiên nhiên ở đây khắc nghiệt hơn một số đảo chìm khác. Hai cây bàng vuông, loại cây chống chọi mọi nắng cháy bão giông được CBCS trồng để tạo bóng mát cũng không đủ sức bền. Trong “cái khó ló cái khôn”, CBCS Thuyền Chài C đã sử dụng mọi vật dụng có thể trồng được, tận dụng các bờ tường, bìa hè, lan can cầu thang, cửa sổ để trồng và đặt các chậu rau, hoa. Tinh thần vượt khó ấy không chỉ tạo được màu xanh quý hiếm mà còn cơ bản góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày của CBCS trên đảo. Trong khu nhà chính được xây dựng hơn 30 năm trước, một bàn thờ đơn sơ nhưng rất trang nghiêm được đặt bên cạnh bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, với dòng chữ: “sống chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ Vĩ đại”. Những người lính trên đảo Thuyền Chài C luôn đến đây tưởng niệm Bác, nguyện cầu vong linh của những đồng đội đã hy sinh, sắc son lời thề giữ đảo.
|
Chiếc pông-tông, chứng tích thời gian |
Đảo An Bang và bãi bồi “Cát ngọc”
Nằm cách đảo Thuyền Chài C chừng 20 hải lý về phía Tây Nam nên Tàu KN 490 không mất quá nhiều thời gian để đến đảo An Bang, nơi được coi là khắc nghiệt nhất so với các đảo nổi khác. Những đoàn công tác trước nói rằng: An Bang quanh năm sóng lớn, tàu thuyền rất khó cập bờ. Nhiều xuồng phải quay về tàu chờ khi sóng lặng mới lên được đảo, thậm chí có tàu đành phải quay đầu. Các thành viên trong đoàn công tác rất lo lắng, nhưng thật may mắn, chúng tôi không gặp khó khăn gì khi lên đảo.
An Bang là đảo nổi, cách đảo Trường Sa lớn chừng 75 hải lý về phía Đông Nam. Bờ đảo xung quanh An Bang được bao bọc bởi san hô và cát. Đặc biệt, phía bờ Nam đảo có bãi cát rộng, trắng tinh, nổi lên trên mặt biển xanh như ngọc, tôi gọi đó là “bãi cát ngọc”. Cũng giống như doi cát di động ở đảo nổi Sinh Tồn Đông, bãi “cát ngọc” An Bang thường thay đổi theo mùa. Từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, là thời gian bãi nhô lên khỏi mặt biển; từ tháng 8 trở đi, bãi cát lặng mình một thời gian dưới biển rồi sau đó nhô lên ở phía bờ Đông. Cứ như thế bãi cát ngọc di chuyển hàng năm, nhô lên ở nhiều vị trí khác nhau, tạo thành điểm khá đặc biệt trên An Bang đảo.
Đảo An Bang được coi là lá chắn vòng ngoài, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia phía Đông Nam Trường Sa. Đảo được đầu tư khá bải bản theo từng khu chức năng. Trên đảo còn có ngọn hải đăng, giúp tàu thuyền hoạt động định hướng và xác định vị trí, góp phần đảm bảo an toàn hàng hải. Dù thiên nhiên khắc nghiệt, nước ngọt còn phải tiết kiệm nhiều nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã trồng được nhiều cây xanh, giúp CBCS trên đảo đủ sức chống chọi với cái nắng như thiêu như đốt, che chắn gió mưa trong mùa Đông khắc nghiệt. Đây cũng là đảo thực hiện thường xuyên nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, nơi “đón tiếp” nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ đến thăm đảo. Trung úy Hà Huy Sơn, Quân y đảo An Bang cho biết: Hàng năm có ít nhất là 9, 10 lượt tàu cá ngư dân đến với đảo để được khám sức khỏe, cấp thuốc trị các bệnh thông thường, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh. Chính vì thế, việc tăng gia trồng rau xanh được cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang xác định không chỉ là để cải thiện mà còn là nhiệm vụ hỗ trợ cho các ngư dân. Tình quân dân cũng vì thế mà thêm khắng khít.
VĂN TÒA