Ðạ Tẻh: Thay đổi căn bản diện mạo nông thôn

08:07, 31/07/2018

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, diện mạo nông thôn tại Ðạ Tẻh đã thay đổi một cách căn bản.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, diện mạo nông thôn tại Ðạ Tẻh đã thay đổi một cách căn bản.
 
Một cơ sở chế biến hạt điều tại xã Hương Lâm - Đạ Tẻh
Một cơ sở chế biến hạt điều tại xã Hương Lâm - Đạ Tẻh

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng
 
Thay đổi rõ nhất tại các vùng nông thôn ở Đạ Tẻh chính là những con đường mới. 
 
Một thống kê của huyện cho biết từ năm 2008 đến nay, chỉ sau 10 năm, toàn huyện có 351 tuyến đường với tổng chiều dài gần 268 km đã được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; trong đó, có gần 42 km đường trục xã, gần 107 km đường trục thôn, trên 66,7 km đường ngõ xóm và 51,5 km đường trục chính nội đồng. 
 
Về cơ bản, hầu hết các tuyến đường nối từ huyện đến xã đã được mở rộng, phủ nhựa, các con đường trong thôn xóm đều được bê tông hóa.
 
Đi theo các tuyến đường là hệ thống điện lưới quốc gia đã đến tận thôn cùng ngõ nhỏ, tỷ lệ dân số trong huyện dùng điện đạt 99,6%; toàn bộ 10/10 xã đều có đường điện “Thắp sáng đường quê” chiếu sáng hàng đêm từ trung tâm xã đến các thôn.
 
Để cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, từ năm 2008 đến nay, huyện đã xây dựng mới, nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ cho tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt như hồ nước tại Thôn 10 - xã Đạ Kho; hồ Thôn 5 - Quốc Oai; hồ Con Ó - Mỹ Đức; hồ Tố Lan-  An Nhơn; hồ Hương Thanh - Hương Sơn thuộc xã Hương Lâm; nâng cấp hồ Thạch Thất, đập dâng Đạ Kho, hồ Đạ Hàm xã An Nhơn. Hiện công trình thủy lợi Đạ Lây trên địa bàn đang được thi công, dự kiến đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng.
 
Văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư 
 
Từ năm 2008 đến nay, Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho 18 trường học trên địa bàn theo chuẩn quốc gia. Huyện đến nay đã có 18/37 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 48,6% tổng số trường trên địa bàn Đạ Tẻh.
 
Địa phương cũng đang duy trì tốt 10/10 xã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở (THCS); duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông (hay bổ túc, học nghề) đạt trên 80%. 
 
Trong lĩnh vực y tế, huyện đến nay có 7 xã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới; 100% thôn, buôn có nhân viên y tế; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 78,2%; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm ở mức 1,1%. 
 
Trên địa bàn huyện hiện nay có 10 điểm bưu điện văn hóa xã và 1 bưu cục cung cấp dịch vụ thư tín, điện thoại, có điểm truy cập internet tốc độ cao, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng thông tin toàn cầu gia tăng; tất cả các xã trong huyện đến nay đều ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và công việc hằng ngày. 
 
Trong lĩnh vực văn hóa, tất cả 10/10 xã của huyện đều đã có nhà văn hóa, trong đó Nhà văn hóa xã Đạ Pal đang được chuẩn bị nâng cấp trong quý 3 năm nay, còn Nhà văn hóa xã Mỹ Đức cũng đang hoàn thiện. Đã có 80/81 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 10/10 xã có trạm truyền thanh; từ cấp huyện đến cấp cơ sở trong năm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư tham gia. 
 
Giảm hộ nghèo
 
Nhờ đầu tư có trọng điểm nên tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của Đạ Tẻh bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt 10%/năm. 
 
Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất canh tác năm 2018 đã đạt 82 triệu đồng/năm, tăng 44,7 triệu đồng so với năm 2008. 
 
Hệ thống thủy lợi hoạt động tốt nên tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới nước tự chảy và nước tạo nguồn từ các công trình thủy lợi của huyện năm 2018 đạt khoảng 62%, tăng 23% so với 10 năm trước đó. Đến thời điểm này, huyện đã có khoảng 93% diện tích canh tác được cơ giới hóa khâu làm đất, tăng 23% so với năm 2008; cùng đó cơ giới hóa khâu thu hoạch (chủ yếu là lúa, ngô) đạt tỷ lệ trên 41%, tăng gấp đôi so với 10 năm trước; tỷ lệ nông - lâm sản qua chế biến cũng đạt trên 25%.
 
Sản xuất phát triển đã góp phần từng bước nâng thu nhập người dân cao hơn. Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tại huyện đạt 36,2 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo còn 4,49%, giảm 1,47%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 8, 22%, giảm 3,18%.
 
Trên địa bàn huyện hiện nay trong 10 xã đã có 7 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm An Nhơn, Đạ Kho, Quảng Trị, Triệu Hải, Hà Đông, Quốc Oai, Hương Lâm; 3 xã còn lại gồm Đạ Pal, Mỹ Đức và Đạ Lây phấn đấu đạt chuẩn trong cuối năm 2018 này. Ở cấp huyện, Đạ Tẻh cũng nỗ lực hoàn tất các tiêu chí nông thôn mới để đề nghị tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
 
Những mục tiêu hướng đến
 
Vẫn còn những khó khăn nhất định trong bước đi của Đạ Tẻh hiện nay. Như huyện đánh giá, đó là chất lượng tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp chưa cao, thiếu bền vững, năng suất cây trồng chủ lực ở địa phương còn thấp...
 
Đạ Tẻh đang đề ra các mục tiêu cụ thể cho thời gian tới. Trong 2 năm đến, năm 2020, huyện phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp từ 11 - 12%; công nghiệp - xây dựng 4,4%; dịch vụ 9,5%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị sản xuất đạt 97 triệu đồng/ha. 
 
Huyện cũng nỗ lực nâng tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới nước tự chảy và nước tạo nguồn từ các công trình thủy lợi đạt 70 - 80%; cơ giới hóa khâu làm đất đạt 90% trở lên; khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch bình quân đạt 70%; tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 60%; tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; tỷ lệ hộ dân thị trấn sử dụng nước sạch đạt 65%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện đạt trên 99,8%.
 
Để đạt được kết quả này, huyện cho biết sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các cộng đồng dân cư nông thôn.
 
GIA KHÁNH - HỒNG LOAN