Hình ảnh một người đàn ông đứng cạnh chén bát, nồi niêu, xoong chảo, luôn tay xào nấu là một hình ảnh đẹp tạo nên "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", làm cho tổ ấm thêm hạnh phúc.
Hình ảnh một người đàn ông đứng cạnh chén bát, nồi niêu, xoong chảo, luôn tay xào nấu là một hình ảnh đẹp tạo nên “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, làm cho tổ ấm thêm hạnh phúc.
|
Người đàn ông không ngại vào bếp làm nên những “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Ảnh: T.A |
“Vào bếp” không chỉ là việc của phụ nữ
Anh T.T.Q (37 tuổi - 8bis đường 3/4 - P.3 - TP Đà Lạt) là mẫu đàn ông khiến người ngoài nhìn vào ngưỡng mộ. Cách đây 10 năm, vợ chồng lấy nhau, anh Q. không nghĩ đến chuyện sẽ thường xuyên “vào bếp”, không phải vì anh coi thường việc bếp núc, mà bởi anh nghĩ rằng việc đó với phụ nữ sẽ khéo léo hơn. Nhưng khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ anh dạy học đòi hỏi phải lên lớp đúng giờ, rồi đến giờ tan trường mới được trở về. Không thể đặt hết việc nội trợ lên vai vợ, đến bữa, anh về nhà sớm hơn, tự lao vào bếp nấu nướng, lâu dần thành quen. Thấy vợ con ăn ngon miệng, anh cảm thấy vui, anh càng quan tâm chăm chút cho những bữa cơm gia đình. Mới đầu là những món dễ, dần anh đọc thêm sách, báo, xem chương trình dạy nấu ăn và “trổ tài” thêm những món ăn phức tạp hơn, “tay nghề” ngày càng nâng cao. Là giám đốc doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh dịch vụ khử trùng cho các khách sạn ở Đà Lạt, giờ giấc không gò bó; anh nghĩ vợ cũng đi làm kiếm tiền, mình cũng kiếm tiền lo cho gia đình, thì san sẻ việc nhà với vợ là điều bình thường, nhất là trong điều kiện công việc cho phép. Vừa giúp việc nhà cho vợ, anh vẫn không ngừng mở rộng, phát triển cơ sở kinh doanh, tăng thu nhập.
Thấy chồng vừa kinh doanh vừa lo việc cơm nước vất vả, chị xin nghỉ dạy ở nhà cùng anh phát triển cơ sở dịch vụ. Có vợ phụ giúp, những bữa cơm gia đình thêm ấm áp dưới bàn tay của anh. Anh như một đầu bếp thực thụ, nấu món ăn vừa ngon, vừa phù hợp với từng độ tuổi lớn lên của các con, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Dựa vào khẩu vị, sở thích của vợ con mà anh nấu những món ăn hấp dẫn hơn cả quán xá, nên “cơm hàng cháo chợ” bày bán không có sức hút đối với gia đình anh chị. Mùa hè này họ đi du lịch ở nước ngoài, vắng xa bếp nhà, thưởng thức những món ăn mới, nhưng chị T.T.B vợ anh Q. cười rạng rỡ hạnh phúc sau chuyến du lịch dài “Không ở đâu ngon bằng cơm chồng nấu”.
Vào bếp để chia sẻ
Trao đổi với tôi, 80% đàn ông ở xóm nhỏ đường Hàn Thuyên (P.5 - Đà Lạt), họ làm nhiều nghề khác nhau như: công chức, công an, bộ đội, kinh doanh, lao động phổ thông... đều nói rằng việc họ giúp đỡ vợ con nấu nướng mỗi bữa ăn trong gia đình là chuyện thường xuyên và cảm thấy vui vì điều này.
Nhanh tay đảo chảo rau muống xào tỏi thơm nức, anh T tâm sự “Không ai sinh ra đã biết vào bếp nấu ăn, quan trọng nhất là mình có muốn ghé vai chia sẻ việc nhà với vợ hay không”. Cách đây 20 năm, vợ chồng lấy nhau, cuộc sống khó khăn, mỗi người đều bận công việc để lo cho cuộc sống gia đình. Thời gian đầu, như bao người đàn ông khác, anh T. cũng chờ vợ về nấu cơm. Làm công tác xã hội khiến chị N. phải thường xuyên đi sớm về trễ, nhiều lần anh về sớm hơn, nghĩ mình sức dài vai rộng, vào bếp nấu cơm chăm sóc vợ con một chút thì có sao đâu. Bữa cơm đầu tiên không được ngon, nhưng khi về đến nhà, canh cơm nóng hổi đã chờ sẵn, nhìn vào mắt bà xã, anh T. thấy niềm vui đong đầy trong đó. “Lúc đó, mình hiểu rằng, niềm hạnh phúc không thể là lời nói suông mà phải bằng hành động sẻ chia thực sự”.
Từ đó, cứ đi làm về sớm là anh nấu cơm, mãi thành quen, những bữa cơm cũng ngon dần lên. Có chồng đỡ đần việc bếp núc, chị N. không ngừng thăng tiến, chị luôn yên tâm mỗi chuyến đi công tác xa không còn lo con cái ở nhà đói cơm lạt muối, ăn uống thất thường. Việc các con ngày càng thích ăn “cơm bố nấu” là nguồn động lực để anh “vào bếp” nấu nên những bữa cơm ngon, đủ chất, vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Mỗi khi có bạn bè của chồng và vợ đến chơi, anh T. vẫn luôn đảm nhận nhiệm vụ “đầu bếp” nấu ăn đãi khách. Giờ anh đã nghỉ hưu, lại càng có thời gian “vào bếp” chăm sóc gia đình. Sau giờ làm việc, chị vẫn thường gọi hỏi chồng “Hôm nay nhà mình ăn gì?” và chị đi chợ mua theo thực đơn đổi món của anh, rồi trở về nhà phụ giúp chồng nấu nướng…
Thay đổi quan niệm bằng hành động
Số người phụ nữ may mắn có chồng vào bếp chưa nhiều, bởi vì không ít người vẫn quan niệm việc bếp núc là của đàn bà. Vì thế, rất nhiều người đàn ông sau giờ làm việc tự cho mình quyền được nằm đọc báo, xem tivi, lướt web, chơi trò chơi điện tử, chờ vợ về nấu cơm. Mọi nhọc nhằn đè lên vai người phụ nữ. Trong khi đó, rất nhiều chị em phụ nữ vẫn vừa lao động, làm việc kiếm tiền như nam giới, sau đó lại đầu tắt mặt tối với con cái, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ... khiến nhiều người có cảm giác là “đầy tớ không công”, bị bóc lột trong chính ngôi nhà của mình. Khi sức chịu đựng quá giới hạn sẽ nảy sinh những bữa “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, “đá thúng đụng nia”, mất đi sự đầm ấm, yêu thương.
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ có thể bước ra xã hội làm những công việc đàn ông làm được, cũng kiếm tiền vun đắp cho gia đình thì đàn ông cũng hoàn toàn có thể vào bếp phụ giúp vợ làm công việc nội trợ. Hạnh phúc gia đình không chỉ do đôi tay yếu mềm của một mình người phụ nữ bồi đắp mà thành, mà phải có cả người đàn ông chung sức ghé vai gánh vác, sẻ chia những lo toan, vất vả. Những công việc không hề nặng nhọc, nhưng hành động sẻ chia, chăm sóc gia đình mới là sự quan tâm, trách nhiệm thực sự, làm nên những gia đình hạnh phúc, ấm áp yêu thương.
THÁI AN