Lễ dựng cây nêu của người K'Ho

08:06, 06/06/2018

Là cư dân nông nghiệp, nên một năm (một mùa vụ), người K'Ho thường tổ chức nhiều lễ hội, nghi lễ gắn liền với vòng đời sinh trưởng của cây lúa. Khi cây nêu đã dựng xong, bà con thực hiện nghi lễ dựng cây nêu để thông báo và mời gọi Yàng "thần linh" về dự với gia chủ, cộng đồng.

Là cư dân nông nghiệp, nên một năm (một mùa vụ), người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội, nghi lễ gắn liền với vòng đời sinh trưởng của cây lúa. Khi cây nêu đã dựng xong, bà con thực hiện nghi lễ dựng cây nêu để thông báo và mời gọi Yàng “thần linh” về dự với gia chủ, cộng đồng.
 
Thực hiện nghi lễ cúng Yàng tại xã Đinh Lạc. Ảnh: L.P
Thực hiện nghi lễ cúng Yàng tại xã Đinh Lạc. Ảnh: L.P

Nghi lễ dựng cây nêu được thể hiện rõ nét ở các lễ hội lớn, như mừng lúa mới (Nhô lềr bong), uống ăn trâu (nhô sa rơpu)… mà vật hiến sinh phổ biến là con trâu. Đây là lễ thức không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người K’Ho nhằm khấn cầu và tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho cây lúa phát triển tốt, mùa vụ bội thu, gia đình, cộng đồng được ấm no và bình an. 
 
Vì thời gian khai lễ diễn ra trước lúc mặt trời lặn, nên khi mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất, gia chủ tiến hành dựng cây nêu và sau đó con trâu - vật hiến sinh cũng được buộc chặt vào cây nêu; đồng thời thực hành nghi thức cúng Yàng với các lễ vật gồm: chóe rượu cần, con gà trống, chén cơm, trứng gà, trầm hương... để thông báo, xin Yàng ban phép cho gia chủ được tổ chức lễ hội tạ ơn trong niềm hân hoan. Với đại ý: Hôm nay, gia đình cũng như cộng đồng trong bon đã kết thúc mùa vụ sản xuất, lúa đã được mang về kho, nên gia đình tổ chức lễ hội để tạ ơn Yàng đã che chở, phù trợ. Vì vậy, mời các vị thần linh đến dự... Sau đó, các vị chủ tế lấy ly rượu cần đổ lên đầu con trâu, cho trâu uống và một tấm ồi yual cũng được đặt lên đầu con trâu (hàm ý đây là lễ vật cho con trâu khi về với thần linh) rồi “khóc trâu” tiễn biệt bày tỏ lòng tiếc thương. Nghi lễ được tiến hành ngay trước ngôi nhà gia chủ dưới sự chứng kiến của đông đảo bà con trong bon. Tiếng chiêng, tiếng trống được cất lên chính thức báo tin trong bon có lễ hội vui.
 
Con vật hiến sinh được buộc tại cây nêu đến sáng hôm sau cho tới khi hành lễ. Đây thật sự là những đêm đông vui, không khí lễ hội lan tỏa khắp vùng, và cũng là những đêm “không ngủ” ở bon người K’Ho. Không gian thanh vắng nơi núi rừng được thay bằng sự náo nhiệt bởi tiếng chiêng, tiếng trống với âm thanh trầm bổng, xen lẫn với tiếng khèn Mbuat, rơkèr, tiếng hát tam pla, đơs long, pơnđik - pơnring của các “nghệ nhân”. Các chàng trai, thiếu nữ, hòa quyện với men say ngọt ngào của rượu cần. Tất cả tạo nên âm hưởng của cuộc sống đặc trưng mộc mạc nơi núi rừng hoang sơ... Họ không phân biệt giữa khách mời và những người “lạ” tự tìm đến, bởi lẽ mọi người hiện diện nơi đây với một niềm háo hức, sự cộng cảm, chia sẻ yêu thương với niềm vui của cộng đồng.
 
Sáng sớm hôm sau, con vật hiến sinh được cúng tế thần linh, các nghi thức cúng Yàng tiếp tục được thực hiện; thịt con vật hiến sinh được dâng lên Yàng, sau đó được chế biến thành các món ăn truyền thống để đãi khách... Đây thật sự là ngày hội lớn của đồng bào K’Ho.
 
Lễ hội kết thúc, đúng 7 ngày sau (tòm dùl poh), gia đình tổ chức lễ hội đến mời những người có vai vế về dự để cùng nhau thực hiện nghi lễ tháo dỡ cây nêu. Nghi lễ này được thực hiện khá đơn giản, trong phạm vi gia đình, ngoài các vật cúng tế thần linh nơi linh thiêng của gia đình (drap me ke kuang): như con gà, trứng gà, chuối... thì chóe rượu cần, con vịt hay con dê là những con vật hiến tế để xin phép Yàng được dỡ cây nêu xuống là những con vật không thể thiếu trong nghi thức lễ dỡ cây nêu của người K’Ho. Cây nêu dỡ xuống được vận chuyển ra xa khu dân cư... Trong xã hội hòa nhập ngày nay, nếu hộ người K’Ho có điều kiện duy trì tổ chức lễ hội, tuy không thực hiện bài bản như xưa kia, nhưng họ vẫn tuân theo các nghi thức truyền thống của dân tộc.
 
LAM PHƯƠNG