Lâm Hà đi đầu trong xuất khẩu lao động

08:06, 05/06/2018

Xác định công tác xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, Lâm Hà đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLÐ, luôn là địa phương đi đầu về kết quả này. 

Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLÐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, Lâm Hà đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLÐ, luôn là địa phương đi đầu về kết quả này. 
 
Lâm Hà tập trung đào tạo nghề may công nghiệp để tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác XKLĐ. Ảnh: V.H
Lâm Hà tập trung đào tạo nghề may công nghiệp để tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác XKLĐ. Ảnh: V.H

Trong ngôi nhà mới xây khang trang, ông Phạm Văn Thạnh - xã Nam Ban, Lâm Hà phấn khởi cho biết, đó là kết quả sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản của hai người con. Gia đình ông sinh sống dựa vào mấy sào cà phê, sau khi hai con - một học xong cao đẳng, một trung cấp đều không xin được việc làm, ông quyết định cho cả hai tham gia XKLĐ tại Nhật. Với mức thu nhập khá, chỉ sau một năm làm việc, các con ông đã gửi tiền về trả xong phần vay chi phí xuất cảnh cho ngân hàng. Và đến năm thứ 3, số tiền các con gửi về đã giúp gia đình ông xây lại căn nhà mới. “Tham gia XKLĐ vừa giúp các con tôi có việc làm, vừa phát triển kinh tế gia đình”, ông Thạnh chia sẻ.
 
Nhiều năm liền, Lâm Hà luôn là địa phương đi đầu về kết quả XKLĐ. Hầu hết các năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra khoảng 150%. Riêng năm 2017 vừa qua, Lâm Hà đạt 160% kế hoạch tỉnh giao với 93 lao động xuất cảnh. Thị trường XKLĐ của Lâm Hà chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đặc biệt, những năm gần đây, Lâm Hà “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp XKLĐ có sự phối hợp cùng một số cơ sở đào tạo để tổ chức chương trình du học kết hợp với lao động cho học sinh, sinh viên. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Năm - Phó Phòng Lao động - Thương binh&Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lâm Hà, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các hội, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn trong tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền về XKLĐ là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
 
Để có được kết quả tốt trong công tác XKLĐ ở Lâm Hà, phải kể đến sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền địa phương. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai công tác XKLĐ và phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn với mục tiêu đẩy mạnh XKLĐ. Đồng thời, Phòng LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tư vấn công tác XKLĐ đến từng xã, thị trấn cũng như trực tiếp làm việc cùng các công ty XKLĐ, cung cấp các thông tin, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh cho người lao động tham gia XKLĐ. Ngoài ra, hàng tháng thông báo các thông tin về thị trường lao động để người dân trong huyện nắm bắt; đặc biệt cho các đối tượng thanh niên dân tộc, thanh niên thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách khác nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần làm giàu nhanh, giảm nghèo bền vững thông qua XKLĐ. Bên cạnh việc tư vấn tại các xã, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức các phiên giao dịch và ngày hội việc làm.
 
Bà Năm cho rằng, tuy đạt kết quả cao về XKLĐ, nhưng những thị trường như Malaysia hay Đài Loan phù hợp với phần đông lao động, đặc biệt lao động là người DTTS tại địa phương do chi phí xuất cảnh thấp, yêu cầu không cao về trình độ tay nghề, ngoại ngữ thì lại chưa được người lao động tham gia nhiều. Một phần do tâm lý lo ngại, tiền lương thấp... đã ảnh hưởng lớn đến công tác tư vấn, tuyên truyền cho người lao động tại địa phương. Ngược lại, đối với các thị trường có thu nhập cao và ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc thì đòi hỏi khắt khe về trình độ cũng như chi phí nên một số lao động không đủ điều kiện tham gia XKLĐ. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác XKLĐ của Lâm Hà vẫn gặp khó khăn. “Do vậy, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động; đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm nghề nghiệp của huyện làm tốt công tác tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác XKLĐ, trong đó tập trung đào tạo các nghề như may công nghiệp, cơ khí, hàn... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản”, bà Năm cho biết thêm.
 
VIỆT HÙNG