Phân tích chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên thực tế hộ nghèo ở Lâm Ðồng

08:06, 12/06/2018

Theo Quyết định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ (số 59/2015/QÐ-TTg), các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. 

Theo Quyết định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ (số 59/2015/QÐ-TTg), các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. 
 
Người nghèo trong tỉnh được mổ mắt miễn phí từ chương trình đem ánh sáng cho người nghèo của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh. Ảnh: A.N
Người nghèo trong tỉnh được mổ mắt miễn phí từ chương trình đem ánh sáng cho người nghèo
của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh. Ảnh: A.N

Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có 12.168 hộ (chiếm 3,91%), trong đó: hộ nghèo DTTS có 8.021 hộ (chiếm 11,56%). Tổng số hộ cận nghèo 15.267 hộ (chiếm 4,91%), trong đó DTTS 7.617 hộ (chiếm 10,97%).
 
Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các địa phương như sau: ở mức thấp nhất tỉnh là TP Đà Lạt 0,13% (còn 54 hộ nghèo) và hộ cận nghèo 0,25%; TP Bảo Lộc: hộ nghèo 0,97% và cận nghèo 2,03%; Đức Trọng: hộ nghèo 1,27% và cận nghèo 2,42%; Đạ Huoai: hộ nghèo 2,09% và cận nghèo 2,31%; Đơn Dương: hộ nghèo 3,01% và cận nghèo 5,23%; Bảo Lâm: hộ nghèo 4,06% và cận nghèo 6,67%; Lâm Hà: hộ nghèo 4,11% và cận nghèo 6,31%; Đạ Tẻh: hộ nghèo 4,7% và cận nghèo 7,02%; Cát Tiên: hộ nghèo 5,01% và cận nghèo 4,48%; Di Linh: hộ nghèo 6,14% và cận nghèo 6,21%; Lạc Dương: hộ nghèo 7,9% và cận nghèo 13,27%; Đam Rông: hộ nghèo 27,47% và cận nghèo 22,46%.
 
Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản: tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Theo tiêu chí về nghèo 6 chiều này, một gia đình được coi là hộ nghèo nghiêm trọng nếu hộ đó thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên. Toàn tỉnh số hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ cơ bản có 4.544 hộ (chiếm 37,34% số hộ nghèo). 
 
Nghèo về thu nhập vẫn chiếm đa số các hộ nghèo toàn tỉnh, thống kê hộ nghèo về thu nhập có 7.624 hộ (chiếm 62,66% tổng số hộ nghèo). Chuẩn nghèo về thu nhập: ở khu vực nông thôn là 700 ngàn đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900 ngàn đồng/người/tháng. Chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị là 1,3 triệu đồng/người/tháng. 
 
Chuẩn nghèo về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn: hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên đủ 15 tuổi sinh từ năm 1986 trở lại không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không đi học, có 3.523 hộ (chiếm 28,95%). Tình trạng đi học của trẻ em: hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5 - 14 tuổi) hiện không đi học, có 1.098 hộ (chiếm 9,02%). 
 
Chuẩn nghèo về y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế: hộ gia đình có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa bệnh (ốm đau được xác định là bị bệnh hoặc chấn thương nặng đến mức phải nằm một chỗ và phải có người chăm sóc tại giường hoặc nghỉ việc, nghỉ học không tham gia được các hoạt động bình thường) có 983 hộ (chiếm 8,08%). BHYT: hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện tại không có BHYT có 3.794 hộ (chiếm 31,18%). 
 
Chuẩn nghèo về nhà ở (chất lượng nhà ở: hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ (nhà ở chia thành 4 cấp độ: nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ) có 4.885 hộ (40,15%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8 m2, có 5.850 hộ (48,08%).
 
Chuẩn nghèo về điều kiện sống (nguồn nước sinh hoạt: hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, có 1.773 hộ (14,57%). Hố xí/nhà vệ sinh: hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh, có 6.104 hộ (50,16%). 
 
Chuẩn nghèo về tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông: hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và internet, có 1.626 (13,36%). Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin: hộ gia đình không có tài sản nào trong số các tài sản: tivi, đài, máy vi tính; và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn, có 1.587 hộ (13,04%).
 
Trong 15.267 hộ cận nghèo toàn tỉnh, mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như sau: tiếp cận dịch vụ y tế 1.135 hộ (7,43%); BHYT 5.412 hộ (35,45%); trình độ giáo dục người lớn 3.750 hộ (24,56%); tình trạng đi học của trẻ em 1.146 hộ (7,51%); chất lượng nhà ở 3.817 (25%); diện tích nhà ở 4.683 hộ (30,67%); nguồn nước sinh hoạt 1.692 hộ (11,08%); nhà tiêu hợp vệ sinh 5.064 hộ (33,17%); sử dụng dịch vụ viễn thông 1.268 hộ (8,31%); tài sản phục vụ tiếp cận thông tin 1.055 hộ (6,91%).
 
Trong năm 2017, toàn tỉnh có 4.891 hộ thoát nghèo, 113 hộ tái nghèo và số hộ nghèo phát sinh 1.107 hộ. Trong đó khu vực thành thị có 639 hộ thoát nghèo, 20 hộ tái nghèo và 121 hộ nghèo phát sinh; khu vực nông thôn có 4.252 hộ nghèo, 93 hộ tái nghèo và 986 hộ nghèo phát sinh.
 
Toàn tỉnh có 5.169 hộ thoát cận nghèo, 205 hộ tái cận nghèo và số hộ cận nghèo phát sinh là 3.805 hộ. Khu vực thành thị có 934 hộ thoát cận nghèo, 84 hộ tái cận nghèo và 567 hộ cận nghèo phát sinh. Khu vực nông thôn có 4.235 hộ thoát cận nghèo, 121 hộ tái cận nghèo và 3.238 hộ phát sinh cận nghèo.
 
Hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách ưu đãi người có công còn 9 hộ (chiếm 0,07%). 
 
Ở góc nhìn đa chiều, người nghèo ở Lâm Đồng chiếm phần lớn là do yếu tố thu nhập (chiếm 62,66%); kế đến là nghèo về điều kiện môi trường sống, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chiếm trên 50%; nghèo do chưa đảm bảo nhu cầu cơ bản nhất là nhà ở (khoảng 44%); nghèo về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, không có BHYT chiếm 31%; nghèo do thiếu hụt kiến thức về giáo dục cho người lớn gần 29% và trẻ em 9%; còn khoảng 13% người nghèo về khả năng tiếp cận thông tin. Các yếu tố này cũng ảnh hưởng tương tự đối với hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
AN NHIÊN