Bảo vệ và phát triển rừng nhìn từ quản lý dự án đầu tư

08:07, 23/07/2018

Một trong những tồn tại, hạn chế lâu nay trở thành nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm từ các doanh nghiệp thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp để đầu tư dự án. 

Một trong những tồn tại, hạn chế lâu nay trở thành nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) là trách nhiệm từ các doanh nghiệp thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp để đầu tư dự án (DA). Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo cần kiên quyết thực hiện nghiêm trong giám sát, kiểm tra và xử lý đối với những chủ đầu tư vi phạm. 
 
Để rừng bị phá thế này mà chủ đầu tư dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Cát Minh vẫn xin được tiếp tục thì thật khôi hài. Ảnh: M.Đ
Để rừng bị phá thế này mà chủ đầu tư dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Cát Minh
vẫn xin được tiếp tục thì thật khôi hài. Ảnh: M.Đ

Ngày 19/7, trao đổi với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện công tác QLBV&PTR trên địa bàn tỉnh tháng 7 đầu năm 2018, chúng tôi cũng ghi nhận một trong những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân mà cơ quan này khẳng định là “giám sát thực hiện pháp luật về BV&PTR tại địa phương và tại các cộng đồng được giao rừng chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên”. Dĩ nhiên, cần chia sẻ gốc gác vấn đề này là sự yếu kém về trách nhiệm QLBV&PTR của các chủ đầu tư DA. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng - Võ Danh Tuyên trong đánh giá 6 tháng đầu năm 2018 cũng cho rằng: “Một số DA triển khai chậm tiến độ, không tổ chức bố trí lực lượng tuần tra, QLBVR, công tác phối kết hợp giữa các chủ doanh nghiệp với các ngành chức năng tại địa phương chưa kịp thời, thường xuyên nên để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo hoặc phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức ngăn chặn, xử lý”. Còn Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh - Bùi Văn Hùng lý giải về hạn chế lớn nhất của Đạ Tẻh là số vụ vi phạm chưa kiềm chế được, còn diễn ra một số vụ vi phạm nổi cộm do nguyên nhân việc xử lý của chủ rừng, đặc biệt doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa nghiêm, rất khó khăn cho huyện. Ông Hùng từng trả lời với chúng tôi: Trên địa bàn huyện có 22 doanh nghiệp ngoài nhà nước, chính quyền nhiều lần mời đại diện lãnh đạo doanh nghiệp họp để cùng quán triệt, bàn bạc phối hợp thực hiện nhiệm vụ QLBV&PTR, nhưng hầu như chả có mấy đại diện đến. Thậm chí “đến giờ tôi cũng không biết mặt mũi ông (bà) giám đốc của một số doanh nghiệp” - ông Hùng nói. 
 
Chủ tịch Bùi Văn Hùng cho biết thêm, trong số 22 doanh nghiệp này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành lập tổ chuyên trách, không thường xuyên tuần tra quản lý, không chủ động ngăn ngừa, xử lý. Vì vậy, đại diện chính quyền huyện Đạ Tẻh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo dứt điểm những doanh nghiệp vi phạm, không tuân thủ những nội dung đã cam kết theo quy định của pháp luật về thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp thì cần phải xử lý nghiêm. Đây cũng là tâm tư chung của nhiều lãnh đạo các địa phương cấp huyện, cấp xã và các đơn vị kiểm lâm đã thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi trong những lần tiếp xúc làm việc! 
 
Vậy vấn đề ở chỗ là xử lý. Một mặt, việc kiểm soát và giám sát chặt chẽ từ các địa phương; mặt khác, các ngành liên quan như sự kiểm định nghiêm từ ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Tài nguyên và môi trường, ngành Tài chính và đặc biệt khi đã hội đủ các yếu tố thì tính cương quyết của vai trò tham mưu từ ngành Kế hoạch - đầu tư cho UBND tỉnh ban hành quyết định. Chúng tôi từng được một vị lãnh đạo thuộc ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn bày tỏ chia sẻ thế này: “Vui quá anh ạ. Suốt bao nhiêu năm tụi tôi đề xuất mãi đến nay mới có quyết định thu hồi đối với 2 doanh nghiệp này!” (xin không nêu cụ thể). Với sự chỉ đạo và lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thời gian gần đây, việc thu hồi DA vi phạm các quy định của pháp luật thực sự mạnh dạn hơn, có tác động tích cực đối với nhiệm vụ QLBV&PTR trên địa bàn. Điển hình như tháng 3/2018, UBND tỉnh đã cương quyết thu hồi và không chấp thuận cho Công ty TNHH Du lịch - Thương mại và Dịch vụ Cát Minh xin được tiếp tục thực hiện DA Khu Du lịch nghỉ dưỡng Cát Minh ở thành phố Đà Lạt. Quyết định nêu rõ, nếu doanh nghiệp không tự giác chấp hành hoặc cố tình kéo dài thời gian thì giao UBND thành phố Đà Lạt chủ trì, phối hợp tổ chức cưỡng chế, thu hồi. Được biết, gần đây, UBND tỉnh cũng ban hành 3 Quyết định thu hồi DA đầu tư đối với 3 doanh nghiệp khác. Đó là ngày 10/7, chấm dứt DA của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Xuân Hằng tại huyện Di Linh (công ty này cũng làm đơn đề nghị gia hạn DA và chuyển đổi giống cây trồng) và của Công ty TNHH Công nghệ sinh học ATA tại huyện Lạc Dương (công ty này đầu tư phát triển sản xuất nấm, hoa lan công nghệ cao nhưng không triển khai thực hiện đầu tư theo đúng quy định, lại còn để rừng bị phá, khai thác lâm sản trái phép…). Và đó là quyết định ngày 13/7, chấm dứt hoạt động và thu hồi DA “Khu Du lịch sinh thái hồ Đạ Tẻh” tại huyện Đạ Tẻh của Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Minh Nhựt Đạ Tẻh vì triển khai DA chậm tiến độ. 
 
Những dẫn chứng trên cho thấy tính cương quyết rõ rệt của UBND tỉnh Lâm Đồng để cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhất nhiệm vụ QLBV&PTR trên địa bàn tỉnh. Số liệu cập nhật mới nhất trong tháng 7 tại Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 388 DA thuộc 323 doanh nghiệp đang đầu tư triển khai; tổng diện tích thuê là 54.958 ha (đã trừ diện tích thu hồi). Tổng số DA tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi lũy kế đến tháng 7/2018 là 187 DA, với 27.712 ha; gồm 155 DA thu hồi toàn bộ (bằng 24.914 ha) và 32 DA thu hồi một phần (bằng 2.798 ha). Những DA bị thu hồi diện tích toàn bộ hoặc một phần là do không triển khai thực hiện DA hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt; không tổ chức, bố trí lực lượng QLBVR trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn; hoặc cũng có một số công ty tự nguyện trả lại DA… Hy vọng việc giám sát, kiểm tra, tham mưu thường xuyên, đồng bộ và quyết liệt của các địa phương, các ngành liên quan thì công tác QLBV&PTR mới thực sự chuyển biến tốt hơn.  
 
MINH ÐẠO