Ðại Từ - nơi khởi nguồn của ngày 27/7

08:07, 27/07/2018

Cách đây không lâu, tôi có dịp trở lại Thái Nguyên, được đi thăm một số di tích lịch sử, trong đó có xã Hùng Sơn, huyện Ðại Từ là mảnh đất in đậm dấu ấn thời kháng chiến chống Pháp. Tại đây, Bác Hồ đã từng về thăm, động viên đồng bào tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc rồi chỉ đạo xây dựng đời sống mới... 

Cách đây không lâu, tôi có dịp trở lại Thái Nguyên, được đi thăm một số di tích lịch sử, trong đó có xã Hùng Sơn, huyện Ðại Từ là mảnh đất in đậm dấu ấn thời kháng chiến chống Pháp. Tại đây, Bác Hồ đã từng về thăm, động viên đồng bào tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc rồi chỉ đạo xây dựng đời sống mới... Xóm Bàn Cờ, nơi có gốc đa cổ thụ, chiều 27/7 cách nay 71 năm là địa điểm diễn ra một sự kiện quan trọng: Công bố ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ.
 
Khu lưu niệm, nơi công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh tư liệu)
Khu lưu niệm, nơi công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn,
huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh tư liệu)

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Đại Từ ngày ấy một lần nữa đón các cơ quan, đơn vị trở lại. Trước ngày 27/7, công tác thương, bệnh binh đã được Bác Hồ và Chính phủ quan tâm. Những tổ chức tiền thân như “Hội giúp binh sĩ bị nạn” đã ra đời và được Bác làm Hội trưởng danh dự; rồi phong trào “Mùa đông binh sĩ” cuối năm 1946 cũng hướng về việc chăm sóc bộ đội, thương binh. Chính phủ đã ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ trong nội dung “Ưu đãi các chính sách bị thương và gia đình liệt sĩ”. Trong bộn bề vất vả, khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, ngày 10/7/1947, cơ quan Thương binh và cựu binh cũng đã được thành lập. Công tác chăm lo nguồn lực, chính sách ghi công, đãi ngộ kịp thời của Chính phủ góp phần thêm sức mạnh của chiến sĩ, nhân dân sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do. Tháng 6/1947, Bác Hồ đã đề nghị chọn ngày trong năm là “Ngày thương binh” để “Đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh”. Chính vì điều này cho nên trong tháng 7/1947, Ban vận động tổ chức Thương binh toàn quốc được thành lập với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức. Buổi họp đầu tiên của Ban gồm 20 người tiến hành tại xã Phú Thịnh cùng huyện. Để dễ nhớ, Ban đã chọn ngày 27/7 với lý do có sự trùng hợp của ba con số 7 (ngày, tháng, năm). Ông Lê Tất Đắc (thành viên ban) làm mấy câu thơ: “Dù ai đi đông về tây/ Hai bảy tháng bảy nhớ ngày thương binh/ Dù ai lên thác xuống ghềnh/ Hai bảy tháng bảy thương binh nhớ ngày”. Sau khi nhận được báo cáo chọn ngày, Bác Hồ đã viết thư gửi Ban tổ chức, có đoạn: “Ngày hai bảy tháng bảy là mỗi dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa lòng bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh... Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.
 
Một trong những người trực tiếp tham gia chuẩn bị chiều 27/7 là cụ Trần Văn Phúc (lúc chúng tôi gặp đã 85 tuổi), cụ kể: Bàn Cờ là một xóm có từ lâu đời, các làng thường mở hội chơi cờ trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2 trên gốc đa cổ xưa. Sân này có ba đường vào từ ba hướng, xung quanh là vạt đồi thoai thoải cây cối xanh tốt rất tiện cho giữ gìn bí mật. Do địa hình như vậy, Trung ương chọn nơi đây là địa điểm mít tinh. Hôm ấy, vào 6 giờ tối, cuộc mít tinh bắt đầu có khoảng 300 người tới dự. Đại diện Ban tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi đồng bào chiến sĩ nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc, rồi đại biểu thương binh phát biểu. Buổi mít tinh kết thúc trong tiếng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.
 
Đại Từ có 169 di tích lịch sử cách mạng và danh lam, thắng cảnh, trong đó có những địa danh nổi tiếng như Yên Lãng với chiến khu cách mạng Nguyễn Huệ do những người cộng sản sau khi vượt ngục thành công ở nhà tù chợ Chu lập nên thời tiền khởi nghĩa, có Phú Xuyên, nơi làm lễ xuất quân cho lực lượng thanh niên xung phong đi chiến dịch Điện Biên Phủ, có Bản Ngoại, nơi Bác Hồ từng ở trước khi Người rời khỏi “Thủ đô gió ngàn” về Thủ đô Hà Nội năm 1954. Đây không chỉ là nơi phát tích Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 mà còn là nơi nhiều tổ chức Trung ương ra đời hoặc hoạt động trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là nơi trong số ba mươi ba xã được công nhận là xã ATK (An toàn khu).
 
Đến với Đại Từ, không thể không đến với “Địa điểm công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc 27/7” được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào đúng dịp 50 năm ngày này. Khu di tích bây giờ được đầu tư trang nghiêm trở thành một điểm di tích lịch sử quan trọng trên đất Thái Nguyên.
 
Hơn bảy thập kỷ qua, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7) luôn là ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách đã hy sinh, đóng góp cả xương máu vì nền độc lập, thống nhất đất nước. Truyền thống tốt đẹp này là biểu tượng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đã và đang được nhân dân ta kế tục, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG