Ðà Lạt "vất vả" tuyển sinh đầu cấp

08:07, 06/07/2018

Năm học 2018 - 2019, số học sinh lứa tuổi "Rồng vàng" vào lớp 1 và "Heo vàng" vào lớp 6 ở Ðà Lạt tăng mạnh. Do vậy, công tác tuyển sinh đầu cấp của thành phố gặp không ít khó khăn.

Năm học 2018 - 2019, số học sinh lứa tuổi “Rồng vàng” vào lớp 1 và “Heo vàng” vào lớp 6 ở Ðà Lạt tăng mạnh. Do vậy, công tác tuyển sinh đầu cấp của thành phố gặp không ít khó khăn.
 
Sĩ số học sinh đông ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển và mục tiêu giáo dục toàn diện. Ảnh: T.H
Sĩ số học sinh đông ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển và mục tiêu giáo dục toàn diện. Ảnh: T.H

Áp lực sĩ số
 
Bình quân gần 50 học sinh/lớp tại các trường trung tâm vượt xa quy định của các điều lệ trường tiểu học và THCS. Ðiều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển và mục tiêu giáo dục toàn diện, khi học sinh quá đông sẽ dẫn đến thiếu sân chơi, bãi tập, thiếu phòng học và phòng bộ môn, thiếu phòng chức năng, thiếu các điều kiện hoạt động, sinh hoạt cần thiết...
Theo ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Trưởng phòng GDÐT thành phố Ðà Lạt
Gần 50 học sinh/lớp là sĩ số lớp 1 và lớp 6 của một số trường học trung tâm thành phố Đà Lạt trong năm học 2018 - 2019 tới. Theo số liệu công tác tuyển sinh năm học 2018 - 2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Đà Lạt, số học sinh lớp 1 là 4.409 học sinh/107 lớp, chưa kể số trẻ các nơi khác đến đột xuất không kiểm soát được vào thời điểm đầu năm học. Như vậy, bình quân toàn thành phố trên 41 học sinh/lớp, chưa kể số học sinh lớp 1 năm học 2017 - 2018 phải lưu ban. Tuy nhiên, một số trường trung tâm do số học sinh đông nên sĩ số tăng lên gần 50 học sinh/lớp như Tiểu học Nguyễn Trãi, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Đa Thiện... 
 
Còn đối với lớp 6, theo số liệu lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2017 - 2018 chuyển lên có 3.752 học sinh/82 lớp, bình quân toàn thành phố trên 46 học sinh/lớp, chưa kể số học sinh lớp 6 năm học 2017 - 2018 phải lưu ban và học sinh lớp 5 thuộc lớp Linh hoạt của thành phố chuyển qua. Bình quân sĩ số lớp 6 năm học này tăng hơn so với năm học trước (sĩ số năm 2017 - 2018 là 44 học sinh/lớp). 
 
Trong khi đó, tại các trường tiểu học, THCS lân cận được thành phố đầu tư xây dựng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đầy đủ năng lực, chất lượng giáo dục hàng năm đều đảm bảo ngang bằng với các trường trung tâm, đảm bảo đạt chuẩn quốc gia... lại không được phụ huynh học sinh quan tâm đăng ký tuyển sinh. Vì vậy, các trường vùng ven bình quân sĩ số thấp hơn so với bình quân toàn thành phố, như: THCS&THPT Xuân Trường 38 học sinh/lớp; THCS Tà Nung 39 học sinh/lớp; hay THCS Nguyễn Đình Chiểu chỉ 37 học sinh/lớp... Do đó, số học sinh còn lại dồn về các trường trung tâm khiến sĩ số những trường này “đội” lên gần 50 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh của các trường tư thục gặp khó khăn cũng là áp lực cho trường công khi chỉ tiêu các trường này dồn về, điển hình như PT Hermann Gmeiner chỉ tiêu tuyển sinh 90 học sinh, nhưng hiện mới chỉ tuyển được 46 học sinh nên số còn lại dồn về các trường công lập. Và một số trường công lập đã phải ghép lớp ở các khối lớp 7, 8, 9 để đáp ứng số lớp cho học sinh lớp 6 vào. 
 
Khó khăn trong công tác tuyển sinh 
 
Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Trưởng phòng GDĐT thành phố Đà Lạt cho hay, những khó khăn trong công tác tuyển sinh của thành phố hiện nay là tuy số học sinh tăng nhưng cơ sở vật chất không tăng; cùng với đó, việc tinh giản biên chế 10% thì số lượng giáo viên sẽ không đáp ứng để thực hiện công tác trong khi số học sinh ngày càng tăng... Đặc biệt, việc căn cứ vào hộ khẩu khi nhiều gia đình tìm cách thay đổi hộ khẩu liên tục để xin cho con vào trường theo nguyện vọng cũng gây không ít khó khăn cho công tác tuyển sinh của ngành Giáo dục Đà Lạt.
 
Tuy khá vất vả để xin cho con được theo học tại ngôi trường thuộc khu vực trung tâm thành phố, chị N.T.H - nhân viên một cơ quan nhà nước không ngại khi lớp có sĩ số học sinh khá đông. Chị H thổ lộ: “Thật tình mình muốn con được học ở ngôi trường có “tên tuổi” một chút, lại gần nơi làm việc nên thuận tiện đưa đón”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh khi cố gắng tìm mọi cách để xin cho con vào học ở những ngôi trường được “truyền tai” là dạy tốt - học tốt. 
 
“Đó là những khó khăn rất lớn cho việc tuyển sinh của ngành giáo dục thành phố và đặc biệt là tại các trường tiểu học, THCS ở các địa bàn trung tâm. Các trường trung tâm không đủ năng lực về cơ sở vật chất, biên chế nhân sự để tiếp nhận toàn bộ học sinh của thành phố. Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho chính học sinh và giáo viên toàn thành phố, đảm bảo các yêu cầu phát triển giáo dục đồng đều ở các địa bàn, Phòng GDĐT Đà Lạt đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể yêu cầu các trường tiểu học, THCS thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tuyển sinh mà UBND thành phố đã phê duyệt và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của ngành giáo dục”, ông Phong chia sẻ.
 
TUẤN HƯƠNG