Níu giữ tiếng chiêng ngân (kỳ cuối)

08:06, 13/06/2018

Thực ra, diễn tấu cồng chiêng là một loại hình nghệ thuật. Thế nên, muốn thưởng thức nghệ thuật, khán giả phải trả tiền. Ðó là điều hết sức bình thường. Bởi vậy, cần thay đổi thói quen xem nghệ thuật miễn phí để người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề.

Biến di sản thành tài sản
 
[links(right)] Thực ra, diễn tấu cồng chiêng là một loại hình nghệ thuật. Thế nên, muốn thưởng thức nghệ thuật, khán giả phải trả tiền. Ðó là điều hết sức bình thường. Bởi vậy, cần thay đổi thói quen xem nghệ thuật miễn phí để người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. 
 
Nghệ nhân cồng chiêng K’Bon (bên trái) đang chỉnh âm cho cồng chiêng
Nghệ nhân cồng chiêng K’Bon (bên trái) đang chỉnh âm cho cồng chiêng

Ðảm bảo đời sống cho nghệ nhân cồng chiêng 
 
Ông Vũ Văn Tự, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cát Tiên, nêu ví dụ: “Cứ như đi làm thuê chẳng hạn, giá ngày công cho một lao động theo thời giá hiện tại là 150.000 đồng. Mà một đội cồng chiêng ít nhất 6 người, chưa kể những người múa xoang. Nếu lấy giá ngày công của lao động phổ thông, không cần xét đến yếu tố lao động đặc thù, để trả cho 6 người trong đội cồng chiêng, số tiền đã gần 1.000.000 đồng”. Theo ông Tự, mặc dù không đặt nặng vấn đề tiền bạc, nhưng rõ ràng nếu muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, không thể không tính đến yếu tố bảo đảm đời sống cho nghệ nhân cồng chiêng. 
 
Ngày 22/2/2018, ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với mục đích:
 
- Kiểm kê, đánh giá lại thực trạng di sản này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
- Phục dựng một số lễ hội đang có tình trạng mai một và tiến hành ghi âm, ghi hình các lễ hội này đưa vào ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể để lưu giữ, bảo tồn.
 
- Tiếp tục tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho lực lượng thanh, thiếu niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh trong các trường dân tộc nội trú.
 
- Duy trì, thành lập mới và phát triển các loại hình câu lạc bộ văn nghệ, đội cồng chiêng trong vùng dân tộc thiểu số.
 
Từ đó, từng bước khôi phục các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Lâm Đồng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên. Ông Tiến chia sẻ: “Việc trả tiền cho nghệ nhân cồng chiêng là hoàn toàn hợp lý. Bởi, những lao động khác đều được trả tiền, chẳng lẽ diễn tấu cồng chiêng thì không? Sự bất cập đó cần sớm được khắc phục”. Thầy giáo Nguyễn Ry, cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng: “Ông bà ta từng nói: Có thực mới vực được đạo. Do vậy, chúng ta không thể nào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng mà chỉ dựa trên nhiệt huyết của nghệ nhân được”. Ông K’Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà, chia sẻ thêm: “Sở dĩ lâu nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng vẫn chỉ ở mức độ cầm chừng, một phần là do chế độ đãi ngộ đối với người làm văn hóa còn thấp, trong khi chế độ dành cho nghệ nhân - những người đang thực hành, nắm giữ tri thức, truyền dạy tinh hoa văn hóa cồng chiêng tới các thế hệ kế cận - thì không có hoặc ở mức rất thấp, dưới hình thức hỗ trợ”. 
 
Từ đó, ông Thế đề nghị: “Nhà nước cũng phải có nguồn kinh phí nhất định để duy trì các hoạt động này ở cơ sở”. Ông Trần Viết Danh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đạ Tẻh thông tin: “Mỗi năm, chúng tôi duy trì tổ chức lễ hội văn hóa cồng chiêng một lần. Mục đích là tạo sự giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa các dân tộc là chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với nhau; qua đó, phát huy những giá trị đặc hữu của di sản này trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, ngành văn hóa địa phương Đạ Tẻh cũng rất trăn trở về vấn đề kinh phí để duy trì các hoạt động bảo tồn tại cộng đồng dân cư, nơi có đông người dân tộc bản địa sinh sống”. “Cơ quan quản lý Nhà nước không nên dừng lại ở cấp độ tìm nguồn kinh phí hỗ trợ nghệ nhân để nghệ nhân thực hiện tốt công tác trao truyền, mà nên lựa chọn phương án giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa du lịch đảm bảo cuộc sống cho nghệ nhân cồng chiêng. Cốt lõi của vấn đề là, nghệ nhân cồng chiêng phải sống được bằng việc diễn tấu cồng chiêng”, thầy giáo Ry thẳng thắn.
 
Phát triển nhưng phải đậm chất bản địa
 
Theo thầy giáo Ry, ngoài yếu tố năng lực tài chính, doanh nghiệp còn có những thuận lợi khác, như khả năng kết nối tour trải nghiệm, tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, nhất là không gian sẵn có rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với hoạt động âm nhạc cồng chiêng. “Nếu doanh nghiệp đứng ra kết nối cho các nghệ nhân cồng chiêng tham gia biểu diễn mỗi khi du khách có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, thì việc nghệ nhân cồng chiêng sống được bằng nghề sẽ có tính khả thi cao trên thực tế”, thầy giáo Ry nói. Ông K’Thế thừa nhận: “Đưa âm nhạc cồng chiêng vào hoạt động tại các điểm, khu du lịch là một cách quảng bá cồng chiêng tốt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm sao giữ cho âm nhạc cồng chiêng không bị biến dạng, nhất là tránh tình trạng di sản bị xem thường”. 
 
Trăn trở của ông K’Thế hoàn toàn hợp lý và có trách nhiệm. Bởi thật khó để loại trừ khả năng âm nhạc cồng chiêng sẽ không bị nghiêng hẳn về xu thế sân khấu hóa, trình diễn hóa một khi đã tham gia sân chơi du lịch và rồi việc đánh mất tính thiêng trong âm nhạc cồng chiêng là tất yếu. Trước trăn trở đó, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thừa nhận: “Ở huyện Lạc Dương trước đây đã có tình trạng người dân sử dụng một số bài chiêng, điệu xoang không đúng với nguyên gốc trong hoạt động phục vụ du khách. Ngoài ra, vì mang tính tự phát nên những điểm tổ chức trình diễn âm nhạc cồng chiêng đó cũng không đáp ứng được yếu tố không gian diễn xướng. Phạm vi tổ chức thường nhỏ lẻ, không gian diễn xướng chỉ bó hẹp trong gia đình. Nhưng rồi thông qua các hoạt động thẩm định nội dung hàng năm, chúng tôi đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động cồng chiêng đi theo đúng truyền thống”. 
 
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội do xã Đinh Lạc tổ chức
Cồng chiêng và múa xoang trong lễ hội do xã Đinh Lạc tổ chức

Qua đấy cho thấy rõ một điều rằng, việc đưa di sản cồng chiêng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn níu giữ du khách thật ra không khó, nếu có sự định hướng, quản lý ngay từ bước đầu. Trong triển khai tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng phục vụ du khách thì nên xem cái gì hợp lý, cái gì chưa phù hợp rồi có định hướng chỉnh sửa dần. Bà Nguyên cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất và huyện Lạc Dương đã có đề án nghiên cứu bố trí quỹ đất để hình thành một không gian văn hóa cồng chiêng đúng nghĩa với tính thiêng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang vận động các khu, điểm du lịch trong tỉnh có điều kiện về không gian: Khu Du lịch đồi Mộng Mơ, Khu Du lịch rừng Madagui, Khu Du lịch Lang Biang, Khu Du lịch Đam B’ri, Khu Du lịch làng Cù Lần... quan tâm quy hoạch quỹ đất cũng như cố gắng phục dựng không gian sinh hoạt của người bản địa trước đây: nhà dài, nhà sàn, chiêng, ché, rượu cần... nhằm tạo điều kiện cho cồng chiêng có một không gian diễn tấu phù hợp”. 
 
Theo bà Nguyên, một khi quy hoạch được một không gian văn hóa gắn với thiên nhiên, rừng núi, tính thiêng, chắc chắn công tác bảo tồn di sản cồng chiêng sẽ ngày một tốt hơn. “Trong khi khai thác các giá trị văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách, chúng tôi chỉ đạo các điểm, khu du lịch đặc biệt quan tâm đến yếu tố bài chiêng gốc, điệu múa xoang gốc, bên cạnh giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng về ẩm thực đậm chất bản địa”, bà Nguyên nhấn mạnh. Cuối cùng, bà Nguyên cho rằng: “Bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là công việc của mỗi cơ quan quản lý Nhà nước mà nó cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, doanh nghiệp là nguồn lực rất thuận lợi. Ngành văn hóa địa phương hết sức khuyến khích các doanh nghiệp có điều kiện tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng bằng việc đưa âm nhạc cồng chiêng vào hoạt động du lịch. Như vậy, việc duy trì và phát huy giá trị di sản này sẽ đem lại một sự hoàn mỹ”.
 
TRỊNH CHU - NDONG BRỪM