Níu giữ tiếng chiêng ngân (kỳ 2)

08:06, 12/06/2018

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do nhiều yếu tố cấu thành trên một bình diện rộng. Trong đó, âm nhạc cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo. Song, giờ đây không chỉ cồng chiêng đứng trước nguy cơ mai một, mà nhiều yếu tố khác cũng trong tình trạng bị thu hẹp dần.

Bảo vệ di sản từ phía người trong cuộc
 
[links(right)] Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do nhiều yếu tố cấu thành trên một bình diện rộng. Trong đó, âm nhạc cồng chiêng giữ vai trò chủ đạo. Song, giờ đây không chỉ cồng chiêng đứng trước nguy cơ mai một, mà nhiều yếu tố khác cũng trong tình trạng bị thu hẹp dần. Am hiểu, tâm huyết và trách nhiệm, các chủ nhân nền văn hóa ấy cùng ngành văn hóa tỉnh Lâm Ðồng đã làm những gì để bảo vệ di sản này trước tác động tiêu cực của đời sống. 
 
Trống, kèn bầu, chiêng, múa xoang cùng hòa nhịp
Trống, kèn bầu, chiêng, múa xoang cùng hòa nhịp

Nỗ lực tự thân
 
Cộng đồng cư dân ấy đã sáng tạo nên Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cố nhiên cộng đồng cư dân ấy cũng biết cách trao truyền cho những thế hệ sau gìn giữ, tích bồi, làm dày thêm di sản của ông bà, tránh bị mai một. Bà Touneh Ma Bio (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) là người được cộng đồng Chu Ru chọn để nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào mình.
 
Mong muốn níu giữ và tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru, bà Touneh Ma Bio đã dành nhiều năm sưu tầm lại những chiếc chiêng cổ, những điệu múa Tamya, Arya, Dam dra... bị tản mát trong dân gian. Năm 2007, bà Touneh Ma Bio mở lớp dạy múa, tấu chiêng, đánh trống, thổi kèn bầu cho 10 người trẻ Chu Ru. Từ đó đến nay, bà Touneh Ma Bio đã dạy cho hơn 60 người. Ngoài ra, bà Touneh Ma Bio còn thành lập một đội cồng chiêng khoảng 15 người để đi biểu diễn tại các lễ hội, cuộc thi trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Sự nỗ lực của bà Touneh Ma Bio góp phần làm hồi sinh những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chu Ru. Năm 2012, bà Touneh Ma Bio được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng trao tặng danh hiệu Nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng. “Tôi đang xin phép Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đơn Dương để mở thêm một lớp dạy múa, tấu chiêng trong năm 2018”, bà Touneh Ma Bio chia sẻ. 
 
Cùng tâm nguyện gìn giữ, trao truyền những tinh hoa văn hóa của dân tộc Chu Ru như bà Touneh Ma Bio, một mặt ông Ya Thung (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng), nghệ nhân cồng chiêng kiêm Chủ tế trong lễ Bok Chu Bur - một nghi lễ truyền thống mang tín ngưỡng đa thần - ra sức vận động thành lập đội cồng chiêng trẻ, mặt khác phục dựng các nghi lễ nông nghiệp nhằm tạo môi trường truyền lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ Chu Ru. Những nỗ lực trên đã giúp ông Ya Thung thành lập được Đội Cồng chiêng xã Đà Loan, với 30 thành viên. Nhờ đó, ông Ya Thung không còn lo Đội Cồng chiêng xã Đà Loan không có người kế tục. Ông Ya Thung cho biết: “Trước thực trạng cồng chiêng dần bị mai một, cần có người khơi lại để cho người trẻ thấy rằng, dân tộc ta đã có một di sản rất đẹp; từ đó, có ý thức để giữ gìn”. Trong khi đó, nghệ nhân cồng chiêng K’Breoh (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) lại chủ động đưa nghệ thuật cồng chiêng thành sản phẩm du lịch. Theo nghệ nhân cồng chiêng K’Breoh, trong điều kiện cồng chiêng đang thiếu hẳn môi trường diễn xướng, thì du lịch trở thành môi trường tốt để phát huy giá trị của cồng chiêng đến với cộng đồng. Vì vậy, suốt 20 năm qua, nghệ nhân cồng chiêng K’Breoh luôn tổ chức cho Đội Cồng chiêng xã Lộc Tân tham gia biểu diễn phục vụ du khách tại Khu Du lịch thác Đam B’ri (Bảo Lộc), Khu Du lịch Đầm Sen (Sài Gòn) và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). 
 
Từ năm 2009, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Di Linh đã thành lập đội cồng chiêng, trên cơ sở tuyển chọn những học sinh có năng khiếu của khối lớp 8 và khối lớp 9. Ông K’Bon (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) là người được nhà trường này mời để truyền dạy tấu cồng chiêng, múa xoang cho các học sinh nơi đây. Qua sự chỉ bày, bẻ nắn, hướng dẫn của ông K’Bon vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, những đôi tay còn thô vụng ngày nào giờ đã trở nên thành thạo, điêu luyện, nhuần nhuyễn. Thế rồi, mỗi khi dân bon mở hội, tiếng chiêng lại ngân lên từ những bàn tay học trò và có cả vòng xoang được khép bởi những sơn nữ tuổi học trò. Cùng đó, ông K’Bon còn dạy tấu chiêng cho nhiều người trẻ K’Ho khác trên địa bàn xã Bảo Thuận và xã Đinh Lạc. Tính đến nay, số học trò của ông K’Bon là 80 người. 
 
Tâm huyết, trách nhiệm với di sản ông bà để lại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có ông K’Chung (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông), ông Điểu K’Lộc (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên)..., những người không chỉ có kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng, mà còn am hiểu các điệu múa dân gian, các bài hát kể chuyện, tri thức dân gian. Ông Đỗ Văn Toàn (phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc), linh mục Nguyễn Đức Ngọc (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương), ông Đặng Minh Tâm (Phường 3, thành phố Đà Lạt), linh mục Trần Thả (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh)... lại góp công lưu giữ hàng trăm hiện vật văn hóa Tây Nguyên trong một thời gian dài sưu tầm. 
 
Sự trợ sức của Nhà nước 
 
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, ngay sau sự kiện Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc vinh danh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015. Tiếp đó, Sở lại trình Đề án Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Đề án này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong năm 2018. Điều đó có nghĩa, về mặt chỉ đạo, tỉnh và ngành văn hóa địa phương đều quan tâm đến công tác bảo vệ văn hóa cồng chiêng. Cụ thể, trong 10 năm qua, tỉnh đã mở 48 lớp dạy tấu chiêng cho trên 1.150 người trẻ là con em các dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru. Cùng đó, Lâm Đồng còn trang bị 15 bộ chiêng cho một số địa phương có đông người bản địa sinh sống cũng như duy trì 16 đội (nhóm) cồng chiêng trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai và thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của du khách khi đến đất Lâm Đồng. Ngoài những hoạt động trên, tỉnh còn tổ chức thành công 9 kỳ lễ hội văn hóa cồng chiêng và tôn vinh gần 100 nghệ nhân. “Trong 10 năm, chúng tôi tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa cồng chiêng, thì thấy rằng lực lượng nghệ nhân cồng chiêng đã được trẻ hóa qua từng năm”, bà Nguyên nhận xét. 
 
Năm 2018, tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng Lễ mang lúa về kho tại huyện Lâm Hà
Năm 2018, tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng Lễ mang lúa về kho tại huyện Lâm Hà

Để thu hút và bảo tồn thêm nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo khác, kể từ năm 2017, Lâm Đồng đã mở rộng nội dung theo hướng liên hoan nghệ thuật dân gian, với việc tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo định kỳ 1 năm/lần. Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần I - năm 2017 được tỉnh tổ chức tại huyện Bảo Lâm. Năm 2018, Đà Lạt là địa phương đăng cai cùng Lâm Đồng tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần II. Theo kế hoạch, Bảo Lộc là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số lần III - năm 2019. 
 
“Nếu như ngày thường, những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ít có điều kiện thể hiện vì sống xen lẫn với những dân tộc anh em khác, thì Ngày hội Văn hóa Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là nơi để khơi lại những nét đẹp văn hóa ấy trong một cộng đồng rộng lớn hơn”, bà Nguyễn Thị Huyền Phương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bảo Lộc, chia sẻ. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương cho rằng: “Việc tổ chức các lễ hội truyền thống không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện giao lưu văn hóa, mà còn là hình thức giáo dục cộng đồng dân cư, những chủ nhân của văn hóa truyền thống, để họ tự giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng”. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đơn Dương, trao đổi: “Những hoạt động của địa phương nhằm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng chỉ có hiệu quả trong chừng mực nhất định, nếu như các chủ nhân của văn hóa cồng chiêng không chủ động trong bảo vệ bản sắc văn hóa của mình”. Mà các chủ nhân của văn hóa cồng chiêng không thể không kể đến những học sinh người dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường dân tộc nội trú. Thế nên, việc truyền dạy cồng chiêng còn được các trường dân tộc nội trú trong tỉnh tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng. “Các em ở đây học đánh chiêng nhanh lắm! Chỉ cần 2 tuần là các em đã trở nên thuần thục các điệu chiêng cơ bản rồi!”, thầy giáo Nguyễn Ry, cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, tâm sự. Điển hình cho việc truyền dạy cồng chiêng ở các trường dân tộc nội trú là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Di Linh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS - THPT Liên huyện phía Nam, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Lạc Dương...
 
Qua các lớp học này, học sinh dân tộc thiểu số không những biết đến các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống ấy đến các học sinh khác, để rồi khi trở về bon làng sau giờ học, chính các em là người sẽ tham gia những hoạt động chung của cộng đồng bằng những điệu chiêng, nhịp xoang huyền hoặc.
 
(CÒN NỮA)
 
TRỊNH CHU - NDONG BRỪM