Ngày hè lênh đênh

10:06, 14/06/2018

Hè đến, nhưng những đứa trẻ lại lênh đênh cùng cha mẹ mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá khiến những giấc mơ con lay lắt dần quanh lòng hồ thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng).

Hè đến, nhưng những đứa trẻ lại lênh đênh cùng cha mẹ mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá khiến những giấc mơ con lay lắt dần quanh lòng hồ thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng).
 
Ngày hè của những con trẻ theo cha mẹ đánh bắt tôm cá chính là vá lưới, theo thuyền. Ảnh: Đ.T
Ngày hè của những con trẻ theo cha mẹ đánh bắt tôm cá chính là vá lưới, theo thuyền.
Ảnh: Đ.T
Tôi ghé thăm một “xóm miền Tây” đúng nghĩa. Đúng nghĩa thứ nhất là nguồn gốc của họ từ miền Tây sông nước, thứ hai vì những ngôi nhà được thiết kế như nhà mùa nước nổi, tránh con nước và hàng ngày nghề chính của họ là dong thuyền đi đánh cá.
 
Xóm có 9 nóc nhà, khoảng 50 nhân khẩu. Trong số 27 người trong tuổi ăn tuổi học thì chỉ có khoảng 10 con trẻ cắp sách đến trường, số còn lại nghỉ ngang. Ngày hè của cô bé tên Loan năm nay có sự biến động, biến động vì năm nay tôm cá ít, theo bố của em, anh Miền Văn Tây, thời gian gần đây làm ăn khó vì cá tôm ngày cũng vơi dần. 
 
Chính vì vậy, ngoài công việc vá lưới và giúp cha dong thuyền ra khơi thì em phải làm thêm việc vặt, làm cho những nông dân xung quanh thu hoạch nông sản để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Loan tâm sự: Đi học được gặp bạn bè, thầy cô. Nghĩ hè cũng buồn nhưng lại giúp được bố mẹ, năm nào cũng vậy mà. 
 
Có lẽ, trong tầm nhận thức của Loan thì người học cao nhất ở xóm nhà của em chỉ đến lớp 11 rồi đi làm công nhân, chưa một ai học lên nữa cả. Nên nhiều lúc giấc mơ “phá kỷ lục” này cũng không phải dễ dàng gì. Thôi. Ngày hè thì giúp bố mẹ rồi xem hè của người khác qua chiếc ti vi đặt trang trọng nhất trong căn nhà gỗ được sơn bằng màu mưa nắng. 
 
Một khó khăn khác của những con người làm nghề đánh bắt quanh thủy điện Đại Ninh chính là: mùa hè. Hè đến, những đứa con còn quá nhỏ của họ cần phải có người trông nom. Gia đình anh Hồ Văn Tuấn từ Kiên Giang lên có hai mặt con, thời gian này chị vợ phải ở nhà trông con, một tay anh phải gánh vác việc gia đình. Từ đánh bắt, chợ búa cho đến chuyện “nồi niêu xoong chảo”.
 
Lại một xóm khác. Xóm nhà này là đại gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp quê ở Long An, nói là đại gia đình vì ông là người lớn tuổi nhất và xung quanh là con cái, cháu chắt của ông. Ông Nghiệp có 7 người con thì chỉ có 3 người biết chữ nhưng cũng chỉ đến mức biết đọc biết viết và những phép toán cộng trừ nhân chia đơn giản. 4 người còn lại chỉ biết viết cái tên của mình do 3 người còn lại dạy. Một đời bố, 7 người con không được học tập đến nơi đến chốn nên ông quyết tâm cho thế hệ con cháu của mình học hành. 
 
Nghỉ hè là ông buồn rười rượi vì ở đây thì con trẻ ngoài chơi với thuyền bè, ngư cụ thì nhà chỉ có một chiếc ti vi. Anh Dương Văn Hùng và Dương Văn Ngọt là cháu bên phía vợ của ông, cũng theo ông lênh đênh ở đây để kiếm con tôm, con cá qua ngày. Cực khổ, vất vả nhưng theo lời “giáo huấn” của ông hai anh đều dồn hết tâm sức cho con đi học. Nghỉ hè những đứa con mới học đến lớp 1, lớp 2 của hai anh chỉ còn biết chơi với ngư cụ, quây quần với nhau bên những chiếc thuyền, còn theo bố mẹ thì nhỏ quá. Anh Ngọt xúc động về câu chuyện học hành của con mình, vì trước đây anh cũng lênh đênh theo cha mẹ nên không được ăn học tử tế, nên giờ đây anh quyết tâm không cho chúng “lên thuyền” nữa mà theo ý anh chính là lên chiếc xe máy để ở hiên nhà ra trung tâm xã, ra thị trấn, tiếp xúc với những điều hấp dẫn hơn con nước. 
 
Điều lo lắng của ông Nghiệp chính là các cháu nó học lên nữa thì ngoài thầy ở trường ra rồi thì ai dạy cho nó ngày hè. Nhưng ở nhà thì làm sao có thể rèn luyện các cháu, vì căn bản đại gia đình ông chỉ biết đến cái chữ. Hay để rồi cho chúng quen dần với môi trường sông nước?
 
ĐỨC TÚ