Ðưa khởi nghiệp thành "làn sóng" mạnh mẽ (kỳ 4)

08:06, 01/06/2018

Nếu như khởi nghiệp ở TP Ðà Lạt và các huyện lân cận đã gặp nhiều thử thách, thì các bạn trẻ ở các huyện vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn gấp nhiều lần trên con đường KN. Nhiều bạn trẻ ở vùng nông thôn dù có điều kiện nhưng vẫn chưa thể KN, mà vẫn chỉ đang theo hình thức lập nghiệp truyền thống.

Thanh niên nông thôn “gặp khó”
 
[links(right)] Nếu như khởi nghiệp (KN) ở TP Ðà Lạt và các huyện lân cận đã gặp nhiều thử thách, thì các bạn trẻ ở các huyện vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn gấp nhiều lần trên con đường KN. Nhiều bạn trẻ ở vùng nông thôn dù có điều kiện nhưng vẫn chưa thể KN, mà vẫn chỉ đang theo hình thức lập nghiệp truyền thống.
 
Các buổi tập huấn kỹ năng KN được tổ chức nhằm bổ sung kiến thức về KN cho thanh niên nông thôn. Ảnh: V.Q
Các buổi tập huấn kỹ năng KN được tổ chức nhằm bổ sung kiến thức về KN cho thanh niên nông thôn. Ảnh: V.Q

KN và lập nghiệp
 
Với đặc thù nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thanh niên vùng nông thôn ở Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi để KN như nắm rõ sản phẩm lợi thế của địa phương mình để đi sâu theo hướng chế biến, diện tích đất nông nghiệp lớn, tập trung, có thể dễ dàng trở thành vùng sản xuất với quy mô lớn. Đồng thời có thể tận dụng nguồn lao động với giá thuê nhân công tại địa phương rẻ, dồi dào, có sự hỗ trợ về nhân công và kinh nghiệm của gia đình,...
 
KN (start-up) đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo. Đặc tính cơ bản của KN là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn, chẳng hạn như có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo mới. Để giải quyết các vấn đề mới, chưa có giải pháp, thì có lẽ ứng dụng công nghệ là hướng đi đa số các startup phải lựa chọn.
 
Trong khi đó, lập nghiệp được hiểu là gây dựng cơ nghiệp tương tự những doanh nghiệp, hộ gia đình khác đã và đang làm cùng mô hình kinh doanh giống bạn.
Thanh niên nông thôn cũng là một trong ba đối tượng mà T.Ư Ðoàn tiếp cận hỗ trợ trọng tâm trong Chương trình Thanh niên KN giai đoạn 2016-2021, bởi với một đất nước mà nông nghiệp đóng vai trò chủ lực như Việt Nam, thanh niên nông thôn KN thành công chắc chắn sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, góp phần thay đổi diện mạo các địa phương. T.Ư Ðoàn hướng tới mục tiêu đưa nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng nhiều trong hoạt động KN của thanh niên nông thôn. 
 
Tuy nhiên, ông Trương Văn Đức - Tổ phó Tổ hỗ trợ KN tỉnh, nhận định rằng: Hiện nay, phần lớn KN chỉ mới phát triển ở thành phố và trong sinh viên, ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế. 
 
Điều này cũng được nhận thấy trong lớp tập huấn KN cho các bạn đoàn viên, thanh niên và các doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm trên địa bàn 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai được Tổ hỗ trợ KN tỉnh phối hợp với UBND huyện Cát Tiên tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. Khi được yêu cầu đặt câu hỏi cho chuyên gia để được giải đáp những thắc mắc liên quan đến KN, không nhiều cánh tay giơ lên, và rất ít những câu hỏi đúng trọng tâm được đặt ra.
 
Theo ông Trương Văn Đức, hơn 50% thanh niên nông thôn vẫn nhầm lẫn giữa KN và lập nghiệp: “Ở các huyện vùng sâu, vùng xa, người dân vốn chỉ quanh quẩn với nương rẫy; một bộ phận không nhỏ có trình độ, kiến thức chưa cao nên không thể yêu cầu thanh niên dấn thân vào những điều thật mới mẻ. Nhiều người muốn thay đổi, muốn vươn lên thoát nông làm giàu nhưng năng lực nội tại không có thì rất khó thực hiện. Do vậy, không thể đòi hỏi ai cũng phải biết KN, bởi điều kiện tiên quyết của KN là tính đổi mới và sáng tạo. Nhiều thanh niên học xong, rời thành phố, trở về quê nhà để trồng những loại cây, nuôi những vật nuôi mà mọi người xung quanh đã làm, thì dù có thành công hay có quy mô lớn hơn cũng chỉ là lập nghiệp chứ không phải KN”.
 
Thừa nhận phong trào KN chưa thật sự có bước chuyển biến tại địa phương mình, chị Nguyễn Thị Nhung - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đam Rông, cho biết: “Hiện tại, phong trào làm kinh tế của đoàn viên, thanh niên tại Đam Rông chỉ dừng lại ở mức độ lập nghiệp chứ chưa phải là KN. Nguyên nhân là thiếu ý tưởng về KN và thiếu vốn. Bên cạnh đó, điều kiện về kinh tế, xã hội và môi trường không thuận lợi cũng là bước cản cho quá trình KN trong thanh niên vùng sâu, vùng xa nói chung. Thanh niên hầu như chưa thể tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp, vì vậy nên việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp làm ra hầu như vẫn phụ thuộc vào thị trường, trong khi nguồn vốn tích lũy cá nhân lại không nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù công tác tuyên truyền đã được tiến hành thường xuyên nhưng rõ ràng chưa nhiều người nhận thức được ý nghĩa, vai trò và nội dung của KN”.
 
Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
 
Theo đúng lộ trình của chương trình “Hỗ trợ thanh niên KN” giai đoạn 2016 - 2021 thì nhiệm vụ của 2 năm 2016, 2017 là tuyên truyền và năm 2018 là tập huấn, đào tạo chuyên sâu.
 
Tuy nhiên, theo anh Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Hiện tại, để phong trào KN có thể phát triển mạnh tại nông thôn thì công việc cần làm vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa. Vì thực tế, trừ một số ít bạn trẻ chủ động KN, còn lại đa số thanh niên nông thôn vẫn chưa biết được hết thông tin về KN, những chính sách hỗ trợ của tỉnh vẫn chưa đến được rộng rãi đoàn viên, thanh niên trên khắp các huyện, xã. Điều quan trọng nữa là phải tăng cường tuyên truyền về các gương KN thành công để “truyền lửa”, truyền đam mê và tạo động lực cho các bạn ở vùng sâu, vùng xa”.
 
Tổ hợp tác chăn nuôi bò là một trong những mô hình lập nghiệp được Huyện Đoàn Lâm Hà triển khai từ nhiều năm nay. Ảnh: V.Q
Tổ hợp tác chăn nuôi bò là một trong những mô hình lập nghiệp được Huyện Đoàn Lâm Hà triển khai
từ nhiều năm nay. Ảnh: V.Q

Bùi Thị Nga (sinh năm 1989) ở Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên - cô gái KN bằng nghề đan giỏ nhựa với số lượng thợ hơn 200 người, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi vụ sau 3 năm, cũng thừa nhận rằng: Những hiểu biết về KN của cô vẫn còn rất yếu và thiếu, bởi không dễ dàng để tiếp cận một lớp huấn luyện hay đào tạo kỹ năng KN. Đó cũng là tình trạng chung mà những người xung quanh cô đang gặp phải.
 
Một khó khăn nữa của thanh niên nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là ngại hành động, ngại thay đổi về tập quán sản xuất. Cho nên, việc áp dụng kiến thức của mình để thay đổi phương thức sản xuất tại địa phương là một quá trình lâu dài, không chỉ cần ngày một ngày hai.
 
Nói như vậy không có nghĩa là không thể trông đợi vào việc KN của thanh niên nông thôn. Bởi những giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCSHCM trao tặng những năm gần đây chính là minh chứng rõ nhất cho sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của họ.
 
Đó có thể là câu chuyện về chàng thanh niên người Dao - Triệu Văn Lưu ở thôn Păng Bah, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016; hay câu chuyện của chàng thanh niên trẻ Lê Phan Uy Phúc (33 tuổi, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), từ bỏ Trường Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh về quê nuôi heo, nuôi gà theo phương pháp mới, mang lại thu nhập khoảng hơn 900 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động với mức lương khoảng 4,5 tới 5 triệu đồng/tháng, được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017.
 
Tháng 3 vừa qua, Trung ương Đoàn cũng đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi “Ý tưởng KN sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ nhất”. Vòng chung kết và trao giải thưởng sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, hướng tới các đoàn viên, thanh niên có ý tưởng đề án, sản xuất, kinh doanh về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghệ bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
 
Chưa dám mong đợi vào những  chuyển biến đột phá mạnh mẽ, nhưng việc thanh niên tại các huyện vùng xa đã bắt đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, hay việc xuất hiện các mô hình mới,... là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự mạnh dạn, bước đầu thay đổi, chuẩn bị cho những ý tưởng mới trong thời gian tới.
 
CÒN NỮA
 
VIỆT QUỲNH