Những ý tưởng khởi nghiệp từ sản vật địa phương

08:06, 29/06/2018

Ngày ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Lâm Ðồng năm 2018 đã khép lại, nhưng từ đây đã khơi dậy trong mỗi người phụ nữ về khát vọng vươn lên khởi nghiệp bằng tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương. Có 99 ý tưởng khởi nghiệp từ những trăn trở để giải quyết vấn đề thường nhật, dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của chị em trong tỉnh.

Ngày ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Lâm Ðồng năm 2018 đã khép lại, nhưng từ đây đã khơi dậy trong mỗi người phụ nữ về khát vọng vươn lên khởi nghiệp bằng tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương. Có 99 ý tưởng khởi nghiệp từ những trăn trở để giải quyết vấn đề thường nhật, dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của chị em trong tỉnh.
 
Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo với các sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp Hồng và dứa Cayen sấy dẻo công nghệ Nhật Bản. Ảnh: D.Hiền
Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo với các sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp Hồng và dứa Cayen sấy dẻo
công nghệ Nhật Bản. Ảnh: D.Hiền

15 ý tưởng được chọn lựa vào chung kết đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi tác giả của các ý tưởng này rất đa dạng ở nhiều ngành nghề và đặc biệt có 3 chị người DTTS lọt vào chung kết ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp.
 
Những ý tưởng khởi nghiệp từ các sản vật địa phương như: trồng rau sạch (3 ý tưởng); nuôi heo đen; mô hình HTX nông sản; mô hình phát triển nông nghiệp tổng hợp vườn - ao - chuồng; sản xuất giống lúa phục vụ nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên”; hồng và dứa cayen sấy dẻo công nghệ Nhật Bản; chế biến mứt và mật cà chua, trứng, sữa hữu cơ; đan len; mây tre đan; sản xuất, chế biến cà phê sạch Arabica Cầu Đất; sản xuất và cung cấp tằm 3 tuổi; sản xuất tinh bột nghệ - bột dinh dưỡng thập cốc; sưu tầm, bảo tồn, nhân giống, kinh doanh hoa lan rừng…
 
Với giải nhì ý tưởng “Chế biến mứt và mật cà chua, trứng, sữa hữu cơ”, chị Nguyễn Thị Lệ Phương cho biết: “Tôi là giáo viên môn sinh nên có sự đam mê nghiên cứu công nghệ để ứng dụng trồng cà chua từ trứng, sữa, mật mía nên sản phẩm có mùi thơm, vị ngọt; còn sản phẩm cà chua truyền thống có mùi ngái, vị chua. Với mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sạch đúng nghĩa hữu cơ, tôi đã trồng trọt cà chua theo cách này đã 3 năm ở Đức Trọng. Cà chua trồng theo truyền thống thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch từ 30 - 40 ngày, còn sản phẩm cà chua của Phương thì thời gian thu hoạch từ 4 - 5 tháng, cung cấp sản phẩm ăn tươi như trái cây và để tăng giá trị sản phẩm, Phương đã mày mò chế biến 2 sản phẩm: cà chua sữa hữu cơ và mứt cà chua, si rô cà chua. Sản phẩm đã nhận được sự phản hồi tích cực tại Hội thi KHKT khu vực phía Nam, các học sinh tham gia chương trình trải nghiệm đã thưởng thức rất hài lòng”. Cô Phương khẳng định có thể ứng dụng công nghệ này đối với một số loại trái cây khác hoặc trên cây rau. Dự kiến ý tưởng được đầu tư phát triển, cô sẽ sản xuất với tỉ lệ sản phẩm 50% cà chua ăn như trái cây và 50% chế biến. Bởi thời gian bảo quản trái cà chua tươi thấp, khoảng 10 ngày nên cần chế biến cà chua ra thành các sản phẩm: cà chua sữa hữu cơ và mứt cà chua, si rô cà chua có giá trị là đặc sản của địa phương.
 
Cũng đồng giải nhì, cô Huỳnh Thị Thanh Thảo, 23 tuổi, với ý tưởng “Hồng và dứa Cayen sấy dẻo theo công nghệ Nhật Bản” cho biết: Ở vùng D’Ran là vùng chuyên canh cây hồng, tuy nhiên, cứ được mùa, mất giá thì bà con lại chặt bỏ hồng chuyển sang trồng rau. Do truyền thống gia đình nhà chồng có vựa thu mua hồng ăn trái hơn 20 năm, nên Thảo học tập cách thu mua chế biến hồng và vợ chồng cô đã tách ra làm riêng 2 năm, đã có thử nghiệm công nghệ Hàn Quốc, giờ thử qua công nghệ Nhật Bản với trái hồng. Hiện cơ sở tại nhà của Thảo giải quyết 4 lao động, chỉ có khâu gọt là sản xuất thủ công, còn lại áp dụng máy móc. Với ý tưởng mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ Nhật Bản, cơ sở của Thảo sẽ giải quyết cho nhiều lao động gọt hồng, dứa nhẹ nhàng phù hợp với lao động lớn tuổi. Hiện nay, gia đình cô đã làm ra sản phẩm hồng có thương hiệu DRANROSA và cơ sở cũng đã được cấp giấy được quyền sử dụng thương hiệu dứa Cayen, sản phẩm cung cấp nhiều cho thị trường mùa tết. 
 
Chị Lơ Mu Rô Ben (Lạc Dương), với ý tưởng khởi nghiệp “Thu mua, kinh doanh rau sạch trên địa bàn” đoạt giải ba đã khẳng định nội lực của người phụ nữ DTTS biết tự chủ vươn lên rất mạnh mẽ. Ý tưởng của chị là trồng rau, củ, quả sạch theo mô hình liên kết với nhà vườn trồng rau tại Thôn 1, xã Đạ Sar. Chị cho biết: “Tôi thành lập cơ sở kinh doanh rau để bà con tập kết rau củ quả, trước đây, khi chưa có cơ sở này bà con phải chở ra Đà Lạt bán mất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển. Đến nay, tôi đã thành lập mô hình trồng rau ngoài trời liên kết với 120 hộ, với 30 ha. Trong 30 ha đó mỗi nhà trồng mỗi loại rau khác nhau, để tránh tình trạng được mùa mất giá và giải quyết việc sản phẩm nhiều tràn lan không tiêu thụ hết. Mục đích giúp bà con không phá rừng, tự lao động trên mảnh đất của mình, chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau, có thu nhập 3 - 4 lần/năm, cao hơn cà phê, sản phẩm của họ tôi đảm bảo đầu ra. Cơ sở của tôi đã hoạt động được 1 năm, cung ứng 5 - 10 tấn rau/ngày cho các siêu thị, chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, tất cả các loại rau, đậu, cải thảo, bắp…”. Hiện chị Lơ Mu Rô Ben tổ chức đóng hàng gửi đi hẹn 5 - 10 ngày trả lại tiền hàng cho các hộ liên kết. Chị mong muốn trong 3 năm tới sẽ thành lập tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình VietGAP; cần Nhà nước hỗ trợ vốn giúp cho các hộ đầu tư về giống, phân bón, thuốc BVTV và mời 1 kỹ sư riêng để tư vấn cho họ sản xuất rau có hiệu quả theo quy trình VietGAP và cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu rau của đồng bào DTTS.
 
Đồng giải Ba, chị Phạm Thị Oanh với ý tưởng “Sản xuất giống lúa nâng cao chất lượng nhãn hiệu “Lúa - gạo Cát Tiên”. Chị cho biết: “Tôi trăn trở suy nghĩ muốn làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội thì trước hết phải khởi nghiệp. Cát Tiên cây trồng chủ lực là cây lúa, nên gia đình tôi đã mạnh dạn đưa vào sản xuất lúa giống để phục vụ cho vùng Cát Tiên. Ba năm nay, tôi đã làm lúa giống cho các HTX, ý tưởng sẽ làm ra nhiều bộ giống khác nhau phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và giá cả thấp hơn giá thị trường, cụ thể thấp hơn công ty 10%, vì nhân công, máy móc từ gia đình và người dân địa phương nên chi phí thấp mà vẫn có lời. Hiện nay, gia đình tôi sản xuất giống lúa trên 9 ha làm ra 5 loại giống lúa gồm: OM 4900, OM 5451, OM 3536, lúa Việt Đài, lúa Khang Dân 10 và bán giống qua trung gian. Trung bình 1 năm, cơ sở gia đình tôi cung cấp cho bà con nông dân địa phương từ 25 - 30 tấn lúa giống, còn lại bán cho các HTX”. 
 
DIỆU HIỀN