Sẻ giọt máu đào - trao niềm hy vọng

08:06, 11/06/2018

Hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến máu cứu người, họ sẵn sàng cho đi những giọt máu đào với niềm vui sẽ giúp được ai đó. Họ vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa là người tích cực cổ vũ tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện. 

Hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến máu cứu người, họ sẵn sàng cho đi những giọt máu đào với niềm vui sẽ giúp được ai đó. Họ vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa là người tích cực cổ vũ tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN). 
 
Trong những năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh luôn đi đầu trong phong trào HMTN. Sinh viên, cán bộ, giảng viên của các trường là lực lượng chính tham gia và vận động hiến máu. Và từ những đơn vị máu thu được này đã đóng góp đáng kể vào ngân hàng máu của tỉnh, phục vụ đắc lực cho việc chữa bệnh cứu người. Dưới đây là 3 tấm gương cán bộ, giảng viên, sinh viên tiêu biểu trong phong trào HMTN.
 
Thủ lĩnh thanh niên 21 lần HMTN
 
Hỏi về số lần tham gia HMTN, Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) - Phan Tuấn Anh phải bấm tay nhiều lần. Và con số 21 được anh đưa ra với nhiều tấm hình làm “bằng chứng”. Bắt đầu tham gia HMTN từ những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường, Tuấn Anh cho rằng: “Cứ nghĩ máu mình cho đi khi một ai đó đang cần, và giúp được người khác là mình thấy vui rồi. Tuổi trẻ phải cống hiến thanh xuân, đó cũng là kỷ niệm để sau này nhìn lại thấy rằng mình làm được việc có ích”. 
 
Thủ lĩnh thanh niên Phan Tuấn Anh (phải) đã 21 lần tham gia HMTN
Thủ lĩnh thanh niên Phan Tuấn Anh (phải) đã 21 lần tham gia HMTN

Có lẽ vì vậy mà sau khi tốt nghiệp rồi ở lại trường công tác, trong vai trò Phó Chủ tịch Hội Sinh viên, Tuấn Anh không chỉ tiếp tục tham gia hiến máu mà còn “hô hào” để phong trào HMTN của Trường ĐHĐL liên tục đứng thứ 2 toàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, Tuấn Anh là “đầu tàu” trong việc tổ chức, vận động sinh viên tham gia hiến máu. Để sinh viên hiểu và không e ngại khi tham gia HMTN, Tuấn Anh cùng Đoàn trường, Hội Sinh viên đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều cách như: tổ chức cho nhóm sinh viên ghi danh tại cổng trường; đưa thông tin lên trang fanpage của trường; tranh thủ giờ giải lao đến tận giảng đường vận động, tuyên truyền cho sinh viên… Bên cạnh đó, thành lập Câu lạc bộ HMTN và CLB Nhóm máu hiếm để sẵn sàng tham gia hiến máu đột xuất khi bệnh viện cần. 
 
Mỗi năm, ĐHĐL tổ chức 4 đợt HMTN, thu hút khoảng 3.000 - 3.200 lượt sinh viên, cán bộ, giảng viên tham gia và thu về hơn 1.000 đơn vị máu. Các đợt được tổ chức vào thời gian cố định để sinh viên chủ động về sức khỏe cho việc tham gia hiến máu. “Việc này đã trở thành thông lệ và tạo thói quen cho sinh viên, cứ chưa thấy có đợt hiến máu là nhiều sinh viên lại hỏi”, Tuấn Anh chia sẻ. Nghĩa cử cao đẹp của Bí thư Đoàn Trường ĐHĐL - Phan Tuấn Anh đã được ghi nhận khi nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, của Chủ tịch UBND tỉnh, của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh… 
 
Cùng sinh viên hiến máu
 
Cùng với hàng trăm sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt tham gia HMTN đợt 1 năm 2018, thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng ngồi vào bàn viết phiếu đăng ký. Đây đã là lần thứ 12, thầy Sơn tham gia HMTN. Từ những ngày mới vào công tác tại Đại học Yersin, là Bí thư Đoàn trường, thầy Sơn luôn tiên phong trong phong trào HMTN. Có lẽ vì vậy mà phong trào HMTN lan tỏa trong sinh viên toàn trường. Theo thầy Sơn, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương để sinh viên noi theo, trong bất cứ trường hợp nào cũng vậy, HMTN cũng không ngoại lệ. 
 
Thầy Nguyễn Thanh Sơn luôn tham gia HMTN cùng sinh viên
Thầy Nguyễn Thanh Sơn luôn tham gia HMTN cùng sinh viên

Cứ vậy, mỗi đợt HMTN nhà trường tổ chức, bóng dáng thầy Sơn trở nên quen thuộc và hầu như không thể thiếu. Nhiều sinh viên mới đầu còn e dè, nhưng nhiều lần thấy thầy vui vẻ khi hiến máu, đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
 
“Nói thật lòng thì tôi cũng từng có giai đoạn rất băn khoăn không biết việc hiến máu có hại cho bản thân hay không. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhiều tài liệu thì tôi không còn những băn khoăn này nữa mà hoàn toàn yên tâm rằng hiến máu không chỉ giúp ích cho người khác mà còn có lợi cho cơ thể người hiến máu. Đó là cơ sở và động lực để tôi tiếp tục hiến máu và tự tin nói với các bạn đồng nghiệp và sinh viên hãy mạnh dạn tham gia hiến máu tình nguyện. Tôi sẽ thật vui và tự hào khi thấy máu của mình có thể giúp ích cho ai đó qua khỏi cơn nguy kịch. Đó cũng là lời động viên mà tôi hay nói với các bạn sinh viên trước mỗi đợt HMTN nhà trường tổ chức. Bản thân tôi thì sẽ tiếp tục hiến và vận động đồng nghiệp, người thân và sinh viên tham gia hiến máu”, thầy Sơn cho hay.
 
Hàng năm, thầy Sơn cùng với khoảng 300 - 400 sinh viên hăng hái đăng ký tham gia HMTN, và Đại học Yersin đã đóng góp khoảng hơn 300 đơn vị máu phục vụ cho việc chữa bệnh cứu người của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Phong trào HMTN ở Đại học Yersin cứ thế được duy trì đều đặn theo bước chân của người thầy luôn đồng hành cùng sinh viên trong mỗi đợt “sẻ giọt máu đào - trao niềm hy vọng”.  
 
Sẻ chia máu đào của cô sinh viên điều dưỡng
 
Là sinh viên Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Nguyễn Thị Nhựt Hồng hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Tham gia hiến máu từ khi còn là sinh viên năm nhất, đến nay, khi đã là sinh viên năm thứ ba, Nhựt Hồng đều đặn tham gia các đợt HMTN do trường tổ chức định kỳ 2 lần/năm. Dáng người nhỏ bé nhưng Nhựt Hồng không lo ngại về sức khỏe khi hiến máu, bởi theo em: “Hiến máu là việc có ích cho xã hội, là sinh viên Khoa Điều dưỡng thì việc này càng cần thiết. Cũng vì được học nên thấy việc hiến máu không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ, ngược lại rất tốt cho cơ thể chúng ta”.
 
Nhựt Hồng (bìa trái) động viên bạn khi HMTN
Nhựt Hồng (bìa trái) động viên bạn khi HMTN

Có lẽ vậy mà ngoài việc tham gia HMTN, nằm trong Ban Chấp hành Đoàn khoa, Nhựt Hồng trực tiếp đứng ra vận động và giải thích về việc hiến máu để các bạn trong khoa yên tâm đăng ký. Và thành tích về HMTN của Khoa Điều dưỡng luôn đứng đầu toàn trường. 
 
6 lần tham gia HMTN tại trường, Nhựt Hồng đã đôi lần hiến máu đột xuất khi bệnh viện cần. Đó là những lúc đi thực tập với ca trực trong đêm, khi có bệnh nhân cần máu gấp, Hồng sẵn sàng thử máu để hiến nếu phù hợp. 
 
TUẤN HƯƠNG