Thế giới ngày hè...

08:06, 19/06/2018

Mùa hè - mùa vui chơi, nghỉ ngơi của lứa tuổi học trò sau 9 tháng miệt mài học tập. Thế nhưng, thế giới mùa hè của tuổi thơ đang ngày càng bị thu hẹp do thiếu nhiều yếu tố: thiếu sân chơi, cha mẹ thiếu thời gian cho con, thiếu sự an toàn... 

Mùa hè - mùa vui chơi, nghỉ ngơi của lứa tuổi học trò sau 9 tháng miệt mài học tập. Thế nhưng, thế giới mùa hè của tuổi thơ đang ngày càng bị thu hẹp do thiếu nhiều yếu tố: thiếu sân chơi, cha mẹ thiếu thời gian cho con, thiếu sự an toàn... Việc mang đến một mùa hè thật sự bổ ích và ý nghĩa cho con trẻ hiện nay vẫn là “bài toán” khó tìm lời giải của nhiều gia đình. 
 
Dù bận rộn nhưng nhiều phụ huynh vẫn tranh thủ đưa con đến Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng để học mà chơi - chơi mà học trong dịp hè. Ảnh: V.H
Dù bận rộn nhưng nhiều phụ huynh vẫn tranh thủ đưa con đến Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng
để học mà chơi - chơi mà học trong dịp hè. Ảnh: V.H

Nửa tháng hè
 
Khái niệm “ba tháng hè” của tuổi học trò trước đây dường như trở nên xa lạ với học sinh ngày nay. Bởi, thời gian từ khi kết thúc năm học cho đến ngày tựu trường của năm học mới, nếu được nghỉ hè đúng nghĩa thì cũng chỉ khoảng 2,5 tháng. Thế nhưng, đối với đa số trẻ em bây giờ, con số 2,5 tháng này lại bị rút ngắn xuống nửa tháng, thậm chí một tuần. Mùa hè là thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi của các con nhưng cũng khiến nhiều bậc cha mẹ áp lực. Không có người coi con, sợ con chơi quên học...; nhiều lý do khiến trẻ em hiện nay dường như không có mùa hè. 
 
Con trai chị Hà Thanh Thủy - Phường 5, Đà Lạt, năm nay lên lớp 1. Sau một tuần nghỉ hè kể từ ngày tổng kết năm học, chị Thủy vội vàng gửi con đến học hè tại nhà cô giáo. “Một phần do hai vợ chồng đều làm công chức nhà nước không có thời gian coi con, phần khác muốn con có kiến thức vững vàng khi vào lớp 1 nên tôi đành cho con đi học chỉ sau một tuần nghỉ hè. Thấy con không được nghỉ hè nhiều, tôi cũng thương nên xin cô giáo cho đi học sau các bạn một tuần, nhưng thú thật trong lòng vẫn sợ con không theo kịp bạn bè khi cô giáo đã mở lớp từ đầu tháng 6”, chị Thủy chia sẻ. 
 
Còn chị Thu Hương - nhân viên Viettel có hai con trai, sang năm học mới sẽ lên lớp 6 và lớp 3. Cả hai vợ chồng đều bận rộn với công việc, trong năm học ngoài giờ học chính khóa ở trường, sau khi tan học, anh chị lại gửi con cho cô giáo kèm đến 7 giờ tối mới đón về. Nghỉ hè, không có ai ở nhà trông con, cộng với việc sợ con không theo kịp bạn bè khi các lớp học hè đã “rậm rịch” mở sau khi kết thúc năm học nửa tháng. Vậy là sau một tuần cho về ngoại và một tuần về nội chơi, hai con trai của chị lại tiếp tục hành trình với sách vở tại nhà cô giáo. “Chẳng biết làm thế nào, ở nhà thì không ai coi, gửi về nội, ngoại thì sợ chơi quên học nên đành cho con đi học hè sớm”, chị Hương thở dài. Còn hai cậu con trai của chị cứ nhắc mãi về những trò chơi vui vẻ khi được về nội, ngoại nghỉ hè nửa tháng. 
 
Một giáo viên tiểu học ở Đà Lạt cho hay, việc mở các lớp dạy hè sớm một phần do nhu cầu phụ huynh, phần khác lớp học được mở sớm để có nhiều thời gian củng cố kiến thức cho học sinh, vì đầu tháng 8 giáo viên phải đi tập huấn chuẩn bị năm học mới nên lớp học cũng sẽ kết thúc vào cuối tháng 7. 
 
Giải pháp trong mùa hè
 
Không cho con đi học hè, một số phụ huynh lại chọn cách gửi con về nội, ngoại suốt những tháng hè, vừa có người coi con, vừa để con được “vẫy vùng” trong thế giới mùa hè, nhưng lại canh cánh nỗi lo con không theo kịp chương trình trong khi bạn bè đều đi học hè.
 
Trong khi đó, nhiều gia đình lại cho con nghỉ hè với thế giới tivi, điện thoại. Cha mẹ đi làm và khóa trái cửa lại, mặc con “ôm” màn hình từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều để đảm bảo an toàn vì không dám để con ra ngoài. “Ngày trước, cứ nghỉ hè là mình cùng đám bạn trong xóm đi thả diều, đá bóng, thật thú vị. Nhưng bây giờ, thật sự không dám cho con ra ngoài đường để tránh nguy hiểm. Biết là để con ở trong bốn bức tường cũng tội, nhưng không còn cách nào khác vì cả hai vợ chồng đều bận đi làm”, anh Hữu Duy - Phường 9, Đà Lạt tặc lưỡi. 
 
Cũng có những bậc phụ huynh cho con tham gia các sân chơi bổ ích vào dịp hè để con không “dán mắt” suốt ngày vào màn hình tivi, điện thoại, nhưng cũng chỉ tranh thủ vào cuối tuần. Cùng với học văn hóa, chị Hồng Vân - thợ may tại Phường 2, Đà Lạt lại tranh thủ thời gian đưa đón con gái 8 tuổi đến học múa tại Nhà Thiếu nhi (NTN) Lâm Đồng vào mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Chị cho hay: “Từ thứ hai đến thứ sáu tôi gửi cháu học hè ở nhà cô, hai ngày cuối tuần thấy cháu cứ xem tivi, điện thoại nhiều nên tôi cho cháu đi học múa. Tôi thấy cháu cũng vui vì sau những ngày đi học lại được tham gia múa hát theo đúng sở thích. Mùa hè của cháu, tôi cũng chỉ biết cho cháu vừa học, vừa chơi chứ cũng không thể cho con được tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ hè như mình ngày trước. Điều kiện bây giờ phải chấp nhận thế thôi”.
 
Nhiều trẻ em chọn sách là người bạn mỗi dịp hè về. Ảnh: V.H
Nhiều trẻ em chọn sách là người bạn mỗi dịp hè về. Ảnh: V.H

Cho mùa hè sôi động
 
Để mùa hè thêm sôi động, NTN Lâm Đồng - sân chơi lớn nhất dành cho trẻ em ở Đà Lạt cũng tăng cường hơn các hoạt động. Mỗi dịp hè, NTN lại mở thêm nhiều lớp năng khiếu để đáp ứng nhu cầu học mà chơi - chơi mà học của thiếu nhi. Nếu như trong năm học, NTN chỉ mở khoảng 17 bộ môn năng khiếu với hơn 100 lớp thì dịp hè, số lớp tăng hơn 200 với 21 bộ môn. Đặc biệt, bộ môn đá bóng và kỹ năng sống dành riêng cho dịp hè thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Mùa hè cũng là dịp NTN tổ chức các hoạt động như hội thi, liên hoan, hội trại... để thiếu nhi có những sân chơi sôi động, bổ ích. Mỗi dịp hè, các lớp năng khiếu của NTN thu hút hơn 2.000 em. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời tại khu vui chơi trong khuôn viên NTN cũng phục vụ hàng ngàn trẻ em đến giải trí. Anh Nguyễn Khắc Hội - Phòng Hành chính NTN Lâm Đồng cho biết: “Mùa hè là dịp học sinh không tham gia học văn hóa tại nhà trường nên có thời gian học năng khiếu. Vì vậy, NTN mở thêm một số bộ môn phục vụ nhu cầu các em đến vui chơi, giải trí. Hè cũng là dịp số lượng thiếu nhi tham gia đông hơn nên NTN cũng tăng cường các lớp học với mong muốn tạo cho các em sân chơi vui vẻ”. 
 
Cùng với đó, nhiều trung tâm ra đời tạo thêm những sân chơi mới cho trẻ trong dịp hè. Lần đầu tiên khai giảng trong mùa hè 2018, lớp học Magic For Kids (ảo thuật dành cho thiếu nhi) tại Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Đà Lạt đặt tại Trường THCS Nguyễn Du (Phường 2, Đà Lạt) mở ra một sân chơi hoàn toàn mới mẻ. Ngoài ra, các khóa học giao tiếp ứng xử và khám phá bản thân, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... của Trung tâm nhằm phát triển kỹ năng cho trẻ cũng là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh và học sinh. Hoạt động từ hè năm 2017, đây là trung tâm duy nhất được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép về lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi. Với đội ngũ giáo viên là những giảng viên trẻ chuyên ngành tâm lý, công tác Đội, giáo dục tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, trung tâm thực hiện các khóa học giúp trẻ có điều kiện phát triển kỹ năng sống. 
 
Các phường, xã đến thôn, tổ dân phố cũng tổ chức nhiều hoạt động hè cho học sinh khi các em tạm xa ghế nhà trường, trở về sinh hoạt nơi cư trú. Văn nghệ, thể thao, các hội thi... là sân chơi bổ ích để các em hòa mình vào mùa hè sôi động. Những buổi sinh hoạt định kỳ tối chủ nhật hàng tuần suốt hơn 2 tháng hè mà Tổ dân phố (TDP) 3 Lữ Gia phối hợp với Chi đoàn Thanh niên tổ chức đã tập hợp được đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng trong tổ dân phố. “Tổ dân phố tổ chức khai mạc hoạt động hè và nhiều hoạt động diễn ra suốt mùa hè, cũng như tổng kết, trao thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập và cấp giấy chứng nhận tham gia sinh hoạt hè. Tất cả nhằm tạo ra sân chơi để thanh thiếu niên, nhi đồng gặp gỡ, giao lưu và đặc biệt là hạn chế việc ham chơi dẫn đến tình trạng lêu lổng của một số em”, ông Phạm Đình Chiến - Tổ trưởng TDP 3 Lữ Gia cho biết.
 
Một mùa hè vui tươi, bổ ích, đúng nghĩa đang dần trở nên “xa xỉ” với tuổi thơ ngày nay. Những chiều thả diều, bắt bướm trên cánh đồng mênh mông hay chơi trò đánh trận giả men theo những triền đồi rợp nắng chỉ còn trong câu chuyện ông bà, cha mẹ kể lại như hồi ức về một kỷ niệm đẹp. Việc tạo ra nhiều sân chơi, cha mẹ giảm bớt áp lực học hành cho con cái hay dành thời gian hơn cho con... là điều rất cần khi mà mùa hè được đông đảo học sinh, thiếu nhi mong đợi. 

Anh Trần Duy Khôi - Phó Giám đốc NTN Lâm Ðồng: “Tạo môi trường giáo dục nhẹ nhàng mà không áp lực”
 
Mùa hè là dịp để thiếu niên, nhi đồng nghỉ ngơi sau những tháng ngày học tập. Tuy nhiên, để các em không vì việc vui chơi mà quên đi kiến thức, NTN tổ chức các lớp học văn hóa như Anh văn, Tin học, Toán tư duy... kết hợp với các lớp năng khiếu để các em học mà chơi - chơi mà học. Giữa khuôn viên vui chơi, trải nghiệm, các em vẫn có môi trường giáo dục nhẹ nhàng nhưng không áp lực.
 
Anh Phan Văn Bông - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Ðà Lạt: “Phát triển kỹ năng sống cho trẻ là điều cần thiết”
 
Ngày nay, nhiều học sinh học khá tốt nhưng lại thiếu kỹ năng sống, chỉ biết vùi đầu vào học. Trong khi đó, ở lứa tuổi mầm non, các cháu rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Vậy làm sao để phát huy sự năng động của các cháu từ nhỏ đến khi lớn là điều đáng quan tâm. Do vậy, Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Đà Lạt tổ chức các khóa học kỹ năng để giúp trẻ có điều kiện phát triển kỹ năng sống trong điều kiện hiện nay. 
 
Chị Thu Thủy - Phụ huynh: “Tuổi thơ bao giờ trở lại”
 
Nhớ những ngày còn nhỏ, cứ mỗi dịp hè về là sách vở được cất đi để vui chơi thỏa thích. Những buổi trưa nắng mồ hôi nhễ nhại chạy đùa cùng con nít trong xóm hay những buổi tắm mưa ướt sũng nhưng vui... Bây giờ, mình cũng chẳng dám cho con trải nghiệm những thú vui của mình ngày nhỏ vì sợ con ốm, sợ con ra đường nguy hiểm... Thật sự mùa hè của các con giờ quá gò bó, về không gian, về thời gian cũng như những trò vui của trẻ nhỏ. 
 
Bé Gia Huy - Học sinh, 9 tuổi: “Con thích được nghỉ hè ở quê cùng ông bà”
 
Con thích những con cào cào tre, diều giấy được người anh họ làm. Hè năm ngoái, con được bố mẹ cho về quê suốt 2 tháng ở cùng ông bà nội. Đó cũng là lần đầu tiên con được vui với những trò vui mà con nít ở quê hay chơi. Nhưng hè năm nay, bố mẹ cho con đi học từ đầu tháng 6 sau khi nghỉ hè một tuần. Học văn hóa nhà cô giáo, học Anh văn ở trung tâm... Con muốn được về quê nghỉ hè cùng ông bà...”. 

VIỆT HÙNG