Mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật

08:06, 08/06/2018

Người khuyết tật là một trong số những đối tượng yếu thế cần được xã hội quan tâm, sâu thẳm trong chính bản thân những NKT, họ khao khát được đối xử công bằng, được tôn trọng và được làm công việc dựa trên chính đam mê và năng lực của bản thân.

Người khuyết tật (NKT) là một trong số những đối tượng yếu thế cần được xã hội quan tâm, sâu thẳm trong chính bản thân những NKT, họ khao khát được đối xử công bằng, được tôn trọng và được làm công việc dựa trên chính đam mê và năng lực của bản thân.
 
Chị Hòa (bìa phải) là một thợ làm hoa đất sét lành nghề, tự tin hướng dẫn cho những thành viên mới bắt đầu. Ảnh: H.T
Chị Hòa (bìa phải) là một thợ làm hoa đất sét lành nghề, tự tin hướng dẫn cho những thành viên mới bắt đầu. Ảnh: H.T

Thế nhưng, để có cái nhìn và sự đánh giá công bằng của xã hội thì cần có những yếu tố mà chính bản thân NKT phải tự trang bị cho mình. Một trong những điều quyết định chính là NKT phải tự tin, tự nỗ lực, bỏ qua những mặc cảm về lòng thương hại, vượt lên chính mình.
 
Viết tiếp giấc mơ
 
Đây đã là năm thứ 5 chàng trai trẻ Nguyễn Duy Thịnh (sinh năm 1991, ngụ tại Phường 3, TP Đà Lạt) làm công việc đúng chuyên ngành công nghệ thông tin tại một chi nhánh của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Ngồi nhớ lại quãng thời gian đã qua của mình, Thịnh bảo 5 năm không trôi nhanh như một cái chớp mắt như nhiều người vẫn nghĩ.
 
Đối với Duy Thịnh, để có được một công việc như ý hiện tại là cả một quá trình nỗ lực và đấu tranh tư tưởng không ngừng. Căn bệnh cong cột sống năm 12 tuổi đã khiến cậu thanh niên 27 tuổi trông nhỏ nhắn như một học sinh cấp II, đồng thời lấy đi bao hoài bão của tuổi trẻ. Lần lữa mãi chuyện có tiếp tục đi học chương trình phổ thông hay không do bệnh tình tái phát thất thường, Thịnh quyết định theo học hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Lâm Đồng. Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng Duy Thịnh cũng không thể ngờ rằng một năm rưỡi sau, cậu vẫn trong tình trạng thất nghiệp. Nhưng may mắn đã mỉm cười với người biết nỗ lực. Trải qua các vòng phỏng vấn khắt khe, năng lực của Thịnh đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nên đến bây giờ Thịnh có cơ hội làm việc như mọi nhân viên khác. 
 
“Bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi chuyên môn và sức khỏe để đảm đương yêu cầu công việc. Mình may mắn là vẫn còn di chuyển được dù hơi khó khăn nhưng khi đi làm cũng được tạo nhiều điều kiện. Với người không khuyết tật, tìm được một công việc ưng ý, đúng chuyên ngành đã khó, thì với NKT, khó khăn đó lớn hơn gấp nhiều lần. Đa số NKT mang tâm lý mặc cảm, tự ti. Nếu đã một lần bị từ chối, rất ít người đủ tự tin để đi xin việc ở những nơi khác”, Duy Thịnh bộc bạch.
 
Trường hợp của chị Trần Thị Hòa (36 tuổi, ngụ Phường 2, TP Đà Lạt) lại khác. Bại liệt 2 chân, di chuyển bằng xe lăn nên hầu như từ trước đến nay, chị Hòa chỉ làm những công việc sử dụng nhiều đến đôi bàn tay như thêu tranh chữ thập, may, đan len... Tuy nhiên, tất cả đều không tạo được thu nhập ổn định để giúp chị cùng chồng trang trải những khó khăn của cuộc sống. Năm 2014, chị Hòa tìm đến cơ sở làm hoa đất sét Đà Lạt. Trải qua quãng thời gian đầu khá bất tiện vì di chuyển khó khăn, đôi tay lại yếu nhưng hiện giờ, chị Hòa đã là một người thợ lành nghề. Giấc mơ được sáng tạo những sản phẩm của riêng mình và xa hơn là thành lập một cơ sở dành riêng cho chị em phụ nữ khuyết tật đang được chị viết tiếp mỗi ngày.
 
Chị Hòa chia sẻ: Tham gia sinh hoạt trong nhiều nhóm dành cho NKT nên mình biết, để tìm được một công việc ổn định theo đúng sở thích của NKT vô cùng khó khăn. Ở mỗi dạng khuyết tật khác nhau các bạn lại gặp phải những khó khăn riêng, nhưng nhìn chung, công việc nào cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì học hỏi. 
 
Tạo nghề, tạo niềm tin
 
Dù không may mắn mang trên mình những khuyết tật nhưng có một điều phải thừa nhận là không ít NKT vẫn là những người có tay nghề, trình độ. 
 
Suốt 15 năm làm việc với người lao động khuyết tật, bà Trần Thị Trang - Giám đốc Công ty Nắng Mai (TP Đà Lạt) nhận thấy rằng tuy sức khỏe của NKT chỉ bằng 50-70% so với người không khuyết tật nhưng bù lại họ rất giàu nghị lực, có tính kiên nhẫn và chăm chỉ nên năng suất và chất lượng sản phẩm của NKT không thua kém các công nhân khác. 
 
“Một đặc điểm rất đáng lưu ý là lao động khuyết tật ít khi thay đổi nơi làm việc, họ gắn bó lâu dài với công ty hơn cho đến khi điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân không cho phép như bệnh do tuổi tác, lập gia đình hoặc gia đình neo đơn không tiện đi làm nữa. Vì thế, nhìn chung NKT cũng có đóng góp đáng kể đối với cơ sở, công ty mà họ làm việc như những người khác”, bà Trang nhận định.
 
Đồng quan điểm đó, chị Huỳnh Hoàng Vân - người làm nên hương hiệu hoa đất sét Đà Lạt cũng luôn dành một sự ưu ái đặc biệt cho những thành viên là NKT trong gia đình lớn của mình. Theo chị Hoàng Vân, NKT thường mang những tự ti, mặc cảm nên giao tiếp cũng không cởi mở, tự tin. Chính vì thế, để động viên tinh thần của các học viên và người lao động, trong không gian sản xuất tuy có phần nhỏ bé nhưng bằng nhiều cách, chị đã tạo dựng môi trường đầy ắp tiếng cười và niềm vui. Với mỗi NKT tìm đến cơ sở của chị trên đường Ngô Quyền, ngoài việc được đào tạo nghề miễn phí, những bạn ở xa, di chuyển khó khăn có nhu cầu sẽ được bố trí chỗ ăn, ở thuận lợi. Những năm trở lại đây, 70% lao động tại cơ sở của chị là NKT. Trong số đó nhiều người đã trở thành thợ lành nghề, trở về lập nghiệp ở địa phương.
 
“Với một nghề mang tính nghệ thuật cao như làm hoa, tranh hoa đất sét đòi hỏi một sự tỉ mẩn, khả năng quan sát và tư duy tinh tế. Không ít bạn là NKT nhưng lại vô cùng sáng tạo, chăm chỉ để làm ra những sản phẩm với chất lượng cao, đạt yêu cầu khó tính của thị trường. Thậm chí nhiều bạn là NKT còn học hỏi và làm tốt hơn nhiều bạn khác. Vậy thì không lý do gì chúng ta lại từ chối, không tạo cơ hội cho các bạn NKT có cơ hội, tự tin chứng tỏ khả năng của mình”, chị Vân chia sẻ. 
 
Cần sự chung tay của toàn xã hội
 
Theo con số thống kê, trên toàn tỉnh hiện có 10 Hội NKT, Hội Người mù với hơn 1.700 hội viên. Ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến NKT khó có thể tìm được cho mình một công việc ưng ý, lâu dài. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, mỗi công ty, đơn vị kinh doanh đều có những quy định, nguyên tắc riêng để vận hành và phát triển. Vẫn có những doanh nghiệp tìm đến và đề xuất việc làm dành cho NKT nhưng bản thân lao động là NKT lại chưa thể đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu. 
 
Trong số những nguyên nhân được đề cập, theo ông Thu, nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân NKT là những khó khăn trong quá trình di chuyển, trong khi cơ sở vật chất tại các công ty, doanh nghiệp lại không thực sự thuận lợi. NKT nhẹ có thể tìm việc làm tương đối dễ dàng nhưng với nhiều trường hợp khuyết tật nặng, NKT vận động... thì rất khó. Các nghề như thêu, dệt, đan móc được đào tạo miễn phí... nhưng lại thiếu định hướng về đầu mối tiêu thụ, chất lượng không đảm bảo nên hàng hóa làm ra không bán được dẫn đến NKT bỏ nghề, tự tạo các việc làm tại nhà như giúp việc, mở hàng tạp hóa tại gia đình... Một yếu tố không thể không kể đến là nếu NKT muốn vay vốn phát triển kinh tế thì Hội NKT cũng không thể đứng ra làm đại diện mà phải thông qua một tổ chức khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... 
 
Còn theo bà Trần Thị Trang, trình độ học vấn của NKT hiện nay chưa cao, thậm chí có nhiều trường hợp mù chữ, vì thế khả năng giao tiếp, nhìn nhận về cuộc sống và tiếp thu chuyên môn còn nhiều hạn chế. NKT muốn được xã hội nhìn nhận năng lực học tập và làm việc một cách công bằng, điều đầu tiên là bản thân họ cần phải biết nắm bắt cơ hội được học tập, được đào tạo nghề thành thạo để tự tin chứng tỏ năng lực làm việc của họ với nhà tuyển dụng. NKT cũng cần phải chuẩn bị tốt tâm lý để vượt qua sự mặc cảm, tự ti khi làm việc trong môi trường có nhiều lao động với nhiều va chạm trong công việc. NKT cần biết chủ động sắp xếp cuộc sống độc lập hơn cho riêng mình, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình từ việc đi lại, ăn uống đến việc kiếm tiền lo cho bản thân...Có như vậy, NKT sẽ tạo ra ấn tượng tốt, lòng tin và sự đánh giá cao của xã hội.
 
Song song với việc dạy nghề cho NKT, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đơn vị chức năng nên có các buổi nói chuyện và tư vấn về mặt tâm lý để NKT cảm thấy yên tâm hơn khi bắt đầu mưu sinh, hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự động viên và giúp đỡ của gia đình và xã hội dành cho NKT trong việc hoạch định cuộc sống, việc làm và ước mơ đóng góp cho xã hội.
 
HỒNG THẮM