Đảo Trường Sa Lớn nằm ở 80 38' 41" vĩ độ Bắc, 1110 55'12" kinh độ Đông. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định năm 2007 xác lập là thị trấn huyện lỵ Trường Sa.
[links()]
Thị trấn Trường Sa - mùa sau bão
Đảo Trường Sa Lớn nằm ở 80 38’41” vĩ độ Bắc, 1110 55’12” kinh độ Đông. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định năm 2007 xác lập là thị trấn huyện lỵ Trường Sa.
|
Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn |
Trường Sa Lớn còn được gọi là “Hòn đảo xanh”, thủ phủ của cây bàng vuông, phong ba, phi lao, cây tra, quanh năm tỏa bóng mát. Thế nhưng…
Ngày chúng tôi đến đảo, thật bất ngờ khi nhìn thấy những thân cây trụi cành như vừa trải qua cơn “bạo bệnh”…hậu quả của cơn bão xảy ra 4 tháng trước.
Theo lời kể của người dân trên đảo: Vài ngày trước khi cơn bão ập đến, tất cả CBCS và nhân dân trên đảo nhận được tin bão lớn sắp đi vào quần đảo Trường Sa. Công việc chống bão được khẩn trương thực hiện. Nhiều phương án được vạch ra; nhà cửa, các công trình trên đảo đều được khẩn trương giằng néo; các hầm trú bão được gia cố. Sáng 24/12/2017, trời bắt đầu vần vũ, chiều hôm đó mây đen kịt, sóng biển bắt đầu gào thét và tiếp đó là gió rít rất mạnh, đẩy sóng liên hồi ập xuống đảo. Người dân trên đảo nói rằng chưa từng thấy cơn bão nào khủng khiếp đến thế. Gió như muốn cuốn phăng mọi thứ; sóng như làm cho đảo chao nghiêng. Từng con sóng chồm lên cao, vượt qua khỏi bờ, đập thẳng vào đường băng sân bay cách bờ cả trăm thước, tràn vào các công trình dân sự. Toàn bộ hầm trú bão đều ngập nước, các cư dân trên đảo buộc phải trồi lên khỏi hầm, tìm nơi trú ẩn an toàn nhất có thể. Cả đảo tối đen như mực, tiếng ầm ầm của sóng dập, tiếng gãy đổ của cây cối, tiếng các vật dụng va chạm; tiếng gió rít, tiếng mưa, tiếng nước tràn hợp thành một mớ âm thanh đầy chết chóc. Anh Tô Hoài, cư dân trên đảo bàng hoàng kể lại: Lúc đó chúng tôi sợ không qua khỏi. Tôi nghĩ cột sóng đánh vào đảo có thể cao hơn chục mét, sức gió không thể dưới 100km/giờ và với sức giật ít nhất cũng ở cấp 14, 15. Anh cười rồi nói tiếp: Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt qua và còn ngồi đây để hầu chuyện các anh…”Theo thống kê, cơn bão số 16 gây hại trên 90% cây xanh trên đảo, bãi san hô phía bờ đảo bị sóng đánh vỡ và cuốn vào lòng biển; những ụ bê tông nặng hàng tấn giữ bờ đảo bị sóng đánh văng ngổn ngang, một số bị cuốn trôi; sập 3 nhà kính và một số ngôi nhà khác bị hư hỏng…Chỉ sau chưa đầy 4 tháng, CBCS và nhân dân trên đảo nhanh chóng khắc phục hậu quả, nhịp sống trở lại bình thường.
|
Cổng chính thị trấn Trường Sa đang trong giai đoạn hoàn thành |
Theo thông tin phát thanh trên Tàu KN 490, thị trấn Trường Sa là đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa có giếng nước lợ dùng cho sinh hoạt và tăng gia rau xanh, trồng cây bóng mát. Hàng năm, đảo SX hàng vạn kilogam rau xanh, đủ cung cấp nguồn rau xanh cho CSCS và nhân dân trên đảo; xung quanh đảo là nguồn hải sản khá phong phú, chỉ cần ra biển với chiếc xuồng thúng thôi sau vài tiếng đồng hồ những hộ dân trên đảo cũng có thể đem về cả tạ cá tươi. Chính vì vậy, nơi đây từ rất lâu đã là ngư trường từ truyền thống của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên. Tài liệu khảo cổ học ghi nhận rằng đã khai quật trên đảo Trường Sa Lớn, và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa thu được 498 hiện vật, gồm gốm thô; gốm sứ các loại, đồ sành, mũi ngói và tiền kim loại thời nhà Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức). Đó là những minh chứng góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Thị trấn Trường Sa không ngừng đổi mới, cầu cảng thường xuyên đón những con tàu từ đất liền ra với đảo; những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng như sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khi tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời; Trung tâm y tế; Trung tâm hành chính huyện đảo được đầu tư khang trang. Cùng với các công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa, nhà truyền thống, trường học, nhà khách đã làm diện mạo thị trấn Trường Sa khang trang, tràn đầy sức sống. Ngoài ra, tất cả các hộ dân và Trung tâm văn hóa ở đây đều được trang bị ti vi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh... Hiện nay, thị trấn Huyện Đảo Trường Sa đang được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt, không những đảm bảo nguồn nước phục vụ đời sống cho CBCS và nhân dân trên đảo mà còn chi viện cho ngư dân và các đảo lân cận. Đến thời điểm này hệ thống đường ống đã kéo đến tận nhà dân và chỉ vài tháng nữa, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Âu tàu cũng đang được khẩn trương thi công và đây sẽ là điểm vào cổng chính thị trấn Trường Sa, nơi cập bến của những tàu có trọng tải lớn; cơ sở sửa chữa tàu cũng đã được đầu tư xây dựng. Đợt này, Tập đoàn Điện lực VN cũng đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ hệ thống năng lượng trên đảo, để có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống năng lượng trên đảo, nhằm phục vụ chiến lược lâu dài theo chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế biển.
|
Đêm ở Chùa Trường Sa |
Trường Sa đã đi qua không biết bao mùa giông bão và cứ mỗi mùa sau bão, Trường Sa càng kiên cường, vững chắc như truyền thống vốn có của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Trường Sa mùa sau bão, tiếng chuông chùa vẫn vang vọng khúc thanh bình trên biển cả. Chồi sống mới của loài cây phong ba, cây bão táp, phi lao đã vươn lên mạnh mẽ; hoa bàng vuông đã bắt đầu khoe sắc; kỳ vọng về thị trấn Trường Sa trở thành trung tâm sầm uất về kinh tế biển giữa đại dương mênh mông sẽ không phải là điều quá xa vời…
VĂN TÒA