Giảm nghèo đa chiều, tạo dựng tương lai

10:06, 14/06/2018

Lâm Ðồng, với 24% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, từ nhiều năm nay đã thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình DTTS giảm nghèo đa chiều.

Lâm Ðồng, với 24% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, từ nhiều năm nay đã thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình DTTS giảm nghèo đa chiều.
 
Chị Rơ Ông K’Nga, Thôn 5 Liêng Srônh vay vốn để trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: D.Q
Chị Rơ Ông K’Nga, Thôn 5 Liêng Srônh vay vốn để trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: D.Q

Lâm Đồng đã phát huy tốt hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đó là kết luận của ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại tỉnh Lâm Đồng sau những ngày đi thực địa cùng bà con hai huyện Đam Rông và Lạc Dương.
 
Chị K’Diệu, Thôn 2, xã Liêng Srônh vừa giở cuốn sổ vay vốn, vừa chia sẻ quá trình thoát nghèo của gia đình chị. Có hai ha cà phê nhưng năng suất thấp do không có tiền chăm bón, may mắn chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Lâm Đồng. Có tiền, chị mua phân bỏ cà phê và cây không phụ lòng chị, năng suất đã ổn định hơn. Chị nuôi thêm vài con bò và từ thu nhập gia đình, chị đã xây được nhà mới, cho con tới trường. Năm 2016, chị K’Diệu đã chủ động thoát nghèo. Chị bảo: “Nói chung gia đình chăm chỉ làm ăn, vay tiền ngân hàng rồi chịu khó trả, nhà cũng ổn, xã vận động và mình cũng thấy mình không còn quá nghèo nữa nên thoát nghèo, để giúp chị em khác. Giờ mình vẫn sinh hoạt trong tổ vay vốn tiết kiệm của phụ nữ, tháng nào cũng chịu khó trả lãi, tiết kiệm thêm 20 ngàn, khi nào có tiền thì gửi 50 ngàn”. Sau gần 5 năm vay vốn của Ngân hàng CSXH, chị K’Diệu chưa bao giờ chậm lãi, chậm trả gốc và thành quả lớn nhất là số dư tiết kiệm gần 1,3 triệu đồng trong ngân hàng.
 
Chị K’Diệu đang trò chuyện cùng Thứ trưởng Phan Văn Hùng. Ảnh: D.Q
Chị K’Diệu đang trò chuyện cùng Thứ trưởng Phan Văn Hùng. Ảnh: D.Q

Chị K’Diệu là một trong số hàng ngàn gia đình bà con DTTS ở Lâm Đồng được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Theo thống kê từ Ngân hàng CSXH chi nhánh Lâm Đồng, từ năm 2007 tới 2018, doanh số cho vay tín dụng chính sách xã hội là trên 7 ngàn tỷ đồng với gần 500 ngàn lượt khách vay vốn. Tới thời điểm hiện tại, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH Lâm Đồng là gần 3 ngàn tỷ đồng với trên 97 ngàn hộ vay, chủ yếu ở các địa phương có đông người đồng bào DTTS như Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm. Vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH là vay tín chấp, mỗi hộ được vay tối đa 50 triệu đồng và trả lãi hàng tháng thông qua các tổ vay vốn & tiết kiệm. Anh Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Kế hoạch - Tín dụng, Ngân hàng CSXH Lâm Đồng chia sẻ: “Chúng tôi cho vay giải ngân trực tiếp tới khách hàng nhưng ở địa phương, người vay sinh hoạt qua các tổ vay vốn và tiết kiệm. Hàng tháng tổ sinh hoạt định kỳ, trả lãi và thúc đẩy thành viên sản xuất cũng như tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm có ít có nhiều, chúng tôi đều nhận và đưa vào tài khoản tiết kiệm cho khách hàng. Mô hình sinh hoạt qua tổ rất hiệu quả, giúp bà con trả lãi thuận lợi, cùng giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như giúp ngân hàng không bị thất thoát vốn vay”.
 
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong 10 năm qua đã giúp trên 11.500 hộ DTTS thoát nghèo, tạo việc làm, giúp đời sống của đồng bào DTTS tốt hơn theo giảm nghèo chuẩn đa chiều. Tại Lâm Đồng, Ngân hàng CSXH có 13 chương trình tín dụng ưu đãi, từ cho vay phát triển sản xuất, cho vay cải thiện nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay đi lao động ở nước ngoài…, đã góp phần giúp đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt về chất, không chỉ thu nhập tăng mà chất lượng sống cũng tăng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giúp vùng đồng bào DTTS Lâm Đồng vươn lên vượt qua cái đói dai dẳng, xây dựng một nền móng bền vững cho tương lai.

ÔNG PHAN VĂN HÙNG - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:
 
Qua khảo sát chúng tôi thấy, Lâm Đồng là địa phương đã thực hiện rất tốt hoạt động tín dụng ưu đãi cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn và tôi mong mỏi chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ khác như cung cấp khoa học kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con có cơ sở tiếp cận các nguồn vốn vay đa dạng hơn. Đánh giá chung, cùng nguồn vốn tín dụng ưu đãi và nhiều chính sách hỗ trợ, tỷ lệ bà con DTTS Lâm Đồng giảm nghèo theo chuẩn đa chiều là rất đáng khích lệ.
 
ÔNG NGUYỄN VĂN YÊN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng:
 
Khác với nhiều địa phương khác, bà con DTTS ở Lâm Đồng tham gia làm nông nghiệp CNC là khá lớn. Muốn chuyển đổi sang NNCNC cần vốn lớn, tôi đề nghị Chính phủ có chính sách tiền vay ưu đãi cho hộ DTTS làm NNCNC với con số lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cây trồng. Đây sẽ có cú hích hiệu quả, giúp vùng đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà sẽ là làm giàu bền vững.
 
ÔNG ÐÀO ANH TUẤN - Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác - Ngân hàng CSXH Việt Nam:
 
Ngân hàng chúng tôi đã xây dựng được một cơ chế cho vay - thu lãi - tiết kiệm - thu hồi vốn hiệu quả dựa vào cộng đồng. Như ở Lâm Đồng, tỷ lệ nợ quá hạn hay không thu hồi được nợ trong vùng đồng bào DTTS rất thấp, chứng tỏ chúng tôi đã đi đúng hướng. Không chỉ giúp vốn cho khách hàng, việc tiết kiệm hàng tháng với số tiền dù nhỏ đã góp phần thay đổi tư duy của bà con, giúp bà con hình thành ý thức tiết kiệm, vay để sản xuất và trả lại vốn lẫn lãi suất ngân hàng. Đây chính là thay đổi quan trọng, giúp bà con vươn lên và có ý thức xây dựng tương lai.

DIỆP QUỲNH